08/12/2016 08:11 GMT+7

Gánh nặng bệnh hiểm nghèo: Nhiều người bệnh bỏ điều trị

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Đổ bệnh nặng, chi phí điều trị tốn kém, nhiều người bệnh phải bỏ điều trị. Các bác sĩ cho biết khi mắc bệnh, người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) là một lợi thế!

Ông Đặng Văn Long, 63 tuổi, đang chăm sóc con trai bị tai nạn khá nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Ông Đặng Văn Long, 63 tuổi, đang chăm sóc con trai bị tai nạn khá nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: THÙY DƯƠNG

"Trong số những người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chỉ có 51% người có BHYT, 49% còn lại không có BHYT. Thế nhưng, số tiền bệnh viện nhận từ quỹ BHYT chi trả cho 51% người có BHYT này lên tới 75% tổng số tiền điều trị.

Điều này chứng tỏ người bệnh BHYT có chi phí điều trị nhiều hơn người không sử dụng BHYT, người bệnh sử dụng BHYT được cung cấp dịch vụ nhiều hơn, có nhiều điều kiện để được điều trị tốt hơn” - bác sĩ chuyên khoa 2 Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết.

Gần 80 triệu đồng/tháng

Điều trị bệnh ung thư lâu dài, tốn kém và hiện BHYT chi trả cho những người bệnh ung thư rất tốt. Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn đưa ra ví dụ trong hóa trị chỉ có bốn loại thuốc BHYT chỉ chi trả 50%, còn tất cả đều chi trả 100% theo quyền lợi của người bệnh.

Càng ngày giá dịch vụ y tế sẽ tịnh tiến đến mức độ thu đúng, thu đủ. Khi đã thu đúng, thu đủ giá viện phí sẽ rất cao. Lúc đó, bệnh viện sẽ điều trị cho người bệnh bằng những phương pháp tốt nhất, bù lại người bệnh sẽ chịu chi phí rất lớn và nếu không có BHYT sẽ không thể nào chịu được. Cho nên con đường tất yếu là người bệnh phải có BHYT để chăm sóc sức khỏe của mình.

Con số thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy 49% người bệnh không có BHYT chỉ trả cho bệnh viện 25% tổng số tiền điều trị. Không phải số người bệnh này phải trả tiền ít hay bệnh nhẹ hơn mà con số này thể hiện rõ có nhiều người không theo được điều trị.

Ví dụ một người bệnh phải điều trị trong 6 tháng nhưng chỉ theo điều trị được 2 tháng, sau đó hết tiền phải xin về. Những người có BHYT sẽ tuân thủ điều trị tốt hơn, không phải lo nhiều về vấn đề tiền bạc, do vậy kết quả điều trị cũng tốt hơn.

Phòng tài chính kế toán Bệnh viện Ung bướu đã đưa ra một vài trường hợp điều trị bệnh ung thư có tổng chi phí điều trị cao từ tháng 1-2016 đến 30-11-2016.

Cụ thể, anh N.H.Q., 36 tuổi, bị ung thư đại tràng đã có tổng chi phí điều trị gần 860 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng người bệnh chi mất gần 80 triệu đồng. Do anh Q. có BHYT nên đã được BHYT chi trả gần một nửa số tiền điều trị.

Tương tự, bà N.T.K.H., 57 tuổi, bị ung thư vú có tổng chi phí điều trị trong 11 tháng năm 2016 là hơn 730 triệu đồng, nhờ có BHYT bà cũng được BHYT chi trả gần một nửa số tiền điều trị.

Anh T.V.H., 59 tuổi, bị ung thư phổi có tổng chi phí điều trị trong 11 tháng năm 2016 là 455 triệu đồng. Anh đã được BHYT chi trả gần 364 triệu đồng và chỉ phải đóng hơn 91 triệu đồng...

Nên mua BHYT

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết tại khoa từng tiếp nhận những bệnh nhân bị suy thận cấp hoặc suy thận mãn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo nhưng không có BHYT.

Gặp những trường hợp như vậy, nhân viên y tế trong khoa đều khuyên bệnh nhân mua BHYT, nếu không sẽ không đủ sức chi trả hoặc sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị lâu dài. Nếu không có BHYT, người bệnh chạy thận nhân tạo sẽ phải tốn nhiều tiền. Tùy theo bệnh, người bệnh sẽ phải trả chi phí chạy thận nhân tạo và điều trị trung bình là 10 triệu đồng/tháng nếu không có BHYT.

ThS Lê Minh Hiển, trưởng khoa công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết vẫn còn rất nhiều người bệnh khi đến bệnh viện điều trị không có BHYT và gia đình khó khăn nên không có khả năng chi trả.

Khoa công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải đi xin các nhà hảo tâm để lo viện phí cho nhiều trường hợp như vậy. Mỗi lần nhân viên của khoa tiếp cận với người bệnh khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình tìm hiểu hoàn cảnh, sau đó xin các nhà hảo tâm để lo viện phí, nhân viên của khoa này đều vận động người bệnh mua BHYT.

Trường hợp người bệnh quá khó khăn, khoa sẽ nhờ các nhà hảo tâm mua luôn BHYT cho người bệnh, nhiều trường hợp khoa đã phải mua BHYT cho cả gia đình bệnh nhân. Người bệnh bị phỏng phải điều trị lâu dài, nếu không có BHYT sẽ rất khó theo suốt quá trình điều trị.

Bác sĩ Võ Đức Chiến, giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, kể tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương vẫn tiếp nhận những người bệnh không có BHYT.

Có những người rất nghèo, không có hộ khẩu ở TP nên bệnh viện đã phải kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ. Có những người được bệnh viện điều trị xong, chưa tới ngày xuất viện đã “trốn viện” vì sợ không có khả năng chi trả.

Trước đó, bệnh viện đã tìm hiểu hoàn cảnh những người bệnh này, thấy gia đình bệnh nhân quá khó khăn nên đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, tuy nhiên bệnh viện chưa kịp thông báo thì người bệnh đã... trốn viện.

Tọa đàm “Bệnh hiểm nghèo: thực trạng và phòng tránh”

Bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trong hoàn cảnh nào? Chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo? Một số giải pháp cơ bản giúp người bệnh theo đuổi quá trình điều trị bệnh hiểm nghèo...

.Những vấn đề này sẽ được lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, lãnh đạo các bệnh viện thảo luận tại tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 8-12.

Mời bạn đọc đón xem báo Tuổi Trẻ ngày 9-12.

“Một bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu cho biết khi một người bệnh đến khám bệnh có BHYT, họ cho chụp CT đúng chỉ định không đắn đo. Nhưng nếu người bệnh không có BHYT nhiều khi phải suy nghĩ"

 
THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên