04/05/2017 15:47 GMT+7

​Thiếu máu thiếu sắt

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Cao Bằng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Cao Bằng

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau.

Hậu quả là làm giảm sự trao đổi dưỡng khí giữa máu và các tế bào cơ thể, không đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho các mô tế bào làm cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ để lại những biến chứng khó lường nếu không điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt

Bình thường, cơ thể sử dụng sắt từ thức ăn hoặc sắt tái chế từ các tế bào hồng cầu cũ để sản xuất Hemoglobin. Hemoglobin là một phần của các tế bào hồng cầu mang lại màu đỏ cho máu và đóng vai trò vận chuyển khí (O2, CO2).

Do đó sắt là thành phần quan trọng trong quá trình cung cấp dưỡng khí cho khắp các cơ quan trong cơ thể. Nếu lượng sắt không đủ, cơ thể không thể sản xuất đủ hồng cầu và thiếu máu thiếu sắt sẽ dần dần phát triển.

Những nguyên nhân dẫn tới thiếu máu thiếu sắt bao gồm:

- Mất máu: do chảy máu (xuất huyết tiêu hóa, trĩ, kinh nguyệt kéo dài, đái máu, loét dạ dày tá tràng…).

- Tan máu: do tăng quá trình phá hủy hồng cầu vì các nguyên nhân tại hồng cầu hoặc các nguyên nhân khác (tan máu bẩm sinh hoặc miễn dịch, sốt rét...).

- Giảm hoặc rối loạn quá trình sinh máu: do tủy xương giảm sinh hoặc rối loạn quá trình sinh các tế bào máu như: suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, bệnh máu ác tính, ung thư di căn… Hoặc do cung cấp không đủ các yếu tố tạo máu như : thiếu Erythropoietin (là một hormon thiết yếu để tạo hồng cầu), thiếu acid amin, thiếu acid folic và vitamin B12 …

- Không có khả năng hấp thụ sắt: sắt từ thức ăn được hấp thu vào máu thông qua ruột non. Rối loạn đường ruột hoặc một phần ruột non đã bị cắt bỏ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của ruột non.

- Một số thuốc có thể cản trở hấp thu sắt: thường xuyên sử dụng các thuốc giảm acid dạ dày có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt.

- Mang thai: nhu cầu sắt của phụ nữ ở thời kỳ mang thai tăng cao vì thai nhi cần sắt để phát triển các tế bào hồng cầu, mạch máu và cơ bắp.

Các triệu chứng của bệnh

Ban đầu, khi thiếu máu thiếu sắt ở mức độ ít các triệu chứng thường nghèo nàn và khó nhận biết được. Nhưng khi cơ thể trở nên thiếu sắt và thiếu máu nặng hơn, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ rệt, dễ nhận biết. Dưới đây là các triệu chứng thiếu máu thiếu sắt thường gặp:

- Mệt mỏi thường xuyên, đặc biệt khi hoạt động thể lực.

- Da xanh; môi, lợi, móng tay và bàn tay giảm sắc hồng.

- Cảm giác tức ngực, khó thở nhất là khi gắng sức hoặc đi lại nhiều; cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực…

- Nhức đầu.

- Hoa mắt chóng mặt.

- Lạnh tay và chân.

- Khó chịu.

- Tăng khả năng nhiễm trùng: thiếu máu thiếu sắt làm giảm chức năng hệ miễn dịch, gia tăng tính nhạy cảm và mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng.

- Móng tay giòn dễ gãy; tóc khô, dễ gãy.

- Thèm ăn các chất không dinh dưỡng chẳng hạn như: nước đá hoặc tinh bột nguyên chất…

- Chán ăn, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ em bị thiếu máu thiếu sắt.

Các biến chứng của bệnh

Tình trạng thiếu máu thiếu sắt nhẹ thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên nếu không được chữa trị, bệnh thiếu máu thiếu sắt có thể trở nên trầm trọng dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm:

- Tim mạch: thiếu máu thiếu sắt có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc bất thường. Tim phải bơm máu nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu oxy máu khi đang bị thiếu máu lâu dần có thể dẫn tới suy tim.

- Thai sản: thiếu máu tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con.

- Tăng trưởng và trí tuệ: thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra sự chậm phát triển về thể chất và trí tuệ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ chậm biết nói, biết đi; khả năng tư duy và nhận thức của não bộ đều bị giảm sút dẫn tới kém tập trung, khó nhớ, mau quên.

Phòng chống bệnh thiếu máu thiếu sắt

- Cải thiện chất lượng bữa ăn đảm bảo cung cấp đủ chất sắt cho nhu cầu cơ thể: thực hiện đa dạng hóa bữa ăn, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất sắt trong bữa ăn hằng ngày. Nên ăn các loại thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như: thịt, cá, tôm, trứng, cua...; một số rau có nhiều chất sắt như: rau muống, dền, đay… và các loại rau, quả có nhiều vitamin C: dưa gang, dâu, mơ, Kiwi, xoài, bông cải xanh, cà chua, bắp cải, khoai tây…

- Tránh dùng trà sau bữa ăn vì Tanin trong trà ngăn cản hấp thu sắt.

- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun sán, tẩy giun định kỳ năm một lần (đặc biệt là giun móc và giun đũa); sử dụng nước sạch khi ăn uống, sinh hoạt; sử dụng bảo hộ lao động khi làm nông nghiệp; không dùng phân tươi bón ruộng.

- Bổ sung viên sắt cho phụ nữ và trẻ nhỏ: đây là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt nhanh nhất nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.

- Điều trị sớm các bệnh làm giảm hấp thu sắt như: rối loạn tiêu hoá, kinh nguyệt kéo dài... các bệnh gây chảy máu mạn tính.

- Để ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt ở trẻ sơ sinh nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sắt từ sữa mẹ dễ hấp thu hơn so với sắt trong sữa công thức, nhất là ở trẻ sinh non. Trong trường hợp trẻ không có sữa mẹ hoặc sữa mẹ không đủ, cần cho trẻ ăn sữa có bổ sung sắt. Khi trẻ ăn dặm, cần đảm bảo cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng và đủ các chất cần thiết, thức ăn bổ sung cho trẻ nên là loại có chứa nhiều sắt và vitamin C để đề phòng thiếu máu thiếu sắt.

Khi có các triệu chứng của bệnh thiếu máu thiếu sắt người bệnh nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách giúp cho tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc bổ sung sắt mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể làm cho cơ thể quá tải sắt gây nguy hiểm vì khi đó lượng sắt dư thừa có thể gây tổn thương gan và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Cao Bằng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên