22/11/2016 14:49 GMT+7

​Thoái hóa khớp gối: những kỹ thuật tiên tiến trong điều trị

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Theo kết quả khảo sát tại Việt Nam, hiện tỷ lệ người mắc bệnh lý thoái hóa khớp gối là 23,3% ở những người trên 40 tuổi.

Các nguyên nhân gây hư khớp gối có thể do chấn thương làm hư mặt sụn khớp, cũng có thể là do bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp… 

Với những tiến bộ trong y học ngày nay, việc điều trị bệnh thoái hóa khớp gối đã phát triển, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến giúp bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường đạt tỷ lệ hồi phục cao.

Thay khớp gối nhân tạo

Sau sự thành công của khớp háng nhân tạo, sự ra đời của khớp gối nhân tạo như là sự tất yếu để phục vụ nhu cầu điều trị bệnh lý hư hại khớp gối, giúp đem lại cho bệnh nhân cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cũng như khớp háng, khớp gối làm bằng hợp kim của kim loại. Khớp gối gồm ba thành phần chính là phần lồi cầu đùi, phần mâm chày và mảnh chèn nằm giữa hai thành phần trên làm bằng polyethylen. Khớp gối có thể chia làm 3 loại: khớp gối nhân tạo không có hạn chế (non contraint), hạn chế một phần và hạn chế toàn phần. 

Trong đó, loại khớp gối nhân tạo không hạn chế nghĩa là loại thường được dùng nhất hiện nay cho hầu hết các loại bệnh lý hư khớp gối. Loại này gồm hai loại chính đang được sử dụng rộng rãi là loại xoay được hay không xoay được.

Chỉ định thay khớp gối cũng như thay khớp háng. Nghĩa là khi nào gối bệnh nhân bị hư hại quá nhiều không còn sử dụng được nữa gây đau đớn cho bệnh nhân khi đi lại, hạn chế vận động khớp gối. Đôi khi, phim X-quang cho thấy khớp gối hư hại nhiều, nhưng điều đáng ngạc nhiên là bệnh nhân không đau hoặc đau ít thì không có chỉ định thay khớp gối nhân tạo.

Những chống chỉ định thay khớp gối khi: bệnh nhân không thể chịu được cuộc mổ và có những bệnh lý nội khoa kèm theo như tim mạch; suy thận (điều này sẽ được thảo luận giữa bác sĩ phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê và bác sĩ nội khoa trước khi mổ)… và những bệnh nhân có tình trạng viêm nhiễm vùng gối. Những bệnh nhân trẻ tuổi nên hạn chế thay khớp vì khớp nhân tạo có tuổi thọ nhất định khoảng 10-15 năm, sau đó nếu khớp bị hư sẽ phải thay lại. Ở những bệnh nhân quá mập, nguy cơ hư khớp nhân tạo sẽ xuất hiện sớm hơn.

Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cũng là phẫu thuật lớn (đại phẫu), do đó cũng có thể cần phải truyền máu khi tiến hành phẫu thuật. Trong mổ, sau mổ thay khớp gối nhân tạo vẫn có thể xảy ra các biến chứng như nhiễm trùng, khớp bị đặt sai, trục chân không được thẳng trục, mất gập hay duỗi gối, lỏng khớp gối nhân tạo…

Khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ rạch một đường mổ trước gối. Hai mặt sụn khớp của lồi cầu đùi và mâm chày sẽ được cắt bỏ đi, thay vào đó là hai thành phần kim loại gắn vào lồi cầu đùi và mâm chày. Các sụn chêm và dây chằng chéo trước cũng sẽ được bỏ đi, dây chằng chéo sau tùy loại khớp mà có thể giữ lại hay bỏ đi. Các thành phần kim loại sẽ gắn vào xương và được giữ chặt bằng một lớp xi măng y khoa mỏng. Một mảnh polyethylen sẽ được chèn vào giữa hai thành phần đùi và mâm chày giúp cho gối cử động nhẹ nhàng.

Sau mổ, bệnh nhân sẽ được tập vật lý trị liệu, tập đi lại để làm cơ thể quen với loại khớp mới. Thông thường sau một tháng đi nạng, bệnh nhân đã có thể tự mình đi lại được.

Không như khớp háng dễ bị trật, khớp gối rất hiếm khi bị trật, tùy loại khớp mà bệnh nhân có thể gập duỗi gối thoải mái không hạn chế kể cả có thể ngồi xốm hay quỳ được.

Nếu không may bị nhiễm trùng, khớp gối nhân tạo có thể phải bị lấy bỏ đi, chờ thời gian hết nhiễm trùng mới thay lại khớp khác. Khi khớp bị hư mòn hay bị lỏng không còn dùng được tiếp tục thì phải thay lại khớp gối mới, khi đó chi phí sẽ cao hơn khi thay lần đầu.

Thay khớp gối một ngăn

Thay khớp gối toàn phần là một phẫu thuật lớn. Đôi khi người ta chỉ bị hư một ngăn của khớp gối có thể là bên ngoài hay bên trong. Vậy chúng ta có thể thay một ngăn và giữ các ngăn còn lại để bảo tồn chức năng khớp gối hay không?

Cách đây khoảng hơn chục năm, các bác sĩ chấn thương chỉnh hình đã thực hiện việc thay khớp gối một ngăn và các thế hệ khớp gối một ngăn kế tiếp ra đời với nhiều cải tiến giúp chức năng khớp gối ngày càng hoàn thiện.

Hiện chỉ định “thay khớp gối một ngăn” cho những bệnh nhân cần đảm bảo những điều kiện sau:

• Bị hư một ngăn của khớp gối và các ngăn khác còn tốt.

• Gối vẹo bên trong ít hơn 10 độ hay vẹo bên ngoài ít hơn 15 độ và còn nắn chỉnh được.

• Gối không bị hạn chế gập gối và có thể gập hơn 90 độ, gối không bị mất vững và không bị mất duỗi gối ít hơn 10 độ.

• Đau khe khớp bên trong hay bên ngoài khi đi, ngồi hay nằm nghỉ ngơi không đau.

Kỹ thuật thay khớp gối một phần bao gồm: một đường mổ khoảng 15 cm mặt trước gối, bộc lộ ngăn khớp gối bị hư. Các bác sĩ sẽ gắn một miếng kim loại vào vùng lồi cầu đùi để thay cho mặt khớp lồi cầu đùi. Phần mặt khớp mâm chày sẽ được đặt một miếng nhựa đặc biệt, chắc, chịu được sự mài mòn cao. Như vậy, các bác sĩ đã thay thế mặt sụn khớp bằng một miếng nhựa đúng bằng mặt khớp của một ngăn. Vì cuộc mổ nhỏ, có vết mổ ít xâm lấn nên bệnh nhân sẽ ít đau hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn.

Người mập quá có thể thay khớp gối một ngăn được không? Nhiều nghiên cứu cho thấy không có sự ảnh hưởng của cân nặng đến việc chỉ định thay khớp gối một ngăn và thời gian sống còn của khớp gối nhân tạo cũng không có sự khác biệt với người ốm, nên người mập vẫn có thể được thay khớp gối một ngăn nếu có chỉ định thay khớp.

Lưu ý, những bệnh nhân không thể thay khớp gối một ngăn là:

- Bệnh nhân bị viêm khớp gối sẽ không được thay khớp gối một ngăn vì nguy cơ nhiễm trùng cao. Cần điều trị triệt để nguyên nhân viêm trước khi quyết định thay khớp gối.

- Bệnh nhân bị loãng xương quá nặng.

- Bệnh nhân có gối bị biến dạng nặng.

- Bệnh nhân có gối bị cứng hay quá lỏng lẻo.

Bệnh thoái hóa khớp ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn cầu, làm giảm khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp đã có những tiến bộ trong những thập kỷ qua cùng với sự phát triển của công nghệ và hướng điều trị mới giúp cải thiện chất lượng sinh hoạt rất nhiều cho bệnh nhân thoái hóa khớp.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên