28/11/2016 18:52 GMT+7

​Khiêu vũ dưỡng sinh cải thiện sức khỏe cho người cao tuổi

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Bài viết dưới đây nhằm trình bày và giới thiệu với bạn đọc những tác dụng tích cực đến sức khỏe người cao tuổi của khiêu vũ dưỡng sinh.

Với mục tiêu đem lại niềm vui và sức khỏe cho con người, nên bất cứ điều gì không có lợi cho sức khỏe đều không được chấp nhận trong khiêu vũ dưỡng sinh:

- Nơi tập không được dùng máy lạnh, không có khói thuốc lá, sàn nhảy không quá trơn trượt, loa không quá ồn và rung, ánh sáng luôn đầy đủ trong lúc nhảy, các bước nhảy không quá tốn sức và không gây trượt ngã.

- Nơi thực hành khiêu vũ dưỡng sinh phải rộng rãi, thoáng mát, sáng sủa, không cứ ở trong nhà, hội trường mà có thể ở sân bãi, quảng trường, vườn hoa, công viên... và phải có sự theo dõi, đánh giá của cán bộ y tế.

- Các bước nhảy trong khiêu vũ dưỡng sinh được biên soạn lại trên cơ sở các bước căn bản của các vũ điệu được quốc tế quy định, sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe và lứa tuổi của người tham gia; nhạc điệu và lời ca cũng phải phù hợp (nhạc điệu có tiết tấu chậm, lời ca đẹp, hay, gợi nhớ những kỷ niệm xưa để tạo hứng thú khi cảm thụ) nhằm đem lại hiệu quả tối đa mà không làm hại tới sức khỏe của người khiêu vũ.

- Khiêu vũ dưỡng sinh không đòi hỏi cứng nhắc phải nhảy đôi nam - nữ mà có thể nhảy với bạn cùng giới (2 bạn nữ hoặc 2 bạn nam với nhau), kể cả các vũ điệu nhảy đơn như Chachacha, Twist, Rap, Hip-Hop.

Lợi ích của khiêu vũ dưỡng sinh đối với sức khỏe:

- Khiêu vũ dưỡng sinh đòi hỏi sự vận động toàn diện của cơ, khớp trong cơ thể (chân, tay, thân, cổ, bụng, hông, ngực…), kể cả các giác quan như: mắt (phải quan sát để đi cho đúng bước), tai (phải nghe nhạc để bước cho chuẩn, để dẫn đưa cho khéo và đúng nhịp)…

- Do được loại bỏ các bước, các kiểu nhảy phức tạp, nguy hiểm, tốn sức (xoay tròn quá nhanh và liên tục, bước nhảy đan chéo quá tốn sức với góc rộng…), mỗi vũ điệu thường chỉ kéo dài 5-7 phút, sau đó nghỉ để người khiêu vũ chuyển sang vũ điệu khác, nếu thích thì tiếp tục, nếu không thì thôi, nên khiêu vũ dưỡng sinh vừa an toàn, đẹp, vừa sức và ít khi xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Sự vận động toàn diện, hiệu quả và an toàn trong khiêu vũ dưỡng sinh có tác dụng tích cực đến sức khỏe của con người, đặc biệt là người cao tuổi:

- Tăng chuyển hóa cơ bản: Khi ta vận động, tim đập mạnh, hơi thở gấp, khí huyết lưu thông khiến việc nuôi dưỡng mô và các hoạt động sinh lý của tế bào tăng lên, làm chậm quá trình lão hóa ở người cao tuổi.

- Tăng năng lượng: Khi vận động, cơ thể phải tăng cường đốt cháy lượng đường và mỡ trong máu, kể cả lớp mỡ dư thừa. Vì thế khi khiêu vũ, ta cảm thấy người nóng lên, toát nhiều mồ hôi, nhịp thở tăng lên… Điều này giúp làm giảm lượng đường và mỡ trong máu, phòng chống tình trạng béo phì, tiểu đường, bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Vận động trong khiêu vũ còn làm tăng cường hoạt động của các cơ xương, cơ tim và cơ trơn, nên giúp phòng ngừa tốt chứng suy hô hấp, suy thận, táo bón, trĩ, giãn tĩnh mạch chi dưới.

- Giúp cơ thể dễ tương thích với các yếu tố môi trường, kể cả các yếu tố bất lợi, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn, dị ứng...

- Cân bằng thần kinh, thư giãn tâm hồn, rèn luyện trí nhớ (vì phải nhận biết phách, nhịp, tên từng vũ điệu, các bước căn bản, các fantasy đã học), đem lại niềm vui cho người khiêu vũ, ngăn ngừa các rối loạn tâm thần đang có xu thế gia tăng trong các nước công nghiêp và cơ chế thị trường hiện nay.

- Vận động giúp tăng sức bền của gân cơ, bao khớp và dây chằng, tăng cường hoặc chậm thoái hóa sụn khớp, tăng tiết dịch nhầy bôi trơn khớp, khiến các khớp vận động dễ dàng hơn, các cơ phối hợp hoạt động khéo hơn, động tác nhanh nhạy hơn.

- Khiêu vũ dưỡng sinh giúp người cao tuổi ăn ngon miệng hơn, dễ tiêu hóa, ngủ ngon giấc, tăng đào thải khỏi cơ thể, nhờ đó, phòng chống tốt bệnh viêm đa khớp, bệnh gút, hạn chế đau nhức và biến dạng chi ở người cao tuổi.

- Ngoài ra, tính chất sinh hoạt cộng đồng của khiêu vũ dưỡng sinh còn giúp cho người khiêu vũ có cơ hội giao lưu, trò chuyện với mọi người, tâm hồn thấy vui vẻ và yêu đời hơn, thêm nhiều bạn mới, giúp cuộc sống thêm phong phú.

Một số lưu ý

Đối tượng chính của khiêu vũ dưỡng sinh là người cao tuổi và người bị bệnh mạn tính không lây, do đó trong việc hướng dẫn cũng như luyện tập cần chú ý một số điểm sau đây:

- Với người có huyết áp cao và rối loạn tiền đình (do thiếu máu não): tránh quay tròn nhiều trong điệu valse châu Âu hoặc fantasy thấp đầu.

- Người chân yếu (do viêm, thấp khớp, teo cơ, cứng khớp): tránh các vũ điệu có bước nhảy đảo, chéo, fantasy thấp, các điệu nhảy có bước nhanh và phức tạp như Chachacha, Bebop, bước trụ xoay có góc lớn (Pivot).

- Người bị bệnh tim, rối loạn nhịp tim: tránh các bước nhanh và tốn sức, nên chọn các vũ điệu có tiết tấu chậm và đều như Rumba, Boston hay Pasodoble.. 

- Người bị suy hô hấp, viêm xoang:tránh nơi đông người và thiếu không khí. 

- Người có bệnh hay quên: tránh các bài thực hành dài, phức tạp và nên luyện tập nhắc lại nhiều lần, phách nhịp thật rõ, các bước luôn phải đổi chân như bước song hành (Shadow, Junelet).

- Người có bệnh về cột sống và loãng xương: tránh vặn mình nhiều hoặc xoay tròn, fantasy thấp, gây di động lớn tới đốt sống hoặc làm đè nặng các khớp và xương, nhất là chi dưới.

- Người mắt kém: tránh tập nơi có đèn nhấp nháy hoặc tối, có nhiều chướng ngại vật (cột, đồ đạc, bàn ghế…), sàn trơn, chật hẹp…

- Người có bệnh trầm cảm: tránh các nhạc điệu buồn, lời ca u sầu…

- Người bị bệnh ra mồ hôi nhiều: tránh thiếu nước uống và thiếu thông gió tự nhiên (nên dùng quạt hơn dùng máy lạnh).

- Người bị bệnh hạ đường huyết và tụt áp huyết đột ngột: tránh tập khối lượng vận động quá cao, tránh để bị đói trong khi luyện tập (nên chuẩn bị sẵn đường, kẹo ngọt để dùng khi thấy mệt, hoa mắt)…

Khiêu vũ dưỡng sinh là một loại hình vận động dễ thực hiện đối với người cao tuổi và người bệnh. Khiêu vũ dưỡng sinh giống như bài tập thể dục, an toàn, có tác dụng phòng và chữa các bệnh mạn tính. Kết hợp giữa khiêu vũ và dưỡng sinh đã giúp không ít người thêm yêu đời và khắc phục được những thay đổi tiêu cực về thể chất và tinh thần khi tuổi cao.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên