12/09/2016 11:32 GMT+7

Tưởng đau họng, ai ngờ viêm xoang

 LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TTO - Nhiều bệnh nhân có những triệu chứng như bị viêm họng mãn tính đi chữa hoài không khỏi, chỉ đến khi được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám mới phát hiện bị viêm xoang.

Bệnh nhân được nội soi mũi xoang tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM để chẩn đoán bệnh - Ảnh: L.TH.H.
Bệnh nhân được nội soi mũi xoang tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM để chẩn đoán bệnh - Ảnh: L.TH.H.

Những bệnh nhân này trước đó thường được bác sĩ chẩn đoán bị trào ngược dạ dày thực quản, viêm amiđan hoặc viêm họng.

Cứ tưởng là viêm họng

Tại phòng nội soi mũi xoang Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, ngày nào cũng rất đông bệnh nhân được bác sĩ cho nội soi mũi xoang kiểm tra và kết quả là bị viêm xoang. Trong đó không ít người từng đi khám bệnh lòng vòng ở bác sĩ tư và được chẩn đoán viêm họng, viêm amiđan hoặc trào ngược dạ dày thực quản.

Như trường hợp của anh C.T.T. (29 tuổi, TP.HCM), bị viêm xoang do dị ứng đã hàng chục năm nay. Cứ mỗi sáng thức dậy anh T. lại bị ngứa mũi, nhảy mũi liên tục khoảng 30 phút. Ngoài ra, khi thời tiết chuyển mùa, thay đổi thất thường, khi hít phải mùi lạ, mùi nồng, anh cũng bị nhảy mũi, hắt xì liên tục và chảy mũi khiến anh cứ sụt sịt.

Để hạn chế những khó chịu này, ngày nào anh T. cũng phải tự làm sạch mũi xoang bằng nước muối sinh lý. Lần này do trong dịch họng và mũi chảy ra có chút máu nên anh đi khám ở Bệnh viện Tai mũi họng TP, được nội soi kiểm tra và bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm xoang.

Theo anh T., ban đầu anh bị đau họng, vướng cổ, khạc đàm và đi khám ở nơi khác thì được chẩn đoán bị viêm họng.

Theo TS.BS Trần Trọng Uyên Minh - phó khoa mũi xoang Bệnh viện Tai mũi họng TP, người ta có bốn cặp xoang, gồm xoang hàm, xoang sàng, xoang trán và xoang bướm.

Thông thường khi bị viêm xoang người bệnh có một hoặc nhiều triệu chứng ở mũi là ngứa mũi, nghẹt mũi, nhảy mũi và sổ mũi (chảy mũi).

Chảy mũi có hai dạng là chảy mũi trước và chảy mũi sau. Nếu nước mũi chảy ra phía trước bệnh nhân dễ nhận biết, nếu chảy mũi sau dịch tiết sẽ chảy xuống họng gây triệu chứng ở họng nên nhiều bệnh nhân không xác định được bệnh chính ở đâu.

Tại bệnh viện có khá nhiều bệnh nhân đến khám bệnh với lý do đau họng, vướng cổ, rát cổ, ho, khàn tiếng nhẹ và được bác sĩ nơi khác chẩn đoán viêm amiđan, viêm họng hoặc trào ngược dịch dạ dày thực quản.

Sau đó qua hỏi bệnh kỹ, nội soi mũi xoang kiểm tra, bác sĩ của bệnh viện xác định những triệu chứng xảy ra ở họng bệnh nhân thực tế là do viêm xoang.

Bệnh ở xoang, triệu chứng ở họng

Theo bác sĩ Minh, viêm xoang dễ bị bỏ qua thường là các dạng viêm xoang đặc biệt do triệu chứng không thể hiện ở mũi mà lại ở họng.

Do triệu chứng đau họng, vướng cổ, rát cổ, ho, khàn tiếng nhẹ nên không chỉ bệnh nhân nghĩ mình bị viêm họng mà cả bác sĩ nếu không hỏi bệnh kỹ, thiếu kinh nghiệm hoặc không phải chuyên khoa tai mũi họng cũng có thể chẩn đoán sai.

Tuy nhiên, việc chẩn đoán các dạng viêm xoang này không khó nếu bác sĩ có nghĩ đến và bệnh nhân hợp tác tốt khi kể bệnh, khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng (chụp X-quang, nội soi, CT-scan).

Thực tế có không ít bệnh nhân mô tả triệu chứng bệnh không rõ ràng, chính xác do triệu chứng ở mũi nhẹ nhàng hơn triệu chứng ở họng.

Ví dụ nếu bị viêm xoang, bệnh nhân sẽ hơi ê ở mặt, hơi nghẹt mũi, chảy mũi nhưng vì triệu chứng này quá ít nên bệnh nhân cứ nói là mũi bình thường khiến cho bác sĩ không hướng tới chẩn đoán viêm xoang mà chăm chú vào họng.

Ngoài ra, có khi bác sĩ nghĩ tới viêm họng do viêm xoang nên cho chụp X-quang, nội soi kiểm tra thì bệnh nhân không hợp tác và thắc mắc “chỉ đi khám họng sao lại phải làm nội soi mũi, chắc là muốn làm bệnh nhân tốn tiền”.

Cũng có trường hợp bác sĩ không cho chụp X-quang xoang và nội soi mũi xoang mà cho chụp luôn CT-scan, khi nghi ngờ xoang nhiễm nấm hoặc xoang có dị vật, nhưng người bệnh không chịu đi chụp CT-scan ngay từ đầu.

Trong những trường hợp này, nếu giải thích hết lời mà bệnh nhân vẫn không hợp tác, bác sĩ thường cho dừng lại việc xét nghiệm, nội soi, chụp CT-scan và cho toa thuốc theo bệnh lý viêm họng, viêm amiđan theo ý bệnh nhân.

Theo bác sĩ Minh, viêm xoang dễ bị bỏ qua thường là dạng viêm do nấm, do sâu răng hoặc do có dị vật trong xoang (khi bệnh nhân đi trám răng, trồng răng giả có thể bị mảnh dị vật nhỏ rơi vào xoang).

Khi xác định viêm xoang do răng sâu thì cần đi điều trị răng, nhổ răng rồi sau đó điều trị viêm xoang sẽ hết bệnh. Nếu do nấm hay do dị vật thì phẫu thuật nội soi để lấy nấm, dị vật ra.

Viêm xoang bị bỏ qua có thể tái phát khi nguyên nhân gây bệnh xuất hiện trở lại. Để phòng ngừa viêm xoang do răng sâu cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách.

Viêm xoang do nấm khó phòng ngừa vì môi trường luôn có bào tử nấm, khi hít phải bào tử nấm có thể chui vào và kẹt trong xoang. Viêm xoang do dị vật khi làm răng cũng khó tránh khỏi vì phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ và cấu trúc xoang của bệnh nhân.

Biến chứng nếu điều trị sai

“Khi bị viêm họng do viêm xoang, bệnh nhân thường có triệu chứng đau họng, vướng cổ, rát cổ, ho, khàn tiếng nhẹ và bệnh sẽ không hết nếu chỉ điều trị những triệu chứng đó” - TS Minh nói.

Ngoài ra vẫn còn không ít bệnh nhân khi có các triệu chứng ở họng nói trên đã tự mua thuốc điều trị theo hướng viêm họng.

Điều này rất nguy hiểm vì bệnh chính không được điều trị dẫn đến viêm xoang kéo dài âm ỉ, gây biến chứng nặng khó lường như gây viêm màng não (hiếm gặp), viêm tai giữa, dịch xoang đổ xuống lâu ngày mà cứ điều trị theo hướng amiđan thì dịch xoang sẽ kích thích họng nổi hạt hơn và gây viêm họng hạt mãn tính.

Nếu dịch xoang chảy sâu xuống nữa sẽ gây viêm thanh quản, khàn tiếng và viêm khí phế quản.

Ngoài ra, bị viêm xoang do nấm cần phải mổ mà cứ uống thuốc điều trị họng không những hết tiền mà bệnh còn nặng thêm vì nấm có thể xâm lấn làm ảnh hưởng tới mắt, gây giảm thị lực.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên