17/08/2017 08:55 GMT+7

“Vỡ trận” vì không rốt ráo diệt lăng quăng từ đầu?

Q.LIÊN
Q.LIÊN

TTO - Chính quyền và người dân Hà Nội đang tổng lực diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết trong bối cảnh số ca mắc đã lên tới 16.000 (gần bằng số ca mắc của cả năm 2016) với 7 trường hợp tử vong.

Các chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh Quân khu thủ đô phun thuốc diệt muỗi tại nhà dân ở đường Nguyên Hồng, Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG

Hà Nội những ngày gần đây tinh thần diệt muỗi, diệt lăng quăng lên cao hơn bao giờ hết.

Ở góc phố nào cũng bắt gặp hình ảnh từng tốp người thuộc các thành phần khác nhau từ thanh niên, phụ nữ, dân phòng và cả bộ đội gõ cửa từng nhà phun thuốc diệt muỗi, ráo riết tìm kiếm, lật úp từng chậu hoa, mảnh sành, sứ hay bất kỳ dụng cụ chứa nước nào nghi là nơi muỗi đẻ trứng.

Tinh thần diệt lăng quăng, diệt muỗi ở ngoài đường cũng rất quyết liệt khi mọi người hô nhau phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, đêm đêm có xe phun hóa chất diệt muỗi công suất lớn phun ào ạt khắp các trục đường chính...

Nhưng khi áp dụng các biện pháp tổng lực này, Hà Nội đã rơi vào tình thế “vỡ trận”.

Mới giữa tháng 8, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội đã lên tới con số 16.000 (gần bằng số ca mắc của cả năm 2016) với 7 trường hợp tử vong. Đỉnh điểm là trong hai tuần vừa qua đã ghi nhận thêm 6.000 ca SXH mới. Các bệnh viện trở thành tâm bão SXH khi tình trạng quá tải người bệnh SXH diễn ra tràn lan.

Hội trường bệnh viện biến thành phòng điều trị, phòng bác sĩ phải kê thêm giường cho người SXH, có bệnh viện phải lập phòng bệnh điều trị SXH dã chiến...

Phun thuốc chống muỗi tận nhà dânẢnh: Việt Dũng

Tại Hà Nội, bắt đầu xuất hiện nhiều ca SXH vào tháng 4, đến giữa tháng 5 đã có người tử vong. Tình hình SXH leo thang căng thẳng nhất là từ khoảng một tháng qua. Nhiều gia đình bị SXH tập thể. Trên thực tế số ca mắc vẫn tăng lên từng ngày.

Lúc này, nhiều người dân lo SXH tìm mọi biện pháp chống chọi với dịch bằng cách vệ sinh, mắc mùng khi ngủ, tự phun thuốc diệt muỗi... nhưng vẫn bất an sợ có thể bị SXH từ muỗi nhà hàng xóm do không có biện pháp tổng thể.

Cách đây ba tuần, tại một số nơi hình ảnh cán bộ phun thuốc diệt muỗi, cầm bịch cá đứng ngoài hỏi cho có hoặc phun thuốc qua loa rất phổ biến trong thời gian này. Thậm chí, có nhiều trường hợp phản ánh, báo cáo y tế địa phương xử lý ổ dịch SXH sau khi có nhiều trường hợp SXH trên địa bàn thì mãi không thấy ai xuống xử lý.

Nhiều người dân nóng ruột với những ca SXH xung quanh đã báo cáo địa phương, xin phun thuốc diệt muỗi dự phòng nhưng không đáp ứng. Có trường hợp cán bộ y tế còn cho biết phải có giấy xác nhận của bệnh viện là SXH mới xử lý ổ dịch...

Tại buổi họp khẩn về ứng phó với dịch SXH ở Hà Nội vào cuối tuần qua, bộ trưởng Bộ Y tế chất vấn gay gắt ngành y tế Hà Nội: tại sao để dịch kéo dài, tại sao đã áp dụng tất cả các biện pháp mà số ca SXH vẫn tăng?... Câu trả lời rõ ràng là ngành y tế Hà Nội có hô hào quyết liệt nhưng chưa thực sự rốt ráo suốt thời gian qua.

Theo tính toán, nếu áp dụng tất cả biện pháp tổng lực để diệt muỗi, lăng quăng như Hà Nội đang làm những ngày vừa qua thì sớm nhất hai tuần nữa tình hình SXH mới hạ nhiệt. Nhưng lại thêm một mối lo khi tháng 9 đến tháng 11 hằng năm mới là thời điểm SXH lên đỉnh điểm, diễn biến phức tạp nhất, khi có sinh viên nhập học đông đảo.

Trên thực tế, các biện pháp phòng chống SXH đều đã có, được triển khai nhưng nếu không thực hiện rốt ráo, triệt để thì rất có thể SXH tại Hà Nội vẫn là cơn ác mộng.

Q.LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên