01/03/2017 08:00 GMT+7

​Rau thơm - những vị thuốc quý

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Rau thơm không chỉ là thứ gia vị quen thuộc trang trí các món ăn mà còn là cây thuốc thông dụng phòng trị nhiều bệnh.

Rau mùi

Rau mùi (ngò) rất giàu chất dinh dưỡng. Trong 100g lá rau mùi có chứa 86,3% nước; 3,3% protid; 0,6% lipid; 2,3% vitamin và khoáng chất vi lượng; 1,2% chất xơ và 6,3% đường. 

Các khoáng chất gồm calcium, phosphor, sắt; các vitamin như carotene, thiamin, riboflavin, niacin và vitamin C… 

Đặc biệt, trong rau mùi còn chứa nhiều tinh dầu. Nhờ đó, rau mùi có tác dụng kích thích tiêu hóa và làm thuốc bổ, chống đầy hơi, làm mạnh dạ dày, làm gia tăng sự bài tiết nước tiểu và làm hạ sốt. 

Tinh dầu trong rau mùi có tác dụng gây hưng phấn tình dục, được dùng chữa trong các trường hợp suy yếu sinh lý. 

Rau mùi còn giúp tống các chất đờm nhớt ứ đọng trong đường hô hấp gây khó thở và gây rối loạn đường hô hấp. Rau mùi còn vô cùng hiệu quả để chữa chứng rối loạn tiêu hóa như ăn không tiêu, nôn mửa, kiết lỵ, viêm gan và viêm ruột kết. Một số các axit có trong rau mùi lại giúp giảm mức cholesterol trong máu cũng như làm giảm hiện tượng xơ vữa động mạch.

Kinh giới

Trong thành phần hóa học của kinh giới có nhiều tinh dầu: d-Menthone, Menthone, d-Limonene. 

Theo Đông y, kinh giới có tác dụng tiêu độc, cầm máu, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió, chữa bệnh dị ứng… Lá kinh giới có mùi thơm dễ chịu, vị cay, tính ấm, có chứa tới 1% tinh dầu, trong đó có nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng chữa bệnh. Đây là loại lá có nhiều kháng sinh tự nhiên nên có tác dụng sát khuẩn tốt, làm sạch da. Kinh giới để tươi nấu nước uống và tắm hằng ngày để phòng chống rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt.

Tía tô

Tía tô có vị cay, tính ấm, thường dùng để chữa cảm lạnh; đau bụng, đầy chướng;  ngộ độc cua cá; ho, tức thở; cầm máu vết thương… 

Để giải cảm cho những người bị cảm, có thể lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa, hoặc ăn cháo với lá tía tô non thái nhỏ cộng với hành.

Đối với trẻ em và người cao tuổi, có thể giã nát tía tô tươi, chế nước sôi gạn nước trong để uống hoặc lá tía tô khô hãm nước sôi uống đều có tác dụng giải cảm rất tốt. 

Khi bị vết thương chảy máu, có thể lấy lá tía tô non tán nhỏ, đắp trùm lên chỗ máu đang chảy, rắc cho vừa kín rồi buộc lại thì vết thương sẽ cầm máu, không gây mủ và không để lại vết sẹo khi lành. 

Ngoài ra, với giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P... tía tô có tác dụng làm đẹp da. Lá tía tô non khi vò ra đem sát vào các mụn cơm vài lần thì mụn cơm sẽ bay mất. 

Bạc hà

Cây bạc hà có chứa tinh dầu 0,5-1,5%, trong đó có L-menthol 65-85%, menthyl acetat, L-menthon, L-pinen, L-limonen và flavonoid. 

Bạc hà có vị cay, thơm, tính mát. Lá bạc hà có tác dụng kích thích tiêu hóa, đồng thời giúp làm dịu dạ dày trong trường hợp bị sưng viêm. 

Dầu bạc hà hoặc lá bạc hà tươi nghiền nát khi thoa vào trán giúp cảm thấy dễ chịu, giảm đau đầu. Mùi hương bạc hà rất hữu hiệu trong việc làm thông mũi, họng, phế quản và phổi cũng như giảm rối loạn hô hấp. 

Bạc hà được coi là chất sát trùng và giúp hơi thở thơm tho, có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây hại trong răng miệng. 

Tinh dầu bạc hà rất tốt cho những người hay lâm vào trạng thái chán nản, căng thẳng. 

Nước ép lá bạc hà là một công cụ làm sạch da tuyệt vời với tác dụng làm mềm da, chữa viêm nhiễm da, đồng thời trị mụn.

Diếp cá

Rau diếp cá rất giàu vitamin và các khoáng chất như protit, glucid, lipit, cellulose,

protein, calcium, kali, vitamin C và tinh dầu từ thành phần methylnonylketon. Theo Đông y, diếp cá có vị cay, chua, mùi hơi tanh, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, giải độc. Với giá trị làm thuốc thanh nhiệt, giải độc nên trong các trường hợp bị viêm nhiễm như mụn nhọt, mẩn ngứa có thể dùng rau diếp cá làm mát cơ thể, lưu thông khí huyết. Hoặc khi bị bệnh đường ruột, bị tiêu chảy cũng có thể dùng diếp cá. 

Rau diếp cá có thể dùng để hạ sốt cho trường hợp trẻ sốt mà không muốn dùng thuốc tân dược, hoặc phụ nữ có thai không dùng được tân dược. Rau này còn có thể dùng để trị táo bón do đại tràng bị nhiệt.

Húng quế

Húng quế chứa tinh dầu thơm mùi chanh pha sả, chứa linalol, cineol, metylchavicol, estragol. 

Theo Đông y, húng quế vị cay, nóng, thơm dịu; có tác dụng làm ra mồ hôi, giảm đau, lợi tiểu, dùng làm thuốc trị viêm họng, cảm cúm, dị ứng, tiêu chảy và lợi sữa. Húng quế rất hiệu quả trong việc trị chứng khó tiêu, buồn nôn, rối loạn dạ dày, tiêu chảy và chứng đầy hơi; có tác dụng giảm bớt lượng gas trong dạ dày và ruột vì thế rất tốt cho hệ tiêu hoá. 

Đặc biệt, húng quế có thể giúp giảm cholesterol, chống ung thư và tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, tinh dầu húng quế có chứa một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể ngăn ngừa lão hóa sớm, những vấn đề có liên quan đến tuổi tác.

Xà lách

Xà lách là một loại rau cải rất giàu chất dinh dưỡng. Cứ 100g xà lách sẽ cung cấp khoảng 2,2g carbohydrates, 1,2g chất xơ, 90g nước, 166 µg vitamin A, 73µg folate (vitamin B9). 

Xà lách có vị ngọt đắng, tính mát; có tác dụng giải nhiệt, lọc máu, kích thích các tuyến tiêu hóa, cung cấp chất khoáng… 

Nhờ chứa rất nhiều muối khoáng với những nguyên tố kiềm, xà lách giúp cơ thể "dọn dẹp" máu, giúp tinh thần tỉnh táo và giúp cơ thể tránh được nhiều bệnh tật. 

Là một kho cung cấp chất xơ, giàu cellulose nên xà lách còn giúp thoát khỏi tình trạng táo bón. 

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, xà lách là một loại thực phẩm lý tưởng vì thuộc nhóm rau cải có thành phần carbohydrates thấp hơn 3%, nhờ đó xà lách có thể "hợp lực" với những loại thức ăn vốn nằm trong thực đơn của những bệnh nhân đái tháo đường. 

Xà lách còn chứa một hàm lượng đáng kể chất sắt, do đó là một loại thực phẩm rất tốt cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ​Rau thơm