09/02/2017 09:18 GMT+7

Có thai vẫn trị được u buồng trứng

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TTO - U buồng trứng là bệnh phụ khoa với tỉ lệ mắc khoảng 5-10% phụ nữ. Tuy nhiên nhiều phụ nữ, kể cả các chị đang mang thai cũng không biết mình bị bệnh này.

Thai phụ đi khám thai tại Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thai phụ đi khám thai tại Bệnh viện Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm 2016, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) đã phẫu thuật nội soi cho 25 thai phụ bị u buồng trứng. Trong đó có một số trường hợp thai phụ đi siêu âm thai mới biết mình bị u buồng trứng.

Triệu chứng không rõ ràng

“Khối u xuất hiện ở buồng trứng có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, từ bé gái trước tuổi dậy thì đến phụ nữ đã mãn kinh. U buồng trứng có thể là u cơ năng, xuất hiện và biến mất trong vòng 2-3 chu kỳ kinh, cũng có thể là u thực thể gồm u lành tính và u ác tính” - bác sĩ CK2 Bùi Văn Hoàng, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Từ Dũ, cho biết.

Triệu chứng của u buồng trứng thường không rõ ràng nên người phụ nữ thường được phát hiện u buồng trứng qua khám phụ khoa định kỳ hoặc khi u lớn, có biến chứng hoặc u ác tính.

Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể có các triệu chứng như rong kinh, rong huyết, ra máu bất thường giữa chu kỳ kinh, đau bụng kinh.

Khi u lớn, người bệnh có thể có cảm giác nặng bụng, bụng to, có thể sờ thấy khối u qua thành bụng, bị táo bón, bí tiểu. Khi u buồng trứng có biến chứng xoắn, vỡ có thể gây đau bụng dữ dội.

Về điều trị, bác sĩ Hoàng cho biết tùy bản chất khối u mà có cách theo dõi, điều trị khác nhau. Với u cơ năng, người bệnh sẽ được khám, siêu âm theo dõi qua 2-3 chu kỳ kinh và u có thể tự biến mất mà không cần điều trị.

Với u thực thể, tùy thuộc vào khám lâm sàng, bản chất, hình thái học, kích thước khối u xác định qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh mà bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị phù hợp, có thể theo dõi hoặc chỉ định phẫu thuật tùy trường hợp.

Đối với các trường hợp có chỉ định phẫu thuật, có thể mổ bụng mở hoặc mổ nội soi tùy trường hợp. Sau mổ lấy u buồng trứng, bệnh có tái phát hay không còn tùy thuộc vào bản chất khối u. Nếu là u lạc nội mạc tử cung, u ác tính có thể có khả năng tái phát cao hơn các loại u khác.

Mang thai 4 tuần mới biết có u

Bác sĩ Hoàng cho biết có thai phụ nhập viện khi mang thai được gần 15 tuần. Theo lời thai phụ, chị được bác sĩ sản khoa của một bệnh viện ở Tây Ninh phát hiện bị u buồng trứng khi đi khám thai lúc thai được 4 tuần tuổi.

Do mới mang thai tháng đầu tiên nên bác sĩ chưa can thiệp điều trị gì vì dễ bị sẩy thai. Trước khi nhập viện tại Bệnh viện Từ Dũ một ngày, thai phụ này bị đau bụng vùng hạ vị trái, lúc đau lâm râm, lâu lâu lại đau quặn từng cơn, kèm nôn, đầy bụng nên được gia đình đưa xuống Bệnh viện Từ Dũ khám.

Tại Bệnh viện Từ Dũ, kết quả siêu âm cho thấy thai phụ này đang mang thai 14,5 tuần và bị u bì buồng trứng trái với kích thước khá lớn. Thai phụ đã được các bác sĩ mổ nội soi cắt u buồng trứng trái. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định và được cho xuất viện.

Theo bác sĩ Hoàng, trường hợp của thai phụ này nếu không được chẩn đoán và mổ kịp thời có thể có nguy cơ bị xoắn buồng trứng hoặc vỡ buồng trứng trong thai kỳ và người bệnh sẽ phải phẫu thuật lấy u buồng trứng trong tình trạng cấp cứu và khi đó ca mổ sẽ bị động hơn.

Có thai vẫn điều trị được

Bị u buồng trứng trong lúc mang thai nếu u to có thể chèn ép lên tử cung, cản trở sự phát triển của tử cung đang mang thai; u to chèn ép lên bàng quang, trực tràng gây bí tiểu, táo bón; u to tiền đạo (cản trở đường ra của thai nhi trong quá trình sinh) có thể phải chỉ định mổ lấy thai.

Trường hợp bị u buồng trứng xoắn, vỡ phải mổ cấp cứu, nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Nếu là u buồng trứng ác tính cũng gây nguy hiểm cho cả mẹ và con, có thể phải chấm dứt thai kỳ sớm.

Theo bác sĩ Hoàng, khi có thai mà bị u buồng trứng vẫn có thể điều trị được. Nếu xác định là u buồng trứng lành tính và không có biến chứng, thời điểm phẫu thuật tốt nhất là ba tháng giữa thai kỳ. Nếu u buồng trứng được đánh giá là ác tính phải phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Đồng thời phải chấm dứt thai kỳ và tiến hành thêm các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị vì u buồng trứng ác tính ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người mẹ. Trong trường hợp nếu là u buồng trứng đã xuất hiện có biến chứng như xoắn, vỡ... phải phẫu thuật ngay dù ở thời điểm nào của thai kỳ.

Trong trường hợp không điều trị u buồng trứng trong lúc mang thai, bác sĩ Hoàng khuyên sau sinh ba tháng, người mẹ nên đi khám và siêu âm kiểm tra lại u buồng trứng để được đánh giá lại và có hướng điều trị phù hợp.

Mổ cắt u buồng trứng ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ cũng có nguy cơ gây sẩy thai, thai lưu, sinh non.

Tuy nhiên, mổ ở ba tháng đầu thai kỳ thì nguy cơ sẩy thai, thai lưu là lớn nhất vì thời điểm này tử cung khá nhạy cảm với các tác động vào ổ bụng, hoàng thể thai kỳ ở buồng trứng còn đảm nhận chức năng tiết hormone duy trì thai kỳ.

Ngoài ra, thuốc sử dụng trong quá trình mổ ở giai đoạn người phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Với u buồng trứng, mổ ở ba tháng giữa của thai kỳ là tương đối an toàn nhất.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên