31/10/2016 16:14 GMT+7

​Những điều cần biết về bệnh liên cầu lợn

Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

Vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S.suis) chủ yếu cư trú ở lợn, ngoài ra còn được phát hiện ở các động vật khác như trâu, bò, lợn rừng, ngựa, cừu, dê, chó, mèo, chim.

Thời gian ủ bệnh trung bình từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khoảng 2 ngày (dao động từ 3 giờ đến 14 ngày).

Tại sao lợn mắc bệnh liên cầu ?

Vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis), thường cư trú ở đường hô hấp trên và ở hạch hầu họng của lợn; tuy nhiên cũng có thể phát hiện vi khuẩn S. suis ở các phủ tạng, đường tiêu hóa, đường sinh dục hay trong máu của lợn bệnh.

Có mối liên quan giữa bệnh liên cầu lợn với ổ dịch lợn tai xanh. Lợn bị bệnh tai xanh sẽ làm suy yếu sức đề kháng của lợn, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn cư trú trong cơ thể lợn (trong đó có liên cầu) phát triển mạnh, tăng độc lực và gây bệnh.

Bệnh từ lợn lây qua người như thế nào ?

Người bị nhiễm S.suis do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển) hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết, lợn mang vi khuẩn chưa được nấu chín. Vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương hở, các vùng da bị tổn thương, hoặc niêm mạc. Bệnh chưa ghi nhận truyền từ người sang người.

Biểu hiện của người nhiễm bệnh ?

Đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn:

- Bệnh thường biểu hiện với các triệu chứng: sốt cao, đau đầu, nôn/buồn nôn, ù tai, cứng gáy, có thể có rối loạn ý thức (dấu hiệu màng não). Thể viêm màng não thường kèm theo giảm thính lực, có thể gây điếc không hồi phục.

- Sốc nhiễm khuẩn: sốt cao đột ngột, kèm rét run, đau đầu, ban xuất huyết đa dạng dưới da lan tỏa, tử ban, mệt mỏi toàn thân, có thể đi ngoài phân lỏng, trụy tim mạch.

Làm sao để phòng ngừa căn bệnh này ?

     1. Đối với người chăn nuôi

      -  Thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn nuôi.

      -  Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, mang găng tay, khẩu trang khi vệ sinh chuồng trại.

      - Không được tự ý tiêu hủy hoặc vứt xác lợn chết ra môi trường xung quanh (ao, hồ…).

      - Khi phát hiện lợn có dấu hiệu bệnh hoặc chết phải kịp thời báo ngay với cơ quan thú y, chính quyền địa phương để được xử trí đúng quy định (chôn, đốt).

     2. Đối với người vận chuyển, giết mổ

      -  Không vận chuyển, giết mổ lợn bị bệnh.

      -  Nơi giết mổ phải bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ.

      -  Không được sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn cho động vật khác và phải xử lý lợn bị bệnh chết triệt để (chôn, đốt).

      -  Mang các dụng cụ bảo hộ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ…) khi thực hiện giết mổ lợn.

      -  Khi có vết thương hở hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc nếu cần thiết phải làm thì cần băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và vệ sinh an toàn sau khi giết mổ.

     3. Đối với người mua bán thịt lợn 

      - Không mua hay bán lợn bệnh, thịt lợn không rõ nguồn gốc.

      - Nên chọn mua, bán thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.

     4. Đối với người tiêu dùng, chế biến

      - Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

      - Nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.

      - Không ăn tiết canh, thịt lợn, nội tạng lợn chưa được nấu chín.

      - Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn sống hoặc tái. Phải rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc với thịt lợn.

      - Sử dụng riêng dụng cụ chế biến thịt sống, thịt chín (dao, thớt).

Người dân khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên