19/05/2017 15:50 GMT+7

​Làm gì khi trẻ bị bỏng?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hầu hết những ca bỏng xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và bé trai bị nhiều hơn bé gái. Các ca bỏng thường xảy ra tại nhà, ở bếp vào buổi sáng hoặc chập choạng tối do người lớn bất cẩn, vô ý để tác nhân gây bỏng như nước sôi, dầu ăn, cháo nóng, bàn ủi, hóa chất, pô xe,... trong tầm với của trẻ.

Nguyên nhân hàng đầu gây bỏng ở trẻ nhỏ là nước nóng. Mặc dù tỷ lệ tử vong do bỏng thấp nhưng những di chứng như sẹo, giảm chức năng vận động, chấn động tâm lý,… do bỏng gây ra cho trẻ và gia đình không phải là nhỏ. Hơn nữa, gánh nặng về tài chính cho việc chữa chạy chấn thương do bỏng cũng khá lớn.

Bỏng thường được chia làm 3 cấp độ khác nhau:

-  Độ 1: Bỏng nhẹ, cụ thể như đi phơi nắng ngoài bãi biển, da bị đỏ lên và hơi rát.

-  Độ 2: Bỏng vừa, như trường hợp sơ ý chạm phải một vật nóng đỏ, da bị phồng lên, có nước.

-  Độ 3: Bỏng nặng, thường xảy ra trong trường hợp tiếp xúc với hơi nóng quá lâu như cháy nhà, bỏng vì các axit hay hóa chất, hoặc bỏng điện,... Ở mức độ này, vết bỏng có màu trắng hoặc màu ngà, thường không còn cảm giác đau đớn nữa vì các tế bào thần kinh cảm giác nơi đó đã bị hủy hoại.

Nếu gặp phải bỏng ở trẻ nhỏ, điều trước tiên người chăm sóc phải làm là chặn đứng nguyên nhân gây ra bỏng càng sớm càng tốt. Sau đó nhanh chóng làm nguội vết thương bằng cách ngâm vết thương với thật nhiều nước lạnh, thậm chí ngâm cả người vào chậu nước từ 15 đến 25 phút hoặc cho đến khi cảm thấy hết đau.

Việc rửa nước lạnh có công dụng làm vết bỏng không lan rộng, đồng thời làm vết bỏng nhỏ hơn và ít đau đớn hơn. Lưu ý, ngâm nước lạnh trước, cởi y phục sau; trường hợp y phục bị dính chặt vào vết thương, đừng tự cố gỡ mà phải nhờ đến bác sĩ.

Một số người thường nghĩ, những chất như bơ, kem đánh răng, giấm, nước mắm,... có thể làm dịu vết bỏng nhưng điều đó không đúng bởi nó dễ làm vết bỏng nhiễm trùng.

Phương pháp tốt nhất, đơn giản và ít tốn kém nhất là ngâm vết thương vào nước lạnh cho đến hết đau rát do nóng; sau đó giữ vết bỏng sạch sẽ, đừng động chạm gì trong vòng 24 giờ. Nếu bỏng nhẹ (độ 1,2) thường được chăm sóc tại nhà.

Trường hợp bỏng nặng (độ 3), mức độ tổn thương sâu cần đến ngay cơ sở y tế. Các vết phồng sẽ xuất hiện từ 1 - 2 hôm sau khi bị bỏng. Trường hợp vết bỏng nằm ở những chỗ dễ đụng chạm, có thể dùng một băng vải đắp lên chỉ với mục đích tránh sự đụng chạm làm đau đớn.

Sau 24 giờ, bạn có thể rửa vết bỏng với xà phòng và nước lạnh hoặc dung dịch thuốc sát trùng ngày một lần, lau hoặc quạt cho khô sau khi rửa, sau đó bôi kem kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên