09/09/2016 10:27 GMT+7

Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến chỉ số xương xốp

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Ngày 9-9, nhóm nghiên cứu xương và cơ thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã công bố kết quả nghiên cứu mới về xương xốp.

Theo đó lần đầu tiên trên thế giới, họ phát hiện phân nửa sự khác biệt về chỉ số xương xốp (Trabecular Bone Score - TBS) giữa các cá nhân chịu sự tác động của các yếu tố di truyền và mức độ ảnh hưởng này tương đương với hệ số di truyền của mật độ xương. 

Công trình vừa được công bố trên Bone, một tạp chí hàng đầu thế giới về loãng xương (chỉ số impact factor là 3.736 theo ISI và h-index là 160 theo SJR).

Theo nhóm nghiên cứu, trong cơ thể người có hai loại xương chính là xương xốp và xương đặc (xương xốp chiếm khoảng 20%, phần còn lại là xương đặc). Xương xốp tiêu biểu là xương cột sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy TBS có giá trị cao trong tiên lượng nguy cơ gãy xương ở người cao tuổi. Tuy nhiên, các yếu tố có ảnh hưởng đến TBS vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. 

Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, chủ trì công trình nghiên cứu VOS (Vietnam Osteoporosis Study), cho biết: "Loãng xương là một vấn đề y tế lớn ở VN. Mỗi năm có hơn 10.000 người bị gãy cổ xương đùi, và trong số này có đến 20% tử vong sau 12 tháng bị gãy xương.

Để tiên lượng gãy xương trên một cá nhân chúng ta vẫn quen dùng mật độ xương. Tuy nhiên các dữ liệu gần đây cho thấy mật độ xương vẫn chưa phải là chỉ số hoàn hảo để đánh giá nguy cơ gãy xương; và TBS nổi lên mới đây như một công cụ mới giúp tiên lượng gãy xương chính xác hơn.”

Trong nghiên cứu VOS, nhóm nghiên cứu này đã thiết kế mô hình phả hệ, đo mật độ xương tại xương cột sống thắt lưng bằng máy Hologic Horizon ở 556 nữ và 189 nam trong 265 gia đình được tuyển chọn ngẫu nhiên từ TP.HCM.

Ngoài ra nghiên cứu còn tìm thấy mối liên quan giữa TBS và mật độ xương cũng chịu sự tác động của yếu tố di truyền. 

GS. Nguyễn Văn Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết việc phát hiện ảnh hưởng di truyền lên tương quan giữa mật độ xương và TBS có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu loãng xương. Điều này cho thấy hai yếu tố mật độ xương và TBS có thể có chung một số biến thể di truyến phổ biến.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên