03/03/2017 16:31 GMT+7

​Phòng bệnh trong mùa mưa

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Mùa mưa là thời điểm các mầm bệnh sinh sôi nảy nở. Đây là mùa tạo điều kiện thuận lợi cho vô số vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi, rác,... hòa vào dòng nước làm ô nhiễm môi trường, dễ dàng phát sinh dịch bệnh.

Điển hình là những bệnh về da, xương khớp và hô hấp. 

Các bệnh về da

Các bệnh dễ mắc vào mùa mưa bão đó là: nấm chân, nấm tay, mụn mủ, viêm nang lông, ghẻ lở… Lý do là thời tiết mưa gió, khả năng tiếp xúc với ngập nước cao, đặc biệt là nước bẩn từ các cống, rãnh...

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng tránh căn bệnh này, trong những ngày bão lũ, bạn nên đi giày dép thoáng khí, tránh đi giày tất lâu một thời gian. Bạn cần rửa chân thường xuyên, tuân theo nguyên tắc khô thoáng. 

Bên cạnh đó, bạn cẩn trọng khi lao động, tránh trầy xước da, khi tham gia công việc cần có dụng cụ bảo hộ. Người bệnh hết sức tránh việc gãi khiến vùng da bị viêm, bởi vùng da này hiện rất mong manh, nhạy cảm. Nếu bị trầy xước, bạn cần nhanh chóng rửa vết thương bằng nước sạch, nước muối, nếu thấy viêm nhiễm kéo dài, bạn cần đi khám ngay để bác sĩ kịp thời theo dõi. 

Do đó, cách tốt hơn cả đó là bạn cần giữ gìn vệ sinh cơ thể thật sạch sẽ, cẩn thận, tránh tiếp xúc với nước ngập, đặc biệt là trẻ em và người già; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

Các bệnh về hô hấp

Thời tiết này khiến người bị cảm lạnh, cảm cúm tăng cao. Thời tiết ẩm thấp, mưa gió như hiện nay khiến mọi người rất dễ nhiễm lạnh, hay còn gọi là cảm mạo phong hàn. Khi bị cảm, bạn sẽ thấy trong người nóng lạnh thất thường, đau đầu, sổ mũi, ho hắng… 

Để có thể phòng, bạn có thể tăng sức khỏe bằng việc bổ sung dinh dưỡng qua những thực phẩm tốt như hoa quả giàu vitamin C, thịt cá, trứng sữa, ngủ đủ giấc, uống đủ nước... Thường xuyên uống nước gừng tươi cũng là cách giúp bạn phòng bệnh cảm cúm hữu hiệu. 

Nếu đã bị cảm, bạn nên lau khô mồ hôi, đồng thời tránh gió lùa, ăn đồ ăn nóng, xông hơi. Ngoài cảm mạo, bạn còn có thể mắc bệnh lý liên quan tới hô hấp như: bệnh phổi, hen phế quản, giãn phế quản...

Dự phòng bệnh hô hấp gồm nhiều biện pháp, chủ yếu là bạn cần phải tránh những yếu tố gây bệnh như: không hút thuốc lá, tránh khói thuốc: hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đều khiến hệ hô hấp của bạn yếu đi trông thấy. Thực hiện tốt điều này sẽ khiến giảm tần xuất các nhiễm trùng hô hấp.

Tại thời điểm mưa bão mưa như hiện nay, cùng môi trường nước bị nhiễm bẩn, các  bệnh về tiêu hóa thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân gây ra những bệnh về tiêu hóa là do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột (ăn uống thiếu vệ sinh, chưa được nấu chín, sôi…). Bệnh thường không cần uống thuốc vẫn có thể tự khỏi hoặc giảm. Điều quan trọng nhất là cần giúp người bệnh có chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với thể dục hàng ngày và có đời sống tinh thần thoải mái. 

Các bệnh về tiêu hóa 

Tiêu chảy là bệnh tiêu hóa khá phổ biến, nhiều người bị mắc trong những ngày

mưa. Đây là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa, do vi khuẩn gây nên. Nếu bị mắc bệnh này, bạn hãy nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám.

Để phòng chống bệnh về tiêu hóa, bạn cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tránh xa nguồn bệnh, thực hiện tốt ăn chín uống sôi…

Ngoài ra, trong mùa mưa bão, cũng có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa do vi rút viêm gan A, vi rút viêm gan E nên cần chú ý phòng tránh vì lẽ bệnh do 2 loại vi rút này khi xảy ra thì tác động kéo dài và rất phức tạp. 

Ngoài ra, bị nhiễm các loại giun sán, sốt vàng da, chảy máu sau lũ lụt do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này qua nước tiểu ra môi trường bên ngoài và hòa vào dòng nước. Trong và sau mưa lũ, nếu ngâm mình lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể. 

Bệnh đau xương khớp, đau cơ

Cùng với mưa, lũ, gió lạnh, chuyển mùa, bệnh đau xương khớp, đau cơ cũng là bệnh hay gặp, nhất là ở những người đã có tiền sử bị bệnh. Trong những ngày mưa, thời tiết chuyển lạnh khiến các mạch máu ngoại vi làm giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên trong đó có da, cơ, khớp gây các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.

Bệnh đau khớp là hậu quả của quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp. Người bệnh luôn cảm thấy đau nhức ở các khớp như ở khớp tay, khớp đầu gối, khớp vai… Không những đau, các khớp còn bị sưng, khó vận động đặc biệt là sáng sớm. 

Lời khuyên tốt nhất cho mọi người để phòng bệnh này trong mùa mưa đó là bạn nên luyện tập thể thao. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý, rất có ích đối với sức khỏe con người và đặc biệt cực kỳ công hiệu trong việc giảm đau nhức. Ngoài ra, bạn cần thiết kế cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý: thực phẩm giàu vitamin C và E, canxi, uống thật nhiều nước để duy trì độ trơn tru giữa các khớp.

Các tai nạn thương tích

- Đuối nước: Đuối nước là tai nạn thường xảy ra cho các trẻ em, thậm chí cho cả người lớn, nhất là những người sống gần sông, ngòi, hồ đập... Mùa mưa bão thường làm cho nước sông, suối, ao, hồ dâng cao, chảy xiết, làm thay đổi dòng chảy bình thường nên người qua lại các khu vực này rất dễ bị tai nạn. Để phòng chống đuối nước cần lưu ý không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết; trong mùa mưa bão nếu phải vượt qua các khu vực ngập nước phải có phao cứu sinh, đi nhiều người (để tương trợ nhau lúc cần thiết).

- Điện giật: Trong những năm gần đây do nhu cầu sử dụng điện của nhân dân tăng cao nên hệ thống điện ở nhiều vùng, nhiều nơi (nhất là ở vùng nông thôn) chằng chịt, mất an toàn, dễ bị đứt do gió lớn. 

Để phòng tai nạn này, cần chủ động kiểm tra hệ thống điện của gia đình mình, xung quanh khu vực mình sinh sống nếu có gì bất thường phải báo cho cơ quan điện lực biết để sữa chữa kịp thời. Khi có sự cố về điện chỉ những người có trách nhiệm, có chuyên môn mới được sửa chữa.

Ngoài ra, các thương tích thường gặp trong mùa mưa bão là gãy xương, vết thương phần mềm, các thương tích này thường do nhà đổ, cây ngã đè vào người, thậm chí do té ngã khi sữa chữa nhà ở, chống bão cho nhà ở… Để phòng chống các thương tích này chúng ta cần chú ý: không đi ra ngoài khi mưa to gió lớn; không trèo lên sửa chữa nhà khi chưa chắc chắn an toàn; chủ động phòng chống bão trước khi bão đổ bộ vào khu vực sinh sống.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên