04/07/2017 19:52 GMT+7

Chất gây độc ngoài danh mục sử dụng vệ sinh đường ống

Lan Anh
Lan Anh

TTO - Về sự việc bác sĩ Hoàng Công Lương, hai thầy thuốc đầu ngành khẳng định: nguyên nhân vụ tai biến là do hệ thống nước được rửa bằng hóa chất độc, trong khi quy trình làm việc thì bác sĩ Lương không có trách nhiệm kiểm tra hệ thống nước.

Ngày 4-7, hai thầy thuốc đầu ngành điều trị tích cực và thận nhân tạo: ông Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa thận nhân tạo và ông Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, đã có ý kiến chính thức về quy trình khám chữa bệnh cũng như sự việc bác sĩ Hoàng Công Lương, người vừa bị bắt tạm giam do liên quan ca chạy thận ngày 29-5 có tai biến làm tám người bệnh tử vong.

Hai ông khẳng định: nguyên nhân vụ tai biến là do hệ thống nước được rửa bằng hóa chất độc, ngoài danh mục được phép trong khi quy trình làm việc thì bác sĩ Lương không có trách nhiệm kiểm tra hệ thống nước. 

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết theo quy trình thì sau bảo hành bảo trì, phòng vật tư sẽ xác nhận hệ thống đã được bảo hành bảo trì, nhiệm vụ của nhân viên về vật tư là kiểm tra lưu lượng nước, áp lực và chỉ số ion tổng. Sau đó điều dưỡng sẽ thông báo và bác sĩ cho y lệnh, theo dõi ca chạy thận.

“Trách nhiệm của bác sĩ là rút cân nếu bệnh nhân dư thừa nước và thừa cân, kiểm tra tốc độ máu, tốc độ dịch và chống đông, bác sĩ không có trách nhiệm kiểm tra lại hóa chất tồn dư trong đường ống.

Trong khi trường hợp này nguyên nhân gây độc làm tám bệnh nhân tử vong là do hóa chất Fluoride tồn dư, đây là chất không được phép sử dụng để vệ sinh đường ống nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo” - ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, Fluoride có tác dụng làm chắc răng, nhưng ở liều cao chất này làm đen và mục răng, đồng thời có tác hại lên tế bào và phá hủy hồng cầu.

Hàm lượng Fluoride sau hai tuần niêm phòng đường ống ở Hòa Bình vẫn ở hàm lượng gây chết người.

Vì vậy theo ông Bình, bác sĩ là người tiếp nhận và sử dụng các thiết bị chạy thận, việc xét nghiệm nước là độc lập với việc sử dụng hệ thống và bác sĩ không có chức năng làm xét nghiệm này.

“Cơ quan công an điều tra sự liên quan của bác sĩ Lương là đúng, nhưng đề nghị cho bác sĩ được tại ngoại điều tra” - ông Bình đề xuất.

Rà soát cả quy trình điều trị, không chỉ rà soát bổ nhiệm cán bộ

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân vừa có đề nghị như trên gửi Tuổi Trẻ, liên quan đến việc bác sĩ Hoàng Công Lương của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình vừa bị bắt tạm giam, sau tai biến chạy thận làm 8 người tử vong. 

“Nhân dịp này ngành y tế cũng cần rà soát các bước, các quy trình trong điều trị bệnh, không chỉ có quy trình bổ nhiệm cán bộ. Bên cạnh đó là quan tâm đến kiểm tra hệ thống vô trùng trong phòng mổ, phòng điều trị bệnh nhân và quan tâm tới vấn đề y đức” - ông Ngân nói.

Về trường hợp bác sĩ Lương, đại biểu Ngân đề xuất cơ quan điều tra cho phép bác sĩ được tại ngoại phục vụ điều tra.

“Trong điều kiện quá tải bệnh nhân và dịch vụ lọc máu chu kỳ triển khai theo ca, bác sĩ Lương đã có sai sót về thủ tục hành chính, nhưng cũng đề nghị cơ quan điều tra xem xét trên cơ sở áp lực về giờ bắt đầu ca lọc máu, bởi sau ca này sẽ có những ca kế tiếp và không thể hoãn ca lọc máu cho bệnh nhân” - ông Ngân nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ cùng ngày, một quan chức Bộ Y tế cũng cho biết bộ đã có đề nghị chính thức gửi cơ quan công an, đề xuất cho phép bác sĩ Lương được tại ngoại phục vụ điều tra.

Lan Anh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên