13/05/2017 15:46 GMT+7

Mùa hè - cẩn thận ong đốt

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Mùa hè là mùa đơm hoa kết trái của nhiều loại cây ăn quả và cũng là thời gian thu hút nhiều loài ong đến hút mật và xây tổ.

Hè về cũng là lúc học sinh được nghỉ ngơi với những cuộc vui chơi, pic-níc trong rừng hay trong các vườn trái cây nên rất dễ bị ong tấn công.

Thông thường, ong đốt không gây nguy hiểm nhưng nếu bị đốt ở các vị trí như: đầu, mặt, cổ hoặc cơ địa bị dị ứng, khả năng đề kháng kém có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nọc ong khi đốt vào người có thể gây sốc phản vệ dẫn tới tử vong nhanh chóng trong vòng vài giờ, tử vong muộn trong vòng vài ngày do suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…

Những biểu hiện sau khi bị ong đốt

Tại chỗ:

- Lúc đầu đau nhói, sau vài phút chuyển thành đau rát bỏng, tại chỗ đốt có hiện tượng sưng, nóng, đỏ, đau.

- Sẩn ngứa, mề đay, cảm giác nóng ran trong vòng vài giờ sau khi bị ong đốt.

- Khi trẻ bị ong đốt vào vùng đầu, mặt, cổ dễ làm phù nề thanh quản gây khó thở và tử vong nhanh do bị suy hô hấp.

- Bị đốt vào vùng quanh mắt hoặc mi mắt có thể gây đục màng trước thủy tinh thể, viêm mống mắt, áp xe thủy tinh thể, tăng nhãn áp, thủng nhãn cầu, rối loạn khúc xạ. Các triệu chứng tại chỗ biểu hiện nặng nhất trong vòng 2-3 ngày đầu sau khi bị ong đốt và kéo dài hàng tuần.

Các biểu hiện toàn thân:

- Tình trạng phản ứng toàn thân xảy ra trong vòng 15 phút đến 1 giờ sau khi bị ong đốt. Các biểu hiện ban đầu thường là ngứa mắt, đỏ mắt, nổi mề đay toàn thân, ho khan sau đó các triệu chứng có thể nặng lên nhanh chóng.

- Các triệu chứng nặng biểu hiện như: tức ngực, co thắt hầu họng, khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, rét run, hôn mê, tiêu tiểu không tự chủ, suy hô hấp, trụy tim mạch.

- Khi bị ong đốt nhiều chỗ (trên 10 nốt) đặc biệt vùng đầu, mặt, cổ… khiến bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc toàn thân với các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, sợ ánh sáng, ngủ gà, co giật, gan bị hoại tử, suy thận cấp, tan máu, giảm tiểu cầu, xuất huyết nội mạch, suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến tử vong.

Cách xử trí khi bị ong đốt

- Việc làm đầu tiên sau khi bị ong đốt là lấy ngòi ong ra khỏi vết đốt bằng móng tay hoặc dùng thẻ nhựa mỏng cạo.

- Rửa vùng da bị ong đốt bằng xà phòng sau đó giảm đau, giảm sưng bằng cách chườm đá lạnh trong vòng 15 phút.

Sau khi xử lý sơ bộ, người bị ong đốt cần được chăm sóc, theo dõi cẩn thận và tùy theo mức độ nặng nhẹ đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Các biện pháp phòng tránh ong đốt

Đối với trẻ em:

+ Không chọc, ném tổ ong, không dùng tổ ong để trêu chọc người khác, khi có đàn ong xuất hiện đứng yên không chạy.

+ Không nên chơi trong rừng, bụi rậm, vườn cây, khi thấy tổ ong chủ động tránh xa. Khi phát hiện tổ ong ở trường học, trong nhà, trong vườn… người lớn phải chủ động triệt phá để phòng ong đốt.

Đối với người lớn:

+ Khi đi dã ngoại vào rừng không nên dùng nước hoa, dầu gội đầu, các loại mỹ phẩm có mùi thơm dễ thu hút ong.

+ Khi vào rừng, vào vườn cây nên mặc quần áo dài tay, đội mũ, đi găng tay để tránh côn trùng đốt, trong đó có ong.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên