09/08/2017 08:23 GMT+7

Sốt xuất huyết tăng mạnh: Lấy phòng bác sĩ cho bệnh nhân nằm

Q.LIÊN - L.ANH - T.DƯƠNG - T.LŨY
Q.LIÊN - L.ANH - T.DƯƠNG - T.LŨY

TTO - Vừa có thêm một bệnh nhân nữ, 36 tuổi, mắc sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội tử vong hôm 7-8. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết số người mắc SXH tính từ đầu năm 2017 đã lên tới trên 78.000 người, trong đó có 20 người tử vong.

Do số lượng người bệnh điều trị sốt xuất huyết quá lớn nên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương phải sử dụng cả phòng hội trường bệnh viện để làm nơi điều trị (ảnh chụp chiều 8-8) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Do số lượng người bệnh điều trị sốt xuất huyết quá lớn nên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương phải sử dụng cả phòng hội trường bệnh viện để làm nơi điều trị (ảnh chụp chiều 8-8) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Phải loại bỏ lăng quăng, phải ngủ mùng (chứ không chỉ để quạt, máy lạnh) mọi lúc để phòng muỗi cắn. Nếu không quan tâm chuyện này thì dịch SXH rất khó mà giảm, không chỉ cán bộ y tế đi diệt lăng quăng, mà mọi người phải tự làm ở khu vực mình sinh sống

BS Bùi Hùng Việt

Đặc biệt dịch đang diễn biến cực kỳ phức tạp tại Hà Nội, với trên 10.000 người mắc bệnh từ tháng 5-2017 cho đến nay. TP.HCM mỗi tuần cũng ghi nhận 500 người bệnh SXH mới.

Hà Nội: trưng dụng hội trường để trị SXH

Số người mắc SXH tại Hà Nội đã tăng 17 lần so với cùng kỳ 2016. Hiện tất cả các bệnh viện có khoa truyền nhiễm ở Hà Nội đều đã quá tải trầm trọng.

Tại Bệnh viện Đống Đa, mặc dù kê thêm giường, trưng dụng phòng bác sĩ và cả những khoa nội trú nhưng nhiều người mắc SXH phải nằm ghép 2 - 3 người/giường. Mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận đến 500 người đến điều trị SXH.

Ông Phạm Bá Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Đống Đa, cho biết đây là bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội về bệnh truyền nhiễm nên sức ép người bệnh SXH được chuyển từ tuyến trên chuyển xuống, từ tuyến dưới chuyển lên trong những ngày gần đây vô cùng lớn. Bệnh viện đã có nhiều biện pháp cũng như huy động tổng lực để ứng phó với tình hình trên, kể cả việc kê thêm giường bệnh, mở khu điều trị ban ngày tại hội trường của bệnh viện...

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết trong những ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 800 - 900 người bệnh đến khám SXH, đặc biệt hôm 7-8 đỉnh điểm lên tới hơn 1.000 người bệnh.

Qua sàng lọc, mỗi ngày tiếp nhận từ 50-60 bệnh nhân SXH nặng, nguy cơ biến chứng vào điều trị nội trú. Những người bệnh khác đều được hướng dẫn điều trị ngoại trú, trường hợp người bệnh phải điều trị nhưng không ở mức độ nặng có thể chuyển xuống bệnh viện tuyến dưới để tiếp tục điều trị hoặc ở lại bệnh viện điều trị ban ngày (nửa buổi), sau khi theo dõi ổn định có thể cho ra viện.

Bệnh viện cũng lập khu điều trị ban ngày cho người bệnh SXH bằng việc bố trí thêm 20 giường tại phòng hội trường tầng 6 để làm nơi điều trị nhằm giảm áp lực quá tải.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đến thời điểm này Hà Nội có 4 trường hợp chết do SXH hoặc liên quan đến SXH.

TP.HCM: mỗi tuần 500 ca

BS Lê Hồng Nga, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết thời điểm này mới là thời điểm bắt đầu mùa dịch SXH nhưng mỗi tuần TP có khoảng 500 ca SXH nhập viện, cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Dự báo số ca SXH còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

BS Hồng Nga cho biết từ đầu năm đến nay TP có 11.733 ca SXH nhập viện, tăng 26% so với cùng kỳ 2016.

Từ đầu năm 2017 đến nay, TP.HCM có 4 người SXH tử vong tại Q.12, Q.5, Q.Bình Tân và Q.Bình Thạnh. Các quận, huyện trong TP có số ca mắc SXH cao là Q.Bình Tân (1.809 ca), huyện Bình Chánh (1.103 ca), Q.12 (1.004 ca), Q.Tân Phú (903 ca).

ĐBSCL: nóng bỏng

ĐBSCL triển khai nhiều phương án dập dịch, như vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, diệt lăng quăng, muỗi… Tuy nhiên các biện pháp vẫn chưa hiệu quả. Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh khu vực ĐBSCL, tình hình dịch SXH rất có thể sẽ bùng phát mạnh hơn trong thời điểm tháng 9 đến tháng 11.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, BS Trần Văn Dễ - giám đốc bệnh viện - cho biết năm nay tình hình dịch SXH khá phức tạp. Bệnh viện đã tiếp nhận trên 4.100 ca bệnh liên quan đến SXH, trong đó 2.800 ca khám điều trị ngoại trú và 1.300 ca SXH nhập viện điều trị nội trú. Người bệnh đến từ nhiều tỉnh trong khu vực. Số ca đặc biệt nặng cũng cao hơn, 59 ca nguy kịch (chưa có trường hợp tử vong).

Tại các địa phương, tình hình dịch SXH vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Tỉnh An Giang và Đồng Tháp hiện là một trong những địa phương có số ca mắc SXH cao ở khu vực ĐBSCL.

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng An Giang, toàn tỉnh đã có trên 2.300 trường hợp mắc SXH (tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 87 ca sốc nặng, 1 trường hợp tử vong (ở huyện Phú Tân). Đồng Tháp khoảng 1.300 ca, số ca bệnh nặng cũng gia tăng, vì vậy có 2 trường hợp tử vong tại huyện Tháp Mười và Hồng Ngự.

Tại Trà Vinh, đã có 106 ổ dịch SXH với trên 1.000 trường hợp mắc. Điều đáng nói là có đến 3 ca tử vong. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Trà Vinh, dù đã được vận động, nhắc nhở, nhưng đa số người dân vẫn chưa quan tâm đến việc diệt lăng quăng. Qua kiểm tra cho thấy có đến 60/106 xã phường dụng cụ chứa nước có mật độ lăng quăng vượt ngưỡng quy định.

Quảng Nam: diễn biến phức tạp

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết hiện số người mắc bệnh SXH trên địa bàn tăng rất cao, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến bệnh phức tạp và khó lường.

Từ đầu năm đến nay đã có 1.112 ca mắc SXH. Trong đó, địa bàn thường xuyên có người mắc bệnh là Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành... Đặc biệt là ở thị xã Điện Bàn, năm 2016 chỉ ghi nhận 58 ca mắc bệnh nhưng đến thời điểm hiện tại đã có hơn 400 người được xác định là mắc SXH. Để đối phó với dịch SXH, trung tâm y tế các địa phương đồng loạt ra quân kiểm soát, phòng chống dịch trên diện rộng.

THẾ PHƯƠNG

Điều trị cho một em nhỏ bị sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện 
Đa khoa Tiền Giang - Ảnh: BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Điều trị cho một em nhỏ bị sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang - Ảnh: BS NGUYỄN THÀNH ÚC


Sẽ mở thêm cơ sở mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-8, ông Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho rằng sẽ rà soát tính toán để có thể mở thêm cơ sở điều trị SXH mới.

Tuy nhiên trong cuộc họp bàn về điều trị cho người bệnh SXH được tổ chức cách đây vài ngày, ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, yêu cầu các bệnh viện rà soát các tiêu chí để cho người bệnh SXH nhập viện, chỉ cho người bệnh đủ tiêu chí nhập viện. Ông Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới, Nhi T.Ư, Đống Đa, Đức Giang và các bệnh viện ngành thay đổi quy trình tiếp nhận người bệnh.

Việc chỉ cho bệnh nhân đủ tiêu chí nhập viện, vậy với những người mắc nhẹ liệu có nguy hiểm cho chính họ hoặc nguồn lây hay không? Ông Khuê cho biết Hà Nội đang điều phối các phòng khám và bệnh viện tư tiếp nhận người bệnh, cố gắng kiểm soát và đảm bảo chất lượng điều trị.

Q.LIÊN - L.ANH - T.DƯƠNG - T.LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên