18/04/2017 16:01 GMT+7

​Chăm sóc trẻ sơ sinh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Trẻ từ khi sinh ra đến 30 ngày được gọi là sơ sinh. Trẻ sinh ra đủ tháng khi tuổi thai từ đủ 38 tuần đến hết 40 tuần. Trẻ sơ sinh đủ tháng có cân nặng lúc đẻ trên 2,5 kg, chiều dài của bé trung bình 48 - 50cm.

Để trẻ được khỏe mạnh, cần chăm sóc trẻ ngay từ khi mang thai và lúc sơ sinh.

Chăm sóc da và rốn

Trẻ sơ sinh thường có hiện tượng vàng da sinh lý. Vàng da (kèm với tiểu vàng) bắt đầu xuất hiện vào ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh, đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 3, thứ 4, sau đó giảm dần.

Lớp chất “gây” bao phủ bên ngoài da trẻ trong ngày đầu mới sinh có vai trò giữ nhiệt và bảo vệ cho da trẻ. Do vậy, không nên tắm làm sạch chất “gây” trên da bé ngay sau sinh. Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất “gây” này lại là môi trường rất thuận lợi cho khả năng nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy mà sau khi ra đời từ 24-48 giờ, hàng ngày trẻ phải được tắm sạch. Chú ý, khi rốn trẻ chưa rụng thì lúc tắm tránh làm ướt rốn và sau khi tắm xong phải thay ngay băng rốn vô khuẩn cho trẻ.

Rốn của trẻ phải được chăm sóc kỹ từ lúc mới sinh đến khi rốn rụng. Không nên băng kín rốn vì băng kín rốn sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Để hở rốn sau khi chăm sóc, quấn tã dưới rốn, rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng. Cuống rốn sẽ rụng tự nhiên sau 7-15 ngày. Rốn mới rụng phải giữ khô sạch cho tới khi lên sẹo.

Dinh dưỡng cho mẹ và bé

Nên cho trẻ nằm cùng mẹ và cho bú càng sớm càng tốt, trong vòng 30 phút sau sinh nên cho trẻ bú mẹ để tận dụng nguồn sữa non và các chất kháng khuẩn.

Cho trẻ bú đúng tư thế sẽ giúp mẹ tiết nhiều sữa cho con. Người mẹ bế trẻ sao cho tư thế đầu và thân trẻ thẳng hàng, bụng trẻ áp sát bụng mẹ, mũi trẻ đối diện bầu vú mẹ, tay mẹ nâng đầu, vai và mông trẻ. Trẻ cần được bú nhiều lần trong ngày (ít nhất 8 lần), bú cả ban đêm. Người mẹ nên cho trẻ bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối, không để sữa còn lại trong bầu vú; cho trẻ bú đều cả 2 bên, bú hết bên này mới chuyển sang bên kia, lần sau đổi bên. Phần lớn trẻ sau khi bú dễ bị trớ hoặc nôn ra sữa vừa bú. Để giảm bớt nôn trớ, sau khi trẻ bú, bế trẻ đứng 5-10 phút, đến khi trẻ ợ hơi xong mới cho trẻ nằm. Khi trẻ mới bú xong, tránh các thao tác thay tã hay quần áo vì dễ làm trẻ ọc sữa.

Hiện nay, vẫn còn phổ biến tình trạng sản phụ phải ăn cơm với muối tiêu, thịt kho thật mặn, kiêng cữ canh, rau, trái cây. Điều này làm cho bà mẹ khó ăn uống, thiếu năng lượng, mệt mỏi, táo bón, thiếu canxi, trong khi cơ thể người mẹ cần dinh dưỡng để bù năng lượng đã mất do sinh nở và cho trẻ bú. Do vậy, các bà mẹ phải ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống thêm sữa, uống nhiều nước, chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Phòng nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng sơ sinh là nhiễm trùng mắc phải trước, trong khi sinh hoặc tháng đầu sau sinh, nhiễm trùng có thể do virus, vi trùng.

Trẻ có thể bị nhiễm trùng qua các đường sau đây:

- Lây qua đường máu từ mẹ sang con: là đường lây truyền xảy ra trước sinh, thường gặp các tác nhân như: giang mai bẩm sinh, HIV, rubella, cytomegalo virus, toxoplasma.

- Lây qua đường ối: do nhiễm trùng tiết niệu sinh dục mẹ, mẹ bị hở cổ tử cung, vỡ ối sớm, thăm khám âm đạo nhiều.

- Lây qua đường tiếp xúc khi sinh: lúc thai nhi đi ngang qua tử cung, âm đạo, âm hộ khi chuyển dạ kéo dài.

- Do môi trường: gây nhiễm trùng huyết sau sinh. Lây gián tiếp qua các vật dụng như: kim, ống chích, catheter, thông dạ dày, không rửa tay khi tiếp xúc bệnh nhân, môi trường nhiễm bẩn. Tăng nguy cơ khi nằm viện lâu, ngạt, hồi sức tại phòng sinh, non tháng, nhẹ cân.

Các dấu hiệu và triệu chứng dùng cho nhận biết nhiễm trùng sơ sinh rất đa dạng và dễ trùng lắp với những bệnh khác. Trẻ có thể không khỏe: ít chơi, ít cử động hơn so với bình thường. Nặng hơn trẻ có thể bị sốt hay hạ thân nhiệt, vàng da, bú kém hay bỏ bú. Trẻ có thể bị thở mệt (thở nhanh, ngực bụng co lõm bất thường), bụng chướng, tiêu chảy, tiêu ra đờm máu. Trẻ có thể có biểu hiện của nhiễm trùng tại chỗ ở da, rốn, mắt.

Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi: khó thở, co giật, sốt hoặc cảm thấy lạnh, chảy máu, tiêu chảy, quá nhẹ cân, hoàn toàn không bú được.

Đưa trẻ đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt nếu trẻ: bú khó, mủ mắt, mụn mủ da, vàng da, rốn đỏ hoặc chảy mủ, bú dưới 5 lần trong 24 giờ.

Phòng nhiễm trùng sơ sinh:

Trước khi sinh

- Bà mẹ nên khám thai, tiêm chủng đầy đủ.

- Vệ sinh vùng sinh dục hàng ngày. Điều trị tốt các bệnh lý và nhiễm trùng tiết niệu, sinh dục cho bà mẹ.

- Cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng, phòng suy dinh dưỡng cho bà mẹ.

- Xử trí tốt những trường hợp ối vỡ sớm, ối vỡ non. Tránh để chuyển dạ kéo dài.

Khi sinh

- Bảo đảm sinh sạch. Tránh nhiễm trùng lây qua các dụng cụ, bàn tay người chăm sóc.

- Tránh các biến chứng sản khoa: Sinh ngạt, sang chấn sản khoa cho mẹ và con.

Sau khi sinh

Cho trẻ bú sữa mẹ để tăng cường sức đề kháng.

Đảm bảo điều kiện môi trường tốt cho trẻ. Trong tử cung của mẹ, thân nhiệt của trẻ luôn được ổn định nhưng ngay sau khi ra đời, trẻ đã bị mất nhiệt bởi nhiệt độ môi trường thấp hơn. Do vậy, trẻ sơ sinh cần được giữ ấm. Phòng trẻ nằm phải ấm (28 – 30 độ C), thoáng, không có gió lùa.

Mẹ và bé nên tắm nắng sáng sớm mỗi ngày khoảng 15-20 phút. Tắm nắng không những giúp trẻ có vitamin D để hấp thu tốt canxi trong sữa mà còn giúp nhanh chóng giảm vàng da.

Các dụng cụ dùng cho trẻ như: thìa, cốc, bình sữa... phải rửa thật sạch, luộc nước sôi trước khi dùng để đảm bảo vệ sinh.

Tã lót, quần áo, mũ, bao tay chân... của trẻ cần phải được giặt sạch phơi dưới nắng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên