30/12/2016 17:00 GMT+7

​Bệnh do ăn uống

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Bệnh do ăn uống là bệnh do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, bệnh có thể mãn tính hoặc cấp tính, hoặc vừa cấp tính vừa mãn tính. Bệnh do ăn uống rất khó thống kê, ở Việt Nam chưa có một con số thống kê chính xác.

Bệnh cấp tính do ăn uống

Là những bệnh do ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn gây bệnh, vi rút, ký sinh trùng, độc tố do vi khuẩn, nấm mốc và độc tố nấm mốc tiết vào thực phẩm, thực phẩm chứa thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trưởng quá mức… 

Người ăn phải thực phẩm ô nhiễm độc tố vi khuẩn hay hóa chất thì thường có triệu chứng cấp tính xuất hiện chỉ 10 đến 15 phút sau ăn, như đau bụng, ói, đau đầu khủng khiếp, nổi mề đay, mẩn ngứa... 

Trường hợp nhẹ sẽ tự khỏi, nếu nặng có thể tử vong trước khi đến được bệnh viện, hoặc để lại di chứng tàn phế suốt đời do bị nhiễm độc quá mức, do độc chất làm tổn thương cơ thể không hồi phục. 

Ví dụ người ăn phải thực phẩm chứa nấm mốc có nồng độ Aflatoxin quá cao sẽ gây bệnh cấp tính ở hệ thần kinh làm truy tim mạch, hoặc tê liệt thần kinh, ở súc vật hay gia cầm có thể gây tử vong hàng loạt. 

Nếu thực phẩm nhiễm khuẩn, thì sau khi ăn khoảng 12 đến 72 giờ (các vi khuẩn có đủ thời gian để nhân lên trong cơ thể) thì có triệu chứng nhiễm trùng toàn thân, biểu hiện như: đau bụng, sốt, tiêu chảy, ói, đau đầu… trường hợp nhẹ sẽ tự khỏi, trường hợp nặng nếu chữa trị không kịp thời có thể sẽ dẫn đến tử vong do tiêu chảy mất nước, hoặc chuyển sang thể nhiễm trùng đường ruột mãn tính, gây rối loạn tiêu hóa kinh niên, dẫn đến suy dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch.

Thực phẩm gây bệnh cấp tính thường là thức ăn đường phố, quán cơm bình dân, bếp ăn công nghiệp, các tiệc thuê nấu… vì các nơi này thường mất vệ sinh cá nhân. Phổ biến là nhân viên chế biến thực phẩm không rửa tay trước khi chế biến và sau khi đi vệ sinh, nhân viên bán hàng vừa bốc thức ăn vừa cầm tiền mà tiền là rất mất vệ sinh vì chứa nhiều vi khuẩn. 

Mất vệ sinh dụng cụ chủ yếu do thiếu nước sạch để rửa hoặc điều kiện chật hẹp nên không thể rửa sạch dụng cụ được. 

Dùng thực phẩm cũ là thực phẩm dư từ bữa trước do bảo quản không đúng nên vi khuẩn xâm nhập và phát triển. 

Sử dụng thực phẩm đã hư hỏng là thực phẩm mua ngoài chợ đã hư hỏng do tham rẻ và muốn có lợi nhuận cao. 

Thực phẩm có hóa chất trừ sâu thường là các loại rau bị phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ chưa đủ thời gian cách ly. 

Dùng hóa chất hay phụ gia độc hại để chế biến và bảo quản thực phẩm. Qui trình chế biến thực phẩm và bảo quản thực phẩm không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh.

Bệnh hiểm nghèo và mạn tính 

Là những bệnh do ăn phải thực phẩm có chứa hóa chất, phụ gia độc hại, quá mức, quá nhiều, các độc tố vi khuẩn và nấm mốc, và một khi đã mắc bệnh thì sẽ tử vong trong thời gian rất ngắn như ung thư, xơ gan, u não; hoặc bệnh mang theo suốt quãng đời như: huyết áp cao, tăng mỡ máu, cholesterol cao, rối loạn tim mạch, suy nhược và đau thần kinh, rối loạn chuyển hóa, quái thai, động kinh… 

Trường hợp này không có bác sĩ nào có thể chẩn đoán được một khi chưa phát bệnh, vì mỗi ngày nạp vào cơ thể một lượng thấp không đủ để gây ra triệu chứng bệnh. Chính vì vậy mà hậu quả rất nặng nề cho xã hội và bản thân, tỷ lệ bệnh này rất cao ở các nước đang phát triển.

Vậy những thực phẩm nào gây ra bệnh hiểm nghèo, mãn tính? Những thực phẩm mà nhà sản xuất gian dối cố tình cho phụ gia, hóa chất độc hại vào để giảm giá thành hoặc do kỹ thuật sản xuất yếu kém nên phải cho nhiều hóa chất, phụ gia vào để tiêu diệt vi khuẩn, chống oxy hóa để bảo quản được lâu; hoặc để thay thế nguyên liệu, hay để che dấu nguyên liệu chất lượng xấu, hoặc nguyên liệu đã hư hỏng, cũng có thể để bắt mắt hay kích thích ăn ngon, hay tạo cảm giác giống thực phẩm tự nhiên… 

Có hàng trăm lý do để người ta làm cho thực phẩm bị ô nhiễm hóa học, độc chất mà không người tiêu dùng nào phát hiện được, kể cả cơ quan chức năng cũng bó tay. 

Chúng ta có nhận biết được thực phẩm loại này không? Không, dễ dàng gì mà biết được, mặc dù có qui định phải ghi hóa chất, phụ gia lên nhãn mác, nhưng các nhà sản xuất thường không muốn cho người tiêu dùng thấy các chất phụ gia đó, vì người tiêu dùng thấy sẽ ngại mua, nên họ thường ghi rất nhỏ, hoặc làm cho nhãn phản quang không đọc được phần phụ gia. Các bếp ăn, quán nhậu, tiệc thuê thì cũng không kiểm soát được họ cho gì vào thực phẩm.

Để đề phòng, chúng ta mua thực phẩm bao gói thì phải đọc kỹ nhãn mác, chú ý phần phụ gia, nếu thấy quá nhiều phụ gia, hoặc thấy phụ gia độc hại đã đăng báo thì chớ nên mua. Mua thực phẩm tươi sống thì nên mua ở nơi biết rõ nguồn gốc thực phẩm, hoặc phải tìm hiểu kỹ thực phẩm đó trước khi mua. Đi ăn thì phải chọn nơi tin tưởng, thậm chí phải hỏi và biết họ dùng gì trong đó, mặc dù việc này không đơn giản, nên hạn chế ăn bên ngoài. Nếu phải thuê nấu tiệc thì phải có cam kết rõ ràng về thực phẩm không có hóa chất, phụ gia độc hại,… Nên tự tổ chức các buổi tiệc vừa tiết kiệm vừa an toàn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên