15/03/2017 09:54 GMT+7

Ớn lạnh khi phòng khám Trung Quốc “vẽ bệnh”

LÊ THANH HÀ , LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN
LÊ THANH HÀ , LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN

TTO - Theo thanh tra Sở Y tế TP.HCM, thanh tra nhận rất nhiều đơn thư phản ảnh của người dân về các phòng khám Trung Quốc về việc “vẽ bệnh”, nói bị bệnh này bệnh kia rất nặng nhưng lại không phải vậy.

Trước những sai phạm liên tục của các phòng khám (PK) đa khoa có bác sĩ Trung Quốc trên địa bàn TP, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã chỉ đạo thanh tra Sở Y tế làm việc ngay với các PK này.

Sáng 14-3, chủ đầu tư và bác sĩ phụ trách chuyên môn của 16 PK có người Trung Quốc hành nghề (gọi tắt là PK Trung Quốc) được thanh tra Sở Y tế TP mời lên phổ biến một số quy định.

Nhiều sai phạm, thu giá quá cao

Ông Bùi Minh Trạng - chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện TP.HCM có khoảng 250 PK đa khoa đang hoạt động nhưng qua thanh tra, kiểm tra và những phản ảnh, khiếu nại của người bệnh lại tập trung nhiều vào các PK Trung Quốc.

Sai phạm thường là quảng cáo không phép trên các phương tiện truyền thông, lập sổ khám bệnh, ghi chép sổ khám bệnh không đúng quy định, không ghi địa chỉ người bệnh, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề để khám bệnh... Có PK còn ghi “Sở Y tế TP.HCM” ở trên và tên PK ở dưới, gây nhầm lẫn cho người dân.

Theo ông Trạng, người bệnh gặp thanh tra rất bức xúc: “Các anh chị PK Trung Quốc có quyền nói cho người bệnh ý thức được vấn đề sức khỏe của họ nhưng nói kiểu nào đó để người ta sợ hãi, như sắp chết đến nơi, như bị ung thư ác tính... để người bệnh phải điều trị ngay ở PK, khiến người bệnh nghĩ các anh chị hù dọa. Người bệnh đang nằm trên bàn thủ thuật cắt bao quy đầu thì bác sĩ lại bảo bị cái này cái kia có cắt luôn không...

Về pháp lý là không đúng, về chuyên môn là chẩn đoán không đúng bệnh, dồn ép người bệnh vào bước đường cùng. Tại sao không minh bạch và phải xem xét lại trình độ của bác sĩ đó cỡ nào? Chẩn đoán không hết bệnh một lần là lỗi yếu kém về chuyên môn, là không có trách nhiệm với người bệnh. Vẽ bệnh là vấn đề đặt ra hàng đầu, chúng tôi sẽ siết chặt việc này để bảo vệ người bệnh” - ông Trạng nói.

Ông Trạng còn chỉ rõ một sai phạm khác của PK Trung Quốc là thu giá khám chữa bệnh quá cao và không công khai giá dịch vụ y tế rõ ràng với người bệnh.

Ngoài ra, người bệnh nào vô khám cũng được chẩn đoán bị trĩ, bị dài bao quy đầu, bị viêm loét cổ tử cung và cho làm thủ thuật. Phiên dịch không có phép thì lại đi làm phiên dịch cho bác sĩ Trung Quốc nên dịch sai nghĩa. Có khi người bệnh bị nhiễm trùng tiểu thì dịch là bệnh xã hội, bệnh lậu, khiến người bệnh lo lắng và gây ảnh hưởng đến uy tín người bệnh.

“Cơ quan quản lý sẽ giám sát liên tục để bảo vệ quyền lợi của người bệnh”- ông Trạng khẳng định.

“Hai ngày là hết bệnh... họng hạt”

Một số bác sĩ phụ trách chuyên môn của các PK Trung Quốc còn rất lơ mơ về quy định, đề nghị được hướng dẫn, hỗ trợ.

Tại buổi làm việc, bác sĩ phụ trách chuyên môn của PK Hoàn Cầu còn hỏi một câu “khó đỡ” là người phụ trách chuyên môn có phải chịu trách nhiệm khi bác sĩ của PK chữa bệnh sai quy định; và bác sĩ này thừa nhận luôn là không quản lý được việc khám chữa bệnh của tất cả người bệnh.

Bà Phạm Thị Thúy Phượng - điều dưỡng trưởng PK Phú Khang - cho rằng phiên dịch cho bác sĩ Trung Quốc không ổn. Bà Phượng cũng thừa nhận chẩn đoán của bác sĩ, quy trình điều trị của PK Trung Quốc chưa được chuẩn.

Trong khi đó, bà Thanh - chủ đầu tư PK Baylor (PK hoạt động không phép mà Tuổi Trẻ đã thông tin) - lại cho rằng bà làm ăn với đối tác Trung Quốc đã lâu, nếu không có niềm tin vào tay nghề bác sĩ Trung Quốc thì bà đã không hợp tác với họ.

Để chứng minh tay nghề của bác sĩ Trung Quốc giỏi, bà Thanh kể lại bà bị viêm họng hạt, đi chữa tại nhiều bệnh viện lớn ở VN vẫn không hết bệnh nhưng “chỉ đi chữa bác sĩ ở Trung Quốc đúng hai ngày là hết bệnh đến bây giờ!.

Tất cả các thắc mắc, đề nghị của các PK đều được thanh tra sở, trưởng phòng nghiệp vụ y, phó phòng quản lý dịch vụ y tế tư nhân giải đáp cặn kẽ, hướng dẫn cụ thể.

Công khai hết trên mạng

Ngay tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế - nói vai trò của người phụ trách chuyên môn PK rất quan trọng. Chủ đầu tư nói không biết chuyên môn mà người phụ trách chuyên môn không kiểm soát được việc khám bệnh của các bác sĩ thì phải báo động cho chủ đầu tư hoặc thông báo cho Sở Y tế biết.

“Không thể nói là bó tay, nếu bó tay thì xin thôi không làm nữa. Khi PK, bác sĩ có sai phạm thì sẽ xử lý luôn cả người phụ trách chuyên môn PK”- ông Duy nói.

Theo ông Trạng, thời gian tới Sở Y tế sẽ công khai mọi hoạt động (giá cả, việc tư vấn, các dịch vụ kỹ thuật được phép làm, các sai phạm khi kiểm tra, kết quả xử lý...) liên quan đến các PK đa khoa lên trang web của Sở Y tế TP để người dân biết rõ.

Không có bảo kê các phòng khám Trung Quốc

Ông Trạng khẳng định không có bao che, bảo kê cho sai phạm của cơ sở hành nghề. Cũng không ai có thể can thiệp cho các sai phạm của cơ sở và người hành nghề, việc xử lý vi phạm đảm bảo đúng quy định.

Nạn nhân của bác sĩ Trung Quốc đã chết

Đến trưa 14-3, thai phụ T.T.T.T., 29 tuổi ở Quảng Ninh, đã tử vong.

Trước đó, ngày 5-3, chị T. mang thai ở tuần thứ 22 sau khi khám tại phòng khám đa khoa 168 Hà Nội phải cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, chết não.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, PGĐ Sở Y tế Hà Nội, cơ quan công an đã mổ pháp y chiều tối 14-3 để phối hợp tìm nguyên nhân. Sau khi có kết quả pháp y từ cơ quan công an, Sở Y tế sẽ thành lập hội đồng chuyên môn về vụ việc này.

Bà Hà cũng cho biết đại diện phòng khám nói đến nay chưa liên lạc được với bác sĩ Trịnh Túc Vinh. Ngay sau khi tai biến xảy ra bác sĩ Vinh đã bỏ đi ngay, từ đó đến nay phòng khám cho biết điện thoại bác sĩ không liên lạc được.

Một luật sư của Đoàn luật sư Hà Nội cho hay việc này có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, theo tội danh vi phạm quy định về nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng, do kỹ thuật khí dung điều trị phụ khoa là chưa được áp dụng ở bất kỳ cơ sở y tế nào, người bệnh khỏe mạnh trước khi thực hiện kỹ thuật nhưng chỉ sau 3 phút áp dụng đã tai biến, hiện đã tử vong, tình tiết bác sĩ bỏ trốn sau tai biến có thể coi là tình tiết tăng nặng.

Cùng ngày, sinh viên nam tên L.T.N., sinh năm 1998, có đơn tố cáo phòng khám 168 Hà Nội. Theo sinh viên N., ngày 5-11-2016, N. đến phòng khám này chữa bệnh, bác sĩ Trung Quốc sau khi khám đã kết luận N. bị loét bao quy đầu và yêu cầu phẫu thuật, sau khi phẫu thuật khoảng 5 phút bác sĩ đưa hóa đơn 15 triệu đồng, yêu cầu điều trị trong 7 ngày.

“Do đang là sinh viên năm thứ nhất, còn nhiều bỡ ngỡ nên tôi đã gọi gia đình chuyển tiền, ngày hôm sau đến thay băng bác sĩ lại đưa thêm hóa đơn hơn 8 triệu đồng tiền thuốc.

Nghi ngờ phòng khám 168 Hà Nội nên tôi đã đến Bệnh viện Bạch Mai khám, được bác sĩ Bạch Mai kết luận chỉ viêm bình thường, kê đơn thuốc khoảng 1 triệu đồng, tôi đã dùng thuốc theo đơn này và 3 ngày sau là khỏi.

Hiện mọi việc ở phòng khám 168 Hà Nội bị phanh phui, tôi đề nghị cơ quan chức năng điều tra để không có người nào bị lừa như tôi nữa”- N. viết trong đơn.

Lan Anh - Quỳnh Liên

LÊ THANH HÀ , LETHANHHA@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên