28/02/2017 14:12 GMT+7

Liên tiếp nhiều vụ nổ bóng bay gây bỏng

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
LAN ANH - QUỲNH LIÊN

TTO - Theo bác sĩ Nguyễn Thống, trưởng khoa bỏng Bệnh viện Xanh Pôn, khoa này đang điều trị hai bệnh nhân đều là nữ bị bỏng do nổ bóng bay.

Bệnh nhân đang điều trị tại khoa bỏng Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội - Ảnh: Quỳnh Liên​

Bác sĩ Thống cho hay hai tháng đầu năm 2017 có tới 4-5 ca cấp cứu bỏng do nổ bóng bay vào viện này và hậu quả để lại sau điều trị rất lâu mới có thể phục hồi được phần nào, một người trong số này là nam giới đã bị mù một mắt sau tai nạn.

Chị Dương Thị M., 34 tuổi ở Hàng Ngang, Hà Nội - một trong hai nạn nhân bỏng do nổ bóng bay đang được điều trị cho hay cách đây hai ngày, gia đình mua một chùm bóng bay khoảng 40 quả. Khi chị đang tháo ra chia cho các cháu thì bóng bất ngờ nổ tung khiến chị và khoảng 4 người thân đứng xung quanh bị bỏng. Tuy nhiên chị bỏng nặng nhất với các vết bỏng ở mặt, tay, ngực, những người còn lại bỏng mức độ nhẹ hơn được điều trị tại nhà.

Tại bệnh viện chị M. được xác định là bỏng độ 2-3 tùy vị trí, phải điều trị lâu dài.

Chị M. cho biết số bóng bị nổ gia đình mua từ 15g chiều, để ngoài trời nắng và khoảng 18g khi chị chia bóng cho các cháu thì bóng phát nổ, thời điểm đó xung quanh không có bất cứ nguồn nhiệt nào.

Cùng bị bỏng do nổ bóng bay như chị M. và cũng đang điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn là Mai Phương L., 22 tuổi. L. cho biết hôm 14-2 vừa qua có mua một chùm bóng bay 55 quả để tổ chức liên hoan ở công ty, khi đưa chùm bóng từ phòng họp chính vào một phòng nhỏ hơn để cất giữ thì bất ngờ bóng bay phát nổ.

Vụ nổ làm cho L. và một bạn gái khác đứng gần đó bị bỏng. Vụ nổ làm L. bị bỏng ở mặt, cổ, cháy tóc, may mắn là L. có đeo kính nên không bị ảnh hưởng đến mắt nhưng cặp kính đã biến dạng.

Bác sĩ Thống cảnh báo trong khoảng 10 năm gần đây, năm nào khoa bỏng Bệnh viện Xanh Pôn cũng tiếp nhận hàng chục ca bỏng do nổ bóng bay (loại bóng bay được bơm khí hydro), trong khi rất nhiều người không tin rằng bóng có thể nổ nên thường mua bóng cho trẻ em chơi!

Bác sĩ Thống khuyến cáo trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời cao, trẻ em nghịch chèn ép quả bóng hay có khi người chơi dùng lửa để “cắt” dây trái bóng ra khỏi chùm, bóng được bơm căng quá... đều có nguy cơ gây nổ và gây bỏng cho những người xung quanh.

“Bỏng bóng bay cũng giống như bỏng nhiệt, làm tổn thương nặng đến nạn nhân và nhiều trường hợp chấn thương nặng bị mù mắt, bỏng sâu không phục hồi sau tai nạn nổ bóng bay”, bác sĩ Thống nói.

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên