02/06/2016 16:07 GMT+7

​Phụ nữ tuổi sinh đẻ cần được tiêm vắc-xin Sởi-Rubella

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiêm nhiều loại vắc-xin để bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm do bệnh tật mang lại.

Vắc-xin Sởi – Rubella là loại vắc-xin phối hợp cần được tiêm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhằm ngăn ngừa rubella cho những bà mẹ trong tương lai, từ đó phòng ngừa hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ.

Những đối tượng cần được tiêm phòng

Vắc-xin Sởi-Rubella là vắc-xin phối hợp để phòng bệnh Sởi và Rubella. Đây là vắc-xin sống, giảm độc lực. Hiệu quả bảo vệ của vắc-xin này là khoảng 95%.

Những người đã tiêm phòng vắc-xin Sởi – Rubella sẽ được miễn dịch suốt đời. Với những người đã từng mắc Sởi và Rubella thì không cần phải tiêm vắc-xin Sởi – Rubella, vì người mắc bệnh đã có miễn dịch bền vững với các bệnh này. Tuy nhiên, nếu chỉ mắc Sởi hoặc mắc Rubella hoặc chưa biết chắc chắn đã mắc các bệnh này thì việc tiêm vắc-xin phối hợp Sởi - Rubella để đồng thời phòng cả hai bệnh là cần thiết.

Riêng đối với phụ nữ đang mang thai, không nên tiêm vắc-xin Sởi – Rubella. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc thận trọng tránh tiêm vắc-xin Rubella cho phụ nữ có thai là để phòng ngừa nguy cơ gây dị tật thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế không ghi nhận tiêm vắc-xin Sởi – Rubella trong khi mang thai gây sảy thai. Không ghi nhận trường hợp hội chứng Rubella bẩm sinh đối với trên 1.000 trường hợp phụ nữ mang thai vô tình được tiêm vắc-xin Rubella trong thời gian đầu thai kỳ.

Phụ nữ có thai chưa được tiêm phòng bệnh Rubella trước thời gian mang thai, nếu nhiễm vi rút Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể truyền vi rút Rubella cho thai nhi gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiêm vắc-xin Rubella trước khi có kế hoạch mang thai khoảng từ 3 tháng trở lên.

Trong nhiều năm bệnh Rubella xuất hiện tại nhiều địa phương với hàng nghìn đến hàng chục nghìn ca mắc, tập trung ở trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Kết quả giám sát tại 3 bệnh viện tuyến trung ương cho thấy, riêng các năm 2011-2012 đã ghi nhận 300 trẻ bị hội chứng Rubella bẩm sinh do mẹ nhiễm Rubella trong quá trình mang thai. Các trẻ này mắc các dị tật nguy hiểm như điếc bẩm sinh, tim bẩm sinh, bệnh xương thủy tinh, chậm phát triển tâm thần và vận động... và trên 80% trẻ sinh ra mắc đa dị tật.

Các phản ứng có thể gặp sau tiêm

Về phản ứng có thể xảy ra đối với vắc-xin Sởi là sưng, đau nhẹ tại chỗ tiêm trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng và sẽ tự khỏi trong vòng 2 đến 3 ngày. Sốt nhẹ chiếm 5-15% sau tiêm và kéo dài trong vòng 1 đến 2 ngày. Phát ban cũng có thể xảy ra và thường bắt đầu từ 7-10 ngày sau tiêm và kéo dài khoảng 2 ngày.

Phản ứng do vắc-xin Rubella chủ yếu gây ra như đau khớp (25%), viêm khớp (10%) ở trẻ vị thành niên và phụ nữ, thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần. Phản ứng này rất hiếm ở trẻ em và ở nam giới (0 - 3%). Sốt nhẹ và phát ban, nổi hạch, đau cơ, dị cảm là những triệu chứng thường được báo cáo. Các phản ứng nặng hiếm gặp.

Hiện Bộ Y tế đang triển khai tiêm vắc-xin Sởi-Rubella miễn phí cho thanh thiếu niên từ 16 đến 17 tuổi trên toàn quốc. Mục tiêu của chiến dịch này là tiến tới loại trừ bệnh Sởi vào năm 2017, khống chế bệnh Rubella và các hậu quả của nó gây ra.

Theo Bộ Y tế, hàng năm trên thế giới có 700.000 trẻ em bị chết vì hội chứng Rubella bẩm sinh, trong khi đó bệnh Sởi và Rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. VÌ vậy, tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên