16/06/2017 08:18 GMT+7

Nguy hiểm trầm cảm, loạn thần sau sinh

L.ANH - M.KHANG
L.ANH - M.KHANG

TTO - Không ít phụ nữ sau sinh con cảm thấy mình không còn là mình, thiếu tự do, khó chịu, chán nản... Đó là những biểu hiện của hội chứng “trầm cảm sau sinh”. Nhiều phụ nữ trầm cảm vì cảm thấy mình ít được quan tâm.

Tư vấn cho phụ nữ mang thai - Ảnh: HỮU KHOA
Tư vấn cho phụ nữ mang thai - Ảnh: HỮU KHOA

PGS.TS Trần Văn Cường - chủ tịch Hội Tâm thần học VN - cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới trầm cảm như bị căng thẳng (stress), rối loạn hormon, những sang chấn tâm lý...

Theo BS Dương Minh Tâm - Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, trầm cảm sau sinh là chứng bệnh có dấu hiệu gia tăng trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, các bà mẹ sau sinh có thể gặp một số rối loạn khác như loạn thần sau sinh.

Ám ảnh sẽ chết cho hết muộn phiền

Một người đang làm mẹ của hai con, làm việc ở một cơ quan nhà nước đã chia sẻ trong nước mắt với chúng tôi câu chuyện của mình.

“Khi tôi vừa sinh con gái đầu lòng. Khoảng 5-6 ngày sau sinh, tôi bắt đầu gặp những biểu hiện như ăn không ngon, ăn ít, luôn cảm thấy mình không đủ khả năng chăm sóc con, không quan tâm tới con lẫn bản thân (không chăm con, không đánh răng rửa mặt, không tắm, xử lý mọi việc chậm chạp...).

Khoảng 20 ngày sau khi bắt đầu có biểu hiện kể trên thì tình huống bất thường trở nên trầm trọng hơn, tôi bắt đầu có mong muốn tự giải thoát. Càng ngày tôi càng lo lắng và có ý nghĩ mình không thể chăm sóc con được, muốn quyên sinh. Nhiều lần tôi đã ra bancông để nhảy xuống tự tử. Khi đó trong đầu tôi luôn ám ảnh với ý nghĩ nếu nhảy xuống tự tử sẽ chết và thế là sẽ hết mọi lo lắng, buồn phiền.

Rất may mắn là những lần tôi định tự tử thì người nhà đều phát hiện được. Vì gia đình làm nghề y nên một người bạn của mẹ tôi cũng là một bác sĩ đã nói với mẹ tôi rằng có khi tôi bị trầm cảm sau sinh. Sau khi được đi khám, bác sĩ kết luận tôi bị chứng trầm cảm sau sinh, đang có xu hướng muốn tự giải thoát. Tôi phải điều trị bằng thuốc trong vòng hai tháng, kết hợp với trị liệu về tâm lý, dần dà đã tìm được cân bằng...

Bây giờ tôi đã sinh cháu thứ hai, cháu đầu đã lớn. Nhớ lại thời điểm gặp chứng trầm cảm sau sinh, tôi gặp một số vấn đề về tâm lý như thời gian đau đẻ kéo dài, phải sinh mổ, đau vết mổ, lúc đó vợ chồng chúng tôi sống cùng gia đình lớn gồm bố mẹ chồng, vợ chồng người anh chồng, gia đình anh chồng tôi cũng có một con nhỏ 1 tuổi và bà nội đang phải giúp trông bé.

Thời điểm đó tôi 27 tuổi và giai đoạn mới làm dâu bỡ ngỡ cũng có những vấn đề trong mối quan hệ nàng dâu - mẹ chồng. Chồng bận rộn, tôi phải tự trông con một mình. Sau sinh tôi đã kiệt sức về thể chất, những mối quan hệ gia đình cộng với nỗi lo lắng của người làm mẹ lần đầu khiến tôi kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất, từ đó dẫn đến chứng trầm cảm”.

Cho con bú mẹ cũng là một biện pháp tốt để giảm stress - Ảnh: T.T.D.
Cho con bú mẹ cũng là một biện pháp tốt để giảm stress - Ảnh: T.T.D.

Nguy hiểm khi không kịp thời điều trị

ThS.BS Nguyễn Lan Hải (chuyên gia tâm lý - giới tính) cho rằng trầm cảm ở phụ nữ có thể xuất hiện ngay ở thời gian đầu của thai kỳ và kéo dài tới sau sinh nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời. Nguy hiểm là nhiều người vẫn còn nhầm lẫn những triệu chứng thai nghén với trầm cảm do đó không điều trị.

Theo BS Lan Hải, 10% bệnh trầm cảm ở phụ nữ mang thai có thể trở thành một vấn đề quan trọng với khủng hoảng tiền sản. Một số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho thấy tỉ lệ phụ nữ trầm cảm khi mang thai cao gấp đôi người bình thường.

BS Hải thông tin thêm, một nghiên cứu khác cho thấy có gần 40% thai phụ gặp các rối loạn tâm thần phổ biến ở giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối thai kỳ, tỉ lệ này còn gần 29%. Ở vùng sâu, vùng xa càng có nguy cơ bị rối nhiễu tâm lý khi mang thai do chế độ dinh dưỡng kém, ốm yếu, thiếu vi chất, mâu thuẫn và bạo lực gia đình, áp lực kinh tế. Tỉ lệ rối nhiễu tâm lý chung của người VN là từ 12-15%.

Chồng, người thân có vai trò quyết định

Chuyên gia tâm lý Minh Huệ cho biết bà mẹ sau sinh thường rất nhạy cảm với bất kỳ sự không thấu hiểu, sự vô tình nào của chồng hoặc người thân. Khi người mẹ có những dấu hiệu bất thường như cảm thấy lo lắng, bồn chồn, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ăn ít hoặc ăn quá nhiều, cảm thấy mình thừa thãi, không còn được làm những gì mình thích... thì chồng và người thân cần có sự chia sẻ, động viên ngay để tìm hiểu những suy nghĩ, khó khăn của người phụ nữ lúc ấy.

“Tuyệt đối không được phủ nhận cảm xúc của các bà mẹ sau sinh, dù đó là những cảm xúc mà chính người chồng hay người bên ngoài cảm thấy thật khó hiểu. Phải luôn đồng hành cùng họ trong giai đoạn nhạy cảm này”, bà Huệ nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Văn Cường cho rằng khi nhận thấy sự bất thường, người chồng, gia đình cần động viên và đi cùng bà mẹ đến gặp các bác sĩ về tâm thần, tâm lý để được tư vấn cách điều trị.

Theo ông Cường, nếu không tìm gặp bác sĩ để được tư vấn mà gia đình cứ nghĩ đây là hiện tượng bình thường, ai mang thai hay sau sinh đều trải qua thì rất dễ xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

BS Lan Hải lưu ý: “Chìa khóa giải quyết trầm cảm sau sinh là sự quan tâm, chia sẻ, động viên của người chồng, người thân, bạn bè của bà mẹ. Rối loạn tâm lý phải được giải quyết từ tâm lý. Sự can thiệp bằng thuốc chữa trị chỉ nên là giải pháp sau cùng, vì giai đoạn này bà mẹ còn cung cấp sữa cho con”.

Theo các chuyên gia, trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến bà mẹ. Trầm cảm còn ảnh hưởng đến con. Thai nhi hoặc trẻ sinh ra có thể không cảm nhận được mối dây liên kết tình mẫu tử, khó chịu khi ở cùng mẹ, quấy khóc khi ngủ, chậm phát triển, không muốn giao tiếp, không “hóng chuyện” và trở nên thụ động. Trường hợp mẹ trầm cảm nặng có thể có hành vi nguy hiểm như ghét con, chối bỏ con, gây gổ với gia đình, tự sát hoặc giết con.

Lưu ý loạn thần sau sinh

Theo BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, trầm cảm sau sinh khác với loạn thần sau sinh ở chỗ người loạn thần sau sinh thường có hành vi nguy hiểm với chính bản thân mình hoặc người xung quanh, còn trầm cảm sau sinh nếu ở mức độ nặng thường có ý nghĩ muốn tự sát, trước khi tự sát có khi giết người thân hoặc giết người có ảnh hưởng trực tiếp đến mình.

Một rối loạn nữa là những phản ứng nhất thời sau sinh, có thể xuất hiện khi người phụ nữ có bực bội với gia đình hoặc ai đó, có hành vi dại dột. Có ba nhóm bệnh chính trong nhóm bệnh rối loạn tâm thần sau sinh, gồm rối loạn loạn thần sau sinh, trầm cảm sau sinh và những phản ứng nhất thời sau sinh.

Có thể so sánh hai giai đoạn, trước sinh và biểu hiện sau sinh, như thói quen sinh hoạt, ăn ngủ, tính cách... Nên đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần khi có các dấu hiệu như người mẹ ngủ ít, có hành động, thái độ, ngôn ngữ thay đổi nhiều so với trước. Có thể là biểu hiện không chú ý, thờ ơ, bất thường về tính cách...

Nếu những bất thường, thay đổi của giai đoạn mang thai, sinh con lại kết hợp với sự thờ ơ của người thân, mâu thuẫn trong gia đình... thì nguy cơ trở thành bệnh cao hơn.

L.ANH - M.KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên