03/12/2016 09:03 GMT+7

Ám ảnh nguồn gốc thực phẩm

 THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN
THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN

TTO - Nhiều người ám ảnh về thực phẩm “bẩn” đến nỗi không dám ăn, có người tìm mọi cách để tiếp cận với nguồn thực phẩm mà họ cho là khá tin cậy, số đông còn lại cũng sợ nhưng không có tiền nên đành chấp nhận.

Người dân chọn mua rau ở một xe đẩy bán ven đường - Ảnh: NGỌC LOAN

Câu cửa miệng quen thuộc của nhiều người dân hiện nay là “ăn cái gì cũng thấy sợ”. Những thông tin về nhiều loại thực phẩm được ngâm hóa chất như thịt thối, giá đỗ, măng chua, rau, trái cây dư thuốc bảo vệ thực vật khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Thực phẩm sạch - khó tiếp cận

Nhiều người có điều kiện kinh tế sẽ tìm đủ mọi cách để tiếp cận được nguồn thực phẩm mà mình cảm thấy tin cậy. Ở TP.HCM, một số người phải nhờ người thân mua thực phẩm gửi từ dưới quê lên rồi cất vào tủ lạnh ăn dần.

Chị N.H.V., 34 tuổi, ngụ ở Q.Tân Bình, kể quê chồng chị ở Bình Thuận còn quê chị ở Lâm Đồng. Mỗi tuần chị đều nhờ anh chị em ở hai bên đóng thực phẩm quê cho vào thùng rồi gửi xe khách lên TP. Quê chồng gửi một thùng cá, tôm, cua, quê vợ là các loại rau, củ, trái cây...

Người không gửi được thực phẩm ở quê lên thì chọn mua thực phẩm trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ... Nhưng mua thực phẩm ở những nơi này thường có giá cao hơn nhiều.

Chị N.T.T., 38 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, thường mua thực phẩm tại một cửa hàng thực phẩm hữu cơ, kể có những hôm chị phải mua một mớ rau cải bó xôi với giá gần 50.000 đồng, một lát cá thu có giá hơn 100.000 đồng...

Để có một bữa ăn từ cửa hàng thực phẩm này cho 4 người ăn phải mất từ 300.000 - 400.000 đồng. Chị T. cũng không ngần ngại thừa nhận vợ chồng chị đều có thu nhập vài chục triệu mỗi tháng nên mới dám mua thực phẩm tại những cửa hàng như thế này.

Nắm được tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cửa hàng rau sạch, cá thịt sạch bán giá rất cao.

“Tiền đâu mà mơ... ăn rau sạch”, với những người lao động bình dân, họ đành mua thực phẩm với giá rẻ dù biết rẻ thì khó mà an toàn. “Chắt chiu lắm mà có tháng vẫn thiếu tiền nhà, tiền đâu mà mơ đến ăn đồ sạch. Cũng có nghe nói về rau củ, trái cây ngâm, phun hóa chất, nghe hóa chất gì cũng thấy bảo gây ung thư, ai mà không sợ, nhưng ăn thì phải ăn thôi vì thu nhập có 4 triệu đồng/tháng” - Q. chia sẻ.

Chị Hồ Thị H. (công nhân may, quê Nghệ An) cho biết hầu như những công nhân như chị ai cũng mua thực phẩm ở các xe đẩy dọc các chợ xổm, phần vì tiện, phần vì rẻ. “|Nghe tivi đưa tin bắt được cơ sở này dùng hóa chất ngâm tẩm thức ăn để bảo quản, rồi phát hiện cơ sở kia dùng chất cấm, bắt xe chở thịt thối, mình cũng sợ ăn vào rồi sinh bệnh sinh tật lắm nhưng không có tiền đành phải mua hàng rẻ, chứ ai chả biết rẻ thì khó mà có sạch” - chị H. chia sẻ.

Lên đến 50% các ca ung thư liên quan đến ăn uống

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội quốc tế phòng chống ung thư (UICC) tại một hội nghị ở Úc, có đến 30-50% các ca bệnh ung thư liên quan đến ăn uống, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, khi một người mắc bệnh ung thư, các bác sĩ đều không thể kết luận người này mắc bệnh ung thư do ăn uống. Nhưng khoa học đã chứng minh được rằng trong những loại thức ăn không an toàn có những chất gây ung thư.

Với các loại rau, nếu người trồng rau sử dụng những loại thuốc trừ sâu không đúng quy cách, người phun xịt những loại thuốc trừ sâu này có thể bị nhiễm các loại hóa chất này và người ăn những loại rau này cũng có thể bị gây nhiều bệnh như ung thư hạch, ung thư não, ung thư máu, ung thư tiền liệt tuyến...

Vẫn còn những nơi lấy nguồn thịt đã bị thối rữa về ướp hóa chất độc hại để thịt dai hơn, thơm hơn, sau đó bán cho khách. Những người ăn những món ăn được chế biến từ những loại thực phẩm này cũng có thể mắc bệnh ung thư.

Một số thực phẩm chứa chất độc hại, gây ung thư đã được nêu ra trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng vẫn còn nhiều loại thực phẩm được chế biến độc hại, nguy hiểm chưa được thông tin.

Nhiều người bệnh khi được bác sĩ khuyên nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi đã trả lời: “Tôi không dám ăn hoặc ăn rất ít vì sợ trái cây và rau xanh có thuốc bảo vệ thực vật”. Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, người dân nên tìm nguồn rau, trái cây mình cảm thấy an toàn để ăn chứ ăn ít hoặc không ăn rau, trái cây sẽ gây bệnh.

TS Quốc Thịnh nhấn mạnh ung thư do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng ăn uống khoa học, hạn chế rượu, bia, thuốc lá, vận động thường xuyên có thể phòng ngừa 50-60% các loại bệnh ung thư.

Tọa đàm “Thực phẩm không an toàn: Tác nhân gây ung thư”

Thế nào là thực phẩm không an toàn? Vì sao thực phẩm không an toàn lại là tác nhân gây ung thư? Làm sao để mỗi gia đình chọn lựa được thực phẩm an toàn? Làm sao để phòng tránh được bệnh ung thư?...

Tất cả những băn khoăn này của bạn đọc sẽ được các chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm và ung thư giải đáp tại buổi tọa đàm: “Thực phẩm không an toàn: Tác nhân gây ung thư” do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào hôm nay 3-12.

Mời các bạn đọc đón xem báo Tuổi Trẻ ngày 4-12.

Thùy Dương

TS Quốc Thịnh cho rằng có nhiều loại trái cây không bị ảnh hưởng nhiều bởi thuốc bảo vệ thực vật như cam, bưởi, chuối... Còn rau xanh nếu sợ có thuốc bảo vệ thực vật thì nên rửa rau dưới vòi nước nhiều lần hoặc ngâm rau 15-20 phút trước khi ăn, chế biến. Những cách này sẽ làm cho dư lượng của thuốc nếu có sẽ được đào thải, làm loãng đi.

THÙY DƯƠNG - NGỌC LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên