23/09/2016 11:07 GMT+7

Tỉ lệ trẻ em Mỹ chết vì ung thư giảm 20%

Đ.K.L.
Đ.K.L.

TTO - Do tìm được cách chữa trị tiên tiến căn bệnh ung thư máu, tỉ lệ trẻ em tử vong vì ung thư tại Mỹ giảm đến 20% trong giai đoạn 1999-2014.

Bé Layla cùng cha mẹ và chị gái Reya sau khi chữa khỏi bệnh vào tháng 11-2015 - Ảnh: CBSNews

Trung tâm phòng chống quốc gia về thống kê sức khỏe và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết tỉ lệ tử vong vì ung thư đối với nhóm người từ 1 đến 19 tuổi đã giảm 20%.

Theo thống kê, trong 100.000 người ở độ tuổi này, có 2,28 ca tử vong, giảm xuống từ con số 2,85. Ung thư từ chỗ là tác nhân gây tử vong nhiều thứ tư đối với trẻ em, đã rớt xuống hạng thứ năm.

Nghiên cứu này do giáo sư Sally C.Curtin và các đồng sự thực hiện, lấy số liệu từ Trung tâm thống kê dân số quốc gia. Tác giả viết: "Tỉ lệ tử vong vì ung thư đối với người từ 1 đến 19 tuổi tiếp tục giảm, nhờ vào những tiến bộ trong suốt ba thập kỷ qua".

Thống kê cũng cho biết tỉ lệ con trai mắc ung thư cao hơn con gái 30% và ung thư não trở thành tác nhân gây tử vong hàng đầu, đẩy ung thư máu xuống hàng thứ hai. 

Đối với trẻ em, số ca mới mắc ung thư máu vẫn là nhiều nhất nhưng số tử vong lại giảm. Trong năm 2014, tỉ lệ trẻ em chết vì ung thư não là 0,7/100.000 trong khi ung thư máu chỉ còn 0,6/100.000.

Lý do là vì căn bệnh ung thư máu đã có phương pháp chữa trị tận gốc. Giáo sư Curtis nói: "Cách đây vài thập kỷ, vài dạng ung thư máu là bó tay nhưng nay đã chữa trị được khắp toàn cầu".

Ung thư não chưa được hiểu đúng mức

Nguyên nhân khiến ung thư não trở thành sát thủ hàng đầu ở trẻ em trong tất cả các loại ung thư là vì các nhà khoa học chưa hiểu rõ về căn bệnh này.

Chỉ mới gần đây, họ mới nhận ra rằng ung thư não trẻ em và người lớn là hai dạng hoàn toàn khác nhau nên do đó cần các phương pháp chữa trị khác nhau.

Ngoài ra, do mô não rất khó tiếp cận nên việc chữa trị ung thư gặp nhiều khó khăn. Não được một hàng rào chắc chắn bảo vệ do đó rất ít loại thuốc có thể xuyên qua để tiếp cận khối u.

Trong khi đó, phẫu thuật loại bỏ khối u gặp khó khăn và còn phụ thuộc vào vị trí khối u trong não. Còn phương pháp xạ trị gần như bị loại bỏ vì ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

"Phẫu thuật" gen chữa ung thư máu

Trường hợp được kể nhiều nhất đó là bé Layla Richard bị chẩn đoán mắc ung thư máu khi 14 tuần tuổi nhưng đã khỏi bệnh hẳn. Layla Richard cũng là bé đầu tiên được dùng phương pháp này để chữa trị, trước đó chỉ mới thử nghiệm trên chuột.

Các bác sĩ dùng một dụng cụ đặc biệt có thể thao tác ở cấp độ phân tử, cắt ghép đoạn gen có khả năng chống ung thư vào các tế bào T - loại tế bào miễn dịch chuyên chống nhiễm trùng và đánh bật các bất thường trong cơ thể. Với "thiết kế" mới, tế bào T - vốn thường bị các thuốc ung thư giết chết - trở nên "vô hình" trước tất cả các loại thuốc.

Sau đợt chữa trị này, hệ miễn dịch của Layla rất yếu nên cô bé phải nằm trong phòng cách ly vài tháng. Đến khi sức khỏe ổn định trở lại và cơ thể hoàn toàn sạch tế bào ung thư, các bác sĩ thực hiện ghép tủy cho bé để làm mới toàn bộ hệ thống máu và miễn dịch.

Đ.K.L.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên