23/05/2017 16:47 GMT+7

​Thanh long: bổ dưỡng từ trái… đến hoa

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Thanh long ngoài để làm cảnh, làm thực phẩm và là một món giải khát, tráng miệng rất được ưa chuộng ở các nước nhiệt đới và một số nước ôn đới; thì nó còn có tác dụng làm thuốc chữa bệnh.

Vỏ trái thanh long khá dày, chiếm 26% trọng lượng trái, giúp cho việc bảo quản được lâu, không bị hư thối.

Về mặt dinh dưỡng, trong 100g phần ăn được của thanh long có chứa: nước 84g, protein 1,4g, lipid 0,4g, glucid 11,8g, cellulose 1,4g, vitamin C 8mg, một ít vitamin A, chất nhầy.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng ước tính rằng, chỉ cần khoảng 600-700g thanh long đủ cung cấp lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể, chống được bệnh scorbut và một số chứng bệnh do thiếu vitamin C.

Trái thanh long phải để chín rục ăn mới ngon, tuy nhiên có người lại thích cái hương vị chua chua ngọt ngọt khi trái chưa chín rục.

Theo Đông y, trái thanh long có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. Người ta sử dụng trái thanh long để giải nhiệt, nhuận trường. Đặc biệt, chất nhầy trong trái thanh long giúp làm giảm cholesterol của thức ăn và muối mật. Do đó, người mập phì, người có hàm lượng cholesterol huyết tăng cao nên ăn thanh long.

Trái thanh long còn được dùng để chế biến nhiều món ăn như: gỏi thanh long, salad thanh long, thanh long xào, thanh long nấu canh cá, cá sốt thanh long, chè thanh long, nước ép thanh long, sinh tố thanh long, thạch thanh long…

Thanh long còn thích hợp với người bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, táo bón kinh niên.

Thân cây thanh long có tác dụng thư cân hoạt lạc (giúp gân cốt co duỗi khỏe khoắn và làm thông suốt các kinh lạc) và giải độc.

Thân cây thanh long gọt bỏ vỏ và gai, rửa thật sạch với nước muối loãng, giã nát lấy nước bôi hay dùng bã để đắp chữa bỏng lửa, bỏng nước sôi, viêm tuyến mang tai, đinh nhọt, gãy xương.

Hoa thanh long có tác dụng bổ phế, trừ ho. Hoa thanh long khi nở có màu trắng đẹp như hoa quỳnh, được dùng chữa viêm phế quản, viêm hạch bạch huyết thể lao, giải độc rượu. Liều dùng 15-30g tươi, sắc uống hoặc 10-12g khô sắc uống, hãm trà để uống. Người ta còn nấu hoa thanh long với thịt heo nạc để làm món súp bổ dưỡng, chữa được tình trạng phổi yếu hay bị ho đàm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên