18/05/2017 16:30 GMT+7

​Các bệnh về mắt do đái tháo đường

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Đái tháo đường là một căn bệnh không lây đang ngày càng gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới. Bệnh gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm về não, tim, các chi và đặc biệt là mắt.

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường đều có nguy cơ bị bệnh võng mạc đái tháo đường. Và đái tháo đường cũng làm trầm trọng thêm các bệnh mắt khác như đục thủy tinh thể, Glôcôm, mất khả năng tập trung thị lực và song thị.

Bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân chính gây ra mù lòa ở các nước phát triển và dần trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển. Võng mạc là vùng nhạy cảm với ánh sáng của nhãn cầu, nơi có các tế bào thần kinh nhận hình ảnh để đưa lên não xử lý.

Người ta thấy rằng sau khi mắc bệnh đái tháo đường vào khoảng 5 năm thì bắt đầu có dấu hiệu tổn hại ở võng mạc. Quá trình mắc bệnh lâu dài cũng như lượng đường trong máu cao làm bệnh võng mạc tiến triển nhanh. Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường cũng không ngăn được bệnh võng mạc mà chỉ làm chậm sự tiến triển của bệnh. Những yếu tố phối hợp làm nặng thêm bệnh võng mạc đái tháo đường là: mang thai, cao huyết áp, bệnh lý về thận...

Bệnh võng mạc đái tháo đường thường không xuất hiện triệu chứng sớm, do đó bệnh nhân đái tháo đường nên đi kiểm tra sửc khỏe thường xuyên và khám mắt ngay từ khi được chẩn đoán bị đái tháo đường và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Song song với đó, bệnh nhân cần kiểm soát đường huyết, huyết áp và mỡ trong máu để làm chậm tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường. Trong trường hợp phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường, người bệnh cần được điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa suy giảm thị lực, ổn định thị lực hiện có và trong một vài trường hợp có thể cải thiện thị lực nếu được chữa trị sớm.

Bệnh Glôcôm

Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị bệnh Glôcôm cao gấp 1,4 lần người bình thường, nguy cơ này sẽ tăng lên ở những bệnh nhân tuổi cao và có thời gian bị bệnh đái tháo đường dài.

Đây là một bệnh thường gặp, mang tính xã hội cao, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Bệnh nguy hiểm ở chỗ không có thuốc điều trị hoặc phẫu thuật nào có thể phục hồi được những tổn thương chức năng và thực thể do Glôcôm gây ra.

Bệnh Glôcôm có hai loại. Glôcôm cấp thường có triệu chứng như sau: bệnh bắt đầu bằng nhức đầu hay nhức mắt đột ngột; mắt đỏ, nhìn lóa, ấn vào nhãn cầu thấy cứng như hòn bi, con ngươi bên mắt đau giãn to hơn bên mắt thường; người bệnh có thể nôn. Với thể Glôcôm cấp, nếu không được chữa trị sớm sẽ gây mù trong vòng vài ba ngày, vì thế nếu thấy có dấu hiệu kể trên, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Với thể Glôcôm mãn tính, các triệu chửng rất khó nhận biết như: áp lực trong mắt tăng từ từ, thường không nhức mắt, nhìn mờ dần, bắt đầu mờ khi nhìn sang bên cạnh và thường người bệnh không cảm thấy mình nhìn kém đi.

Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Glôcôm, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị và tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ. Tùy theo tình trạng bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có phương pháp điều trị thích hợp như dùng thuốc hạ nhãn áp trong giai đoạn Glôcôm sớm, điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật để kiểm soát nhãn áp nhằm ngăn chặn những tổn thương do bệnh Glôcôm. Có thể phòng tránh được mù lòa do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên.

Bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể là bệnh có thể gặp nhiều ở những người không bị đái tháo đường, nhất là ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn 1,6 lần và thường xuất hiện ở lứa tuổi trẻ hơn.

Đôi khi đục thủy tinh thể xuất hiện ở các bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 ở người trẻ tuổi và tiến triển rất nhanh, thường là sau một giai đoạn kiểm soát đường máu kém.

Những triệu chửng chính của bệnh gồm: mắt nhìn mờ, thị lực suy giảm, khó nhìn, lóe sáng, quáng gà, ra nắng nhìn mờ hơn ở nơi râm mát. Sức nhìn kém trong các vùng sáng bao quanh hay nhìn một vật thành hai hoặc ba.

Trường hợp bị đục thủy tinh thể nhẹ thì có thể chỉ cần đeo kính râm thường xuyên khi đi nắng là đủ, ngoài ra có thể nhỏ mắt bằng các loại thuốc có tác dụng hạn chế tiến triển của đục thủy tinh thể. Nếu bệnh nặng, có ảnh hưởng nhiều đến thị lực thì cần phải mổ thay thủy tinh thể.

Tóm lại, đối với bệnh nhân đái tháo đường, tự theo dõi không phải là một lựa chọn tốt vì các biến chứng về mắt thường không có một triệu chứng gì đáng chú ý trong một thời gian dài. Do đó, bệnh nhân đái tháo đường ngay cả khi không có triệu chứng gì ở mắt cũng cần kiểm tra mắt và đo thị lực ngay thời điểm được chẩn đoán bệnh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhằm hạn chế các biến chứng do bệnh gây ra.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên