14/02/2017 08:00 GMT+7

​Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân thường gặp gây khò khè, ọc sữa ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, thời gian điều trị thường kéo dài.

Hầu hết các bậc phụ huynh đều tỏ ra lo lắng, không hiểu đây là chứng bệnh gì và thường có tâm lý thay đổi bác sĩ, đi khám nhiều nơi vì thấy bệnh lâu hết.

Vậy thật ra trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Khi ăn, thức ăn từ miệng sẽ đi vào thực quản rồi xuống đến dạ dày. Dạ dày đóng vai trò như một túi to nhào trộn thức ăn và phân hủy chúng thành những chất mà ruột có thể xử lý. 

Trào ngược xảy ra khi thức ăn đi ngược với con đường tự nhiên trên như đi ngược từ dạ dày lên thực quản (còn gọi là trào ngược axit) hay đi ngược từ ruột lên dạ dày (còn gọi là trào ngược bazơ).

Trào ngược thường gặp ở trẻ dưới 12 tháng tuổi vì những lý do sau:

- Thứ nhất là do dạ dày của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Dạ dày của trẻ nằm ngang và cao hơn so với dạ dày của người lớn. Bên cạnh đó, các cơ thắt ở hai đầu dạ dày vốn chỉ mở ra khi có thức ăn đi qua và đóng kín lại khi dạ dày co bóp nhào trộn thức ăn lại hoạt động chưa ổn định. Nên đôi lúc lẽ ra phải đóng kín thì nó lại hở ra khiến thức ăn trào ra và ọc ngược lên trên.

- Thứ hai là do đặc tính của việc ăn bú của trẻ. Những trẻ dưới 12 tháng, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi thì chủ yếu chỉ bú sữa, vốn là một dạng thức ăn lỏng dễ dàng lọt ra ngoài khi chỉ xuất hiện một khe hở nhỏ. Đối với những trẻ bú sữa bò thì dễ bị trào ngược hơn sữa mẹ, do sữa bò lâu tiêu nên nằm lại trong dạ dày lâu hơn khiến khả năng trào ngược cao hơn.

- Cuối cùng là do tư thế của bé khi bú. Hầu hết các bé đều nằm khi bú, đặc biệt là khi bú đêm hay bú sữa bình. Ở tư thế này dạ dày giống như một ly sữa bị đặt nằm ngang khiến cho sữa dễ trào ra ngoài.

Những nguyên nhân trên là trào ngược sinh lý chiếm phần lớn các trường hợp trào ngược dạ dày thực quản và thường điều trị có hiệu quả cao nếu các bậc phụ huynh hiểu rõ và tuân thủ tốt những nguyên tắc chăm sóc bé hằng ngày và tình trạng trào ngược sẽ tự hết đi khi bé lớn dần lên.

Ngoài ra, trào ngược còn có thể do những bệnh lý khác ảnh hưởng đến chức co bóp hay tiêu hóa của dạ dày, ruột như dị ứng đạm sữa bò, bại não, nhiễm trùng toàn thân, viêm dạ dày,… Đối với những trường hợp này, việc điều trị nguyên nhân gốc là cách điều trị hiệu quả nhất.

Cách chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Như đã trình bày ở trên, hầu hết trào ngược ở trẻ em là trào ngược sinh lý do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện và do đặc tính ăn đồ lỏng, bú nằm ở giai đoạn này. Các bậc phụ huynh nên hiểu tình trạng trào ngược sinh lý chỉ là nhất thời trong một giai đoạn đầu đời của bé và sẽ tự khỏi. Những phương pháp chăm sóc sau sẽ giúp làm giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho bé, đồng thời cũng làm cho các bậc phụ huynh yên lòng.

1. Làm đặc thức ăn

Bạn có thể làm đặc thức ăn bằng cách bổ sung 1 muỗng canh bột gạo (bột gạo đã được chế biến sẵn) vào 60ml - 120 ml sữa.

Đối với trẻ bú mẹ, bạn nên cho trẻ bú mẹ nhiều lần, ngoài ra có thể vắt sữa mẹ và pha thêm bột gạo vào sữa mẹ.

Làm đặc thức ăn có tác dụng làm giảm tần xuất nôn trớ, kéo dài giấc ngủ của trẻ và giảm hiện tượng quấy khóc. Ngoài ra, làm đặc thức ăn còn làm tăng năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt hơn, nhưng đồng thời làm tăng nguy cơ táo bón ở trẻ cũng như làm giảm khả năng hấp thu của canxi có trong sữa.

Nếu bạn không có thời gian hoặc không muốn làm đặc thức ăn bằng cách pha bột vào sữa thì bạn có thể sử dụng sữa đặc chế dành cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản. Đây vốn là sữa công thức được bổ sung thêm chất xơ (gôm) tự nhiên. Các chất xơ tự nhiên này không bị ảnh hưởng bởi axit dịch vị vì vậy phát huy tác dụng trên cả chứng nôn trớ và trào ngược bằng cách làm sệt sữa trong bình, duy trì độ sệt trong dạ dày và không có ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng của sữa. Cần lưu ý là phải pha sữa đặc chế này với nước sôi để nguội 85 độ C, khi nguội đi sữa sẽ đặc lại do đó nên dùng muỗng hay núm vú có lỗ to hơn để bé dễ ăn. Sau khi pha sữa cần đóng chặt nắp hộp và để nơi khô ráo, mát mẻ. Không nên để sữa đã pha trong tủ lạnh quá 24 giờ. Nên dùng sản phẩm trước hạn sử dụng và trong vòng 4 tuần sau khi mở.

Trong trường hợp, trẻ bị trào ngược do dị ứng protein sữa bò thì phải cho trẻ dùng sữa có đạm thủy phân. Nhiều  nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng dị ứng sữa bò là nguyên nhân của khoảng 20% trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi. Do đó, việc sử dụng sữa thủy phân sẽ giúp loại trừ các protein dị ứng ra khỏi sữa. Ngoài ra khi cho trẻ bú sữa có đạm thủy phân sẽ giúp cho trẻ tiêu hóa tốt hơn, dạ dày được làm trống sau bú nhanh hơn và góp phần làm giảm hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.

2. Tránh cho trẻ ăn một số thực phẩm làm tăng khả năng trào ngược dạ dày thực quản như:

- Nước cam, quýt, bưởi

- Thực phẩm giàu chất béo

- Sô-cô-la, cà phê

- Tỏi, hành, thức ăn cay

- Xốt cà chua và những thực phẩm chế biến kèm xốt cà chua.

3. Điều chỉnh tư thế trẻ sau bữa ăn

- Bế thẳng trẻ sau ăn khoảng 20 - 30 phút

- Trẻ ngủ với đầu giường nâng cao 30 độ.

- Tránh cho trẻ nằm hoặc đi ngủ ngay sau khi ăn, ít nhất là 2 giờ.

- Tránh cho trẻ mặc quần áo quá chật ngay sau bú.

4. Điều chỉnh cách cho trẻ bú

Cho trẻ bú nhiều cử, các cử bú nên được chia nhỏ mỗi lần 30 - 60ml. Đối với những trẻ phải bú với số lượng nhiều, cứ sau mỗi 60ml thì vẫn giữ tư thế đang ẵm, đầu cao và vỗ nhẹ lưng cho trẻ ợ rồi bú tiếp. Không nên vác trẻ lên vai trong những trường hợp này vì dễ làm trẻ ọc sữa ra do dạ dày bị đè ép.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên