22/11/2016 09:13 GMT+7

Cẩn trọng thuốc “tăng chiều cao”

 THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Hiện có nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo giúp trẻ tăng chiều cao nhanh nhất, giúp xương dài nhanh,“xóa bỏ ám ảnh trẻ bị thấp lùn”… Thật vậy không?

Trẻ em vận động ngoài trời làm tăng chiều cao - Ảnh: T.T.D.
Trẻ em vận động ngoài trời làm tăng chiều cao - Ảnh: T.T.D.


Có thực phẩm chức năng còn quảng cáo nếu qua tuổi dậy thì mà không đạt chiều cao như mong muốn thì những viên uống này sẽ là cơ hội “thoát lùn” cho người trưởng thành.

Đọc được những quảng cáo này, nhiều bà mẹ muốn mua ngay về cho con uống với hi vọng giúp trẻ tăng chiều cao. Uống thuốc, thực phẩm chức năng có thực sự giúp trẻ cao hơn?

Chưa có nghiên cứu

Chị N.P.T., 38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ bà mẹ nào cũng mong muốn con mình càng cao càng tốt. Gần đây, chị T. thấy trên mạng xã hội chia sẻ nhiều về các loại thuốc, thực phẩm giúp trẻ phát triển chiều cao nên cũng rất nóng ruột muốn mua ngay những loại thuốc này, tuy nhiên chị cũng cẩn thận tìm hiểu xem các loại thực phẩm này có hiệu quả hay không. Nếu biết chắc có hiệu quả như quảng cáo chị sẽ mua ngay về để giúp con cao hơn.

Còn chị T.T.L.A., 35 tuổi, ở Q.Gò Vấp, lo lắng khi chị có chiều cao "khiêm tốn" nên luôn sợ con khó cao được. Đọc thấy quảng cáo những viên uống này giúp trẻ tăng cao hơn, chị muốn mua cho cả hai con uống.

Có những loại thuốc, thực phẩm chức năng khi các bà mẹ vào đọc quảng cáo, có nhân viên tư vấn ngay trên mạng. Thậm chí có nhân viên còn nhiệt tình xin số điện thoại để gọi điện tư vấn cho các bà mẹ về loại thuốc, thực phẩm này bất cứ khi nào các bà mẹ cần.

TS.BS Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận - nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hiện trên thị trường có nhiều loại thực phẩm chức năng quảng cáo "hứa hẹn" giúp trẻ tăng chiều cao, nhưng thực chất đây chỉ là các loại thực phẩm được bổ sung thêm các chất và canxi. Những loại viên uống này chỉ có vai trò như thực phẩm. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy khi trẻ uống những viên uống này sẽ cao hơn so với những trẻ không uống.

Theo bác sĩ Thoại Loan, các bà mẹ muốn mua thuốc cho con mình uống nên đến bác sĩ tư vấn. Các bác sĩ sẽ cho biết để tăng chiều cao con trẻ phải theo lộ trình ra sao.

“Bí quyết” tăng chiều cao

TS.BS Huỳnh Thoại Loan cho biết chiều cao của một người phụ thuộc vào 3 yếu tố đó là di truyền, dinh dưỡng và hormon tăng trưởng.

Yếu tố đầu tiên là di truyền. Trên thế giới, dân Bắc Âu có chiều cao nổi trội nhất và dân châu Á có chiều cao thấp nhất. Đó là di truyền chung của một giống dân. Còn di truyền trong gia đình, nếu ba mẹ thấp thì chắc chắn con không thể có chiều cao vượt trội. Chiều cao của con gái sẽ theo chiều cao của ba và chiều cao của con trai sẽ theo chiều cao của mẹ. Có những gia đình có những gen tiềm ẩn của “lùn vô căn”, ví dụ bà cố rất lùn, bà nội rất lùn gọi là lùn vô căn. Nếu trong phả hệ đã có một người lùn như vậy, một trẻ có ba mẹ cao cũng vẫn có thể bị lùn.

Yếu tố thứ hai là dinh dưỡng. Trong đó, hai phần dinh dưỡng quan trọng nhất là tổng năng lượng và canxi vì chiều cao là khung xương và khung xương là can xi. Như vậy, tổng năng lượng và canxi có ảnh hưởng đến chiều cao, cải thiện dinh dưỡng là cải thiện chiều cao.

Yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến chiều cao là hormon tăng trưởng. Hormon này chỉ tiết ra vào ban đêm (khoảng 24g khuya). Khi đó, trẻ phải có giấc ngủ thật sâu, mà muốn có giấc ngủ thật sâu trẻ phải đi ngủ trước đó hai giờ đồng hồ. Với những trẻ đi ngủ trễ, sau 22g sẽ không tạo được cái đỉnh của hormon tăng trưởng tiết ra tối đa vào lúc 24g.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao nữa là làm tăng khối lượng canxi, khối lượng xương, kéo dài tối đa của xương bằng cách vận động. Chính vì vậy, trẻ rất cần tham gia những vận động thể lực để tạo cho trẻ tối ưu hóa việc kéo dài xương đùi như bơi lội, chơi bóng rổ, đạp xe đạp... Ngoài ra, trẻ nên được vận động ngoài trời nhiều để được tiếp xúc với ánh sáng để có tỉ lệ vitamin D trong máu cao.

Lưu ý giai đoạn tiền dậy thì của trẻ

TS Thoại Loan nhấn mạnh chiều cao không phân bố đều trong quá trình tăng trưởng của con người mà tập trung vào những giai đoạn đỉnh điểm, gọi là giai đoạn nhảy vọt.

Một trong những giai đoạn nhảy vọt là giai đoạn tiền dậy thì (từ 9-12 tuổi). Đây là giai đoạn trẻ có thể có chiều cao tối đa với mức 10-12 cm/năm. Đây là giai đoạn nhảy vọt nên cơ thể cần được cung cấp mức tổng dinh dưỡng với nồng độ canxi lớn nhất để tạo cho cơ thể có sự nhảy vọt về chiều cao.

Nếu đạt được chiều cao tối ưu trong giai đoạn này, chiều cao trung bình của trẻ sau này sẽ có một sự thay đổi rất lớn, từ 15-20cm.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên