07/12/2016 10:16 GMT+7

​Mì ăn liền ngon hơn nhờ gói gia vị

NGUYỄN QUANG
NGUYỄN QUANG

20 năm trở lại đây, thị trường mì ăn liền của VN tăng trưởng gần 400%, với 4,8 tỉ gói được tiêu thụ mỗi năm. Mì ăn liền là món ăn yêu thích, có mặt trong mọi gia đình.

 

Tuy nhiên, gần đây do có nhiều “lời đồn thổi” cho rằng gói gia vị trong mì ăn liền chứa quá nhiều muối và chất điều vị… không tốt cho sức khỏe khiến người dùng lo lắng, giảm ăn mì ăn liền.

Không biết gói gia vị có gì

Chị T.T.M (26 tuổi, quê Kiên Giang) là công nhân một công ty ở khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM. Do lương của chị thấp, chồng chạy xe ôm lại có một con nhỏ, phải ở nhà thuê nên vợ chồng chị M. luôn tằn tiện trong chi tiêu và ăn uống.

Theo chị M., không chỉ có chị mà gần như tất cả công nhân khu trọ nơi chị ở đều luôn xem mì gói là món ăn thiết yếu mỗi ngày vì chế biến tiện lợi, giá “mềm”, ăn ngon miệng.

Nhiều khi lu bu con cái, đói bụng quá mà lại đến giờ đi làm, chị M. lại lấy mì ăn liền bỏ ra tô, thêm ít rau cải xanh, quả trứng gà rồi chế nước sôi vào là có tô mì thơm phức, đảm bảo dinh dưỡng mà cả mì, rau, trứng… chưa đến 10.000 đồng.

Ông xã chị M. cũng vậy, khi khách quen gọi lúc chiều tối mà chị chưa kịp nấu cơm, anh luôn nói chị nấu nhanh tô mì ăn liền với một ít giá để anh ăn rồi đi đón khách.

“Vậy mà gần đây, công nhân chúng tôi nghe nói trong gói gia vị của mì ăn liền chứa quá nhiều muối, chất điều vị… không tốt cho sức khỏe nên tôi cũng lo lo. Không biết thông tin này có đúng không, cũng không biết chất điều vị là gì nên vợ chồng tôi đã hạn chế ăn mì gói từ nửa năm nay. Khi thèm quá, chúng tôi vẫn ăn nhưng không sử dụng mấy gói gia vị này mà nêm thêm muối, bột ngọt vào. Tuy nhiên, tự nêm ăn không còn ngon và cứ nhạt nhẽo sao ấy…” - chị M. kể lại.

Khách hàng chọn mua sản phẩm mì tôm chủ yếu là sinh viên và người dân lao động
Khách hàng chọn mua sản phẩm mì tôm chủ yếu là sinh viên và người dân lao động

Ba gói gia vị chính

Theo GS Đống Thị Anh Đào - Bộ môn công Nghệ  thực phẩm, Đại học Bách khoa ĐHQG TPHCM - mì gói ở VN thông thường có ba gói gia vị chính là: gói súp, gói dầu sa tế và gói rau. Thành phần các gói gia vị được nhà sản xuất công bố và ghi rõ trên bao bì sản phẩm, bao gồm cả nguyên liệu có khả năng gây dị ứng cho một số đối tượng nhất định (nếu có). Một số gói gia vị trong mì ăn liền có thể chứa bột ngọt (mì chính) và được ghi rõ trên thành phần sản phẩm với tên gọi theo khoa học là chất điều vị Mononatri glutamat (hoặc viết tắt là chất 621).

Bột ngọt là muối sodium của axit glutamic, một trong hơn 20 loại axit amin để kiến tạo nên protein cơ thể. Chất này cũng có sẵn trong các thực phẩm tự nhiên như thịt, cá, sữa (kể cả sữa mẹ) và có trong nhiều loại rau quả như cà chua, đậu hà lan, bắp, cà rốt…Bột ngọt có tác dụng làm tăng vị ngon của thực phẩm. Theo GS Anh Đào, bột ngọt là một phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu sâu rộng và chuyên sâu với hàng trăm cuộc thí nghiệm toàn diện trên động vật và cả cơ thể người. Các nghiên cứu này được thực hiện bởi các viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới trong thời gian rất dài và các viện nghiên cứu đã kết luận bột ngọt an toàn sử dụng nếu không quá lạm dụng.

Bột ngọt sử dụng trong thực phẩm tại VN và một số quốc gia trên thế giới đã được quy định sử dụng với hàm lượng GMP Good Manufacturing Practices - theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt trong sản phẩm mì và gia vị. Cụ thể là hàm lượng tối thiểu theo nhu cầu sản xuất và đảm bảo không làm thay đổi bản chất của thực phẩm.

Tuy nhiên, một số ít người có cơ địa dị ứng đã được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán là dị ứng với thành phần bột ngọt cần đọc kỹ thành phần khi sử dụng sản phẩm.

Cấp gói gia vị vào mì ăn liền trước khi đóng gói tại Công ty Acecok VN
Cấp gói gia vị vào mì ăn liền trước khi đóng gói tại Công ty Acecook VN

Về gói dầu gia vị trong mì ăn liền, thường là dầu sa tế với thành phần chính là dầu tinh luyện và chiết xuất hương vị từ thành phần tự nhiên của các loại rau củ, gia vị khác. Hàm lượng chất béo của mỗi gói mì ăn liền (bao gồm cả gói dầu) đều được ghi rõ trên bao bì và tùy thuộc vào tình trạng cơ thể mà người dùng có thể chọn bổ sung chất béo nhiều hay ít. Gói dầu có tác dụng làm gia tăng hương vị sản phẩm, do đó nếu thiếu một trong các gói gia vị cấu thành, hương vị đặc trưng của sản phẩm sẽ bị giảm đi.

Do mỗi ngày cơ thể cần nhiều loại chất dinh dưỡng thiết yếu khác nhau như: chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin, khoáng chất và nước. Vì vậy nhà sản xuất luôn chú trọng và đảm bảo trong mì ăn liền có các chất béo, chất đạm, chất bột đường và một ít chất xơ để người dùng được cung cấp đủ năng lượng tối thiểu cho một bữa ăn.

Người dùng cũng có thể chế biến mì ăn liền cùng các loại rau xanh, củ quả để bổ sung thêm nước, vitamin, khoáng chất và đảm bảo cân bằng đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.

 Bộ Y tế “Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” 

Theo ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc  Công ty CP Acecook VN - hiện ngành hàng mì ăn liền đã phát triển lớn mạnh và trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, hàng đầu tại VN. Riêng mì ăn liền do Acecook VN sản xuất đã xuất khẩu đến 46 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính với những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe như Mỹ, Úc, Canada, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Về gói gia vị bên trong sản phẩm mì ăn liền của Acecook VN, Chị Dương Thị Bích Đào – Trưởng phòng đảm bảo chất lượng công ty cho biết: Thành phần trong gói gia vị bên trong sản phẩm mì ăn liền là một hỗn hợp các loại gia vị (muối, đường, bột ngọt, tiêu, tỏi, ớt…) nhằm tạo nên hương vị đặc trưng cho từng sản phẩm. Thành phần và hàm lượng các nguyên liệu sử dụng trong gói gia vị đều được công ty nghiên cứu phù hợp với từng loại sản phẩm, tuân thủ các quy định Việt Nam, có công bố đầy đủ thành phần trên bao bì và được Cục ATTP xác nhận phù hợp thông qua “Xác nhận công bố phù quy định an tòan thực phẩm”.

NGUYỄN QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên