24/02/2017 15:40 GMT+7

​Những điều cần biết về bệnh nhiễm Leptospira

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, chúng ta thường nghe nhắc đến các bệnh như: bệnh Cúm A(H5N1); bệnh dại; bệnh liên cầu khuẩn lợn; bệnh Than (nhiệt thán)… Đây đều là những bệnh nhiễm gây nguy hiểm cho con người.

Trong đó có bệnh Xoắn khuẩn vàng da (Leptospira) cũng thuộc nhóm bệnh lây từ động vật (chủ yếu là của chuột và gia súc) ngẫu nhiên truyền cho người, bệnh thường gặp ở các nước nông nghiệp chăn nuôi.

Bệnh nhiễm Leptospira là bệnh gì?

Leptospira là một vi sinh vật hình xoắn, di động. Tác nhân gây bệnh ở người thường gặp nhất: Leptospira icterohemorragiae, L.batavia, L.grippotyphosa. Bệnh mang tính chất nghề nghiệp do thường xảy ra cho người làm nghề chăn nuôi, giết mổ súc vật; công nhân vệ sinh nạo vét cống, nhân viên thú y; công nhân làm việc ở các công trường xây dựng, thủy điện và cũng thường gặp ở các đơn vị quân đội khi hành quân qua các vùng bùn lầy hoặc rừng. Bệnh thường gia tăng khi ngập lụt. Bệnh gây tổn thương cùng lúc nhiều cơ quan gan, thận, màng não…; bệnh dễ nhầm với sốt rét nặng thể vàng da, viêm gan siêu vi…

Bệnh lây truyền như thế nào?

Chuột đồng và các loại chuột ở thành thị - đặc biệt là chuột cống, đều có thể mang Leptospira. Mầm bệnh được thải trừ theo nước tiểu và làm ô nhiễm các nguồn nước. Mầm bệnh có thể có trong các mô của súc vật và làm ô nhiễm thực phẩm. Các gia súc như chó, trâu, bò, heo, ngựa mắc bệnh có các biểu hiện vàng da, sẩy thai hoặc có thể mang trùng và thải mầm bệnh ra môi trường.

Sự lây truyền sang người ít khi trực tiếp do động vật cắn, mà gián tiếp do nhiễm vào các vết trầy sướt khi lội qua các vùng đồng lầy, ruộng, ao, cống rãnh có nhiều Leptospira do động vật thải ra.

Bệnh nhiễm Leptospira xảy ra như thế nào?

Sau khi xuyên qua các vết trầy sướt ở da và niêm mạc, xoắn trùng Leptospira đi vào máu và ở tại đây trong những ngày đầu của bệnh. Nhờ tính chất di chuyển xoắn ốc mà Leptospira có thể dễ dàng đến các nội tạng và tấn công đặc biệt vào các mô và cơ quan: gan, thận, thượng thận. Các tổn thương đa cơ quan gây ra các rối loạn chức năng vàng da, suy thận, tán huyết nội mạch, lách to, hạch to, sung huyết thượng thận…

Bệnh có những biểu hiện rất điển hình như sốt cao; mệt mỏi; nhức đầu; sung huyết kết mạc mắt; đau cơ nhiều nhất là ở cơ bụng chân, cơ lưng, cơ bụng, đau nhiều hơn khi xoa bóp, có thể đau rất nhiều khiến cho bệnh nhân không đi lại được, đôi khi kèm theo đau khớp. Trường hợp nặng xuất hiện vàng da sậm, suy thận, xuất huyết, viêm màng não, viêm cơ tim và tử vong.

Phòng bệnh nhiễm Leptospira bằng cách nào?

- Tránh bơi lội ở những nơi có khả năng bị ô nhiễm và sử dụng các biện pháp bảo vệ thích hợp khi phải làm việc ở nơi có khả năng bị ô nhiễm.

- Những người làm các nghề có nguy cơ cao cần mang ủng, găng tay, tạp dề để tránh  bị nhiễm bệnh….

- Cải thiện vệ sinh môi trường; làm sạch nguồn nước, vùng đất bị ô nhiễm; khu vực chăn nuôi phải xử lý tốt chất thải trước khi đổ ra nguồn cống chung.

- Diệt chuột thường xuyên trong các khu dân cư, đặc biệt là ở nông thôn và các khu cắm trại.

- Cách ly vật nuôi bị nhiễm khuẩn để phòng ngừa nước tiểu của súc vật bị bệnh làm ô nhiễm nơi ở, nơi làm việc và các khu cắm trại.

- Có thể điều trị dự phòng với Doxycyclin: 200mg/tuần, uống trong suốt thời kỳ làm việc tại môi trường có nguy cơ nhiễm xoắn khuẩn cao.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: nhiễm Leptospira