08/09/2016 08:04 GMT+7

“Tiểu đường bùng phát, ngành y có chịu trách nhiệm?”

TTO - Câu hỏi trên do một cụ ông 79 tuổi đặt ra trong ý kiến gửi đến tòa soạn dưới đây. Thông qua Tuổi Trẻ, hai bác sĩ chuyên khoa đã trả lời câu hỏi này hầu bạn đọc.

Tăng cường tập thể dục, ăn uống hợp lý và giảm cân để bệnh đái tháo đường thoái lui. Trong ảnh: nhiều người đi bộ để rèn luyện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật - Ảnh: Duyên Phan
Tăng cường tập thể dục, ăn uống hợp lý và giảm cân để bệnh đái tháo đường thoái lui. Trong ảnh: nhiều người đi bộ để rèn luyện sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật - Ảnh: Duyên Phan

Hiện nay, tỉ lệ dân chúng mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam xếp vào loại cao nhất thế giới và ngày càng trẻ hóa.

Ngành y tế trong nước chỉ làm nhiệm vụ khám, phát hiện bệnh và bán thuốc để hạn chế bệnh tăng nặng mà thôi, chứ chưa hề tiến hành nghiên cứu nhằm sản xuất ra thuốc ngừa bệnh tiểu đường.

Tổ chức y tế (Tây y) tuyên bố rất rõ rằng: bệnh tiểu đường không có thuốc ngừa, và cũng không có thuốc chữa khỏi, người bệnh phải sống chung với nó suốt đời; đồng thời khuyên dân chúng phòng ngừa bệnh theo phương pháp sống lành mạnh trong sinh hoạt.

Thế nhưng, hiện có không ít lang y dùng thuốc nam chữa trị khỏi hẳn bệnh tiểu đường cho khá nhiều người, còn các tổ chức y tế thuộc Tây y thì coi như không biết đến thực tế này. Và y học cũng chẳng quan tâm nghiên cứu đến nó!

Vì quyền lợi sức khỏe và sinh mạng người dân, tôi mạnh dạn bày tỏ những suy nghĩ, những kỳ vọng của mình đến với các tổ chức y tế, với những chuyên gia ngành y đáng kính vài điều vắn tắt như sau:

Thực tế cho thấy trong xã hội có hai nhóm người không hoặc rất hiếm mắc bệnh tiểu đường típ 2. Đó là nhóm người hoạt động thể thao và nhóm người lao động nặng nhọc, gồm công nhân và nông dân.

Phải chăng vì nghề nghiệp buộc cơ thể họ hằng ngày phải xuất ra nhiều mồ hôi đã vô tình một cách may mắn giúp đào thải được ra khỏi cơ thể “chủng loại độc tố chuyên phá hủy tuyến tụy” (khiến không sản sinh được insulin) mà chúng vốn không bị đào thải theo hệ thống phân, nước tiểu như những độc tố thông thường khác?

Nếu quả đúng như thế thì y học không khó để xác định bản chất các chủng độc tố đó, rồi cũng không quá khó để bào chế ra thuốc hóa giải chúng: tức là thuốc ngừa tiểu đường. Những bài thuốc nam có được từ kinh nghiệm lâu đời sẽ giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu.

Dân chúng mong mỏi y học quan tâm đến vấn đề này cũng như tha thiết kỳ vọng vào các bậc chuyên gia y tế tài năng sớm nghiên cứu thành công đề tài tuy nhỏ nhưng mang lại hạnh phúc và sinh mạng cho hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.

K.Q. (TP.HCM)

Chủ quan để biến chứng thì đã muộn

Một số ý kiến cho rằng thầy lang dùng thuốc nam có thể chữa khỏi bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) cho một số người.

Hiểu nhầm này có thể lý giải là do bệnh ĐTĐ típ 2 có nhiều giai đoạn, đặc biệt giai đoạn đầu chức năng tế bào beta tuyến tụy chưa giảm nhiều, với việc thay đổi chế độ sinh hoạt (tăng vận động, giảm chất bột, đường) thì đường huyết có thể ổn định trong một thời gian mà không cần dùng thuốc.

Hoặc một số thuốc nam có tác dụng làm kích thích tuyến tụy tiết ra thêm insulin nên đường huyết ổn định hơn (suy đoán chứ chưa có bằng chứng).

Tuy nhiên, khi ĐTĐ lâu năm, đường huyết quá cao thì không có thuốc nam nào có thể đưa đường huyết về mức bình thường được mà phải dùng thuốc Tây y, thậm chí phải chích insulin để giảm đường huyết.

Một số bệnh nhân chủ quan nghĩ rằng thuốc nam có thể chữa khỏi bệnh ĐTĐ nên không theo dõi trong một thời gian dài, đến khi sức khỏe suy giảm, có biến chứng ĐTĐ thì đã muộn...

Ths.BS Huỳnh Tấn Đạt
(Bộ môn nội tiết Trường đại học Y dược TP.HCM)

Không thể chữa dứt bệnh tiểu đường

Đọc thư của ông, tôi thấy có nhiều điều thú vị, mặc dù những gì ông đề cập chưa hẳn là chính xác.

Tôi đồng ý với ông là Việt Nam đang có tốc độ phát triển bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) típ 2 thuộc hàng nhanh nhất thế giới, và hiện nay tỉ lệ ĐTĐ ở nước ta là 5,5% dân số.

Tuy nhiên từ năm 2008, Bộ Y tế đã đề xuất với Chính phủ về các chương trình phòng chống bệnh không lây, trong đó có ĐTĐ, chứ không phải như ông đề cập là chỉ biết “khám, phát hiện bệnh và bán thuốc”.

Theo y văn, bệnh ĐTĐ đã được phát hiện hơn 2.000 năm về trước, từ thời Hippocrate. Tuy nhiên, những thành tựu rực rỡ nhất về bệnh ĐTĐ chỉ mới có khoảng 100 năm trở lại đây, nhất là từ sau khi sản xuất được thuốc insulin và máy đo đường huyết cá nhân.

Có hơn 10 nhà khoa học được lãnh giải Nobel liên quan đến lĩnh vực ĐTĐ, nhưng rất tiếc là hiện nay ĐTĐ vẫn là căn bệnh chưa thể điều trị khỏi dứt điểm vì cơ chế bệnh sinh phức tạp.

Mặc dù là không thể chữa dứt trong thời điểm hiện tại nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khống chế căn bệnh này. Trong tương lai, chúng ta có thể kỳ vọng chữa dứt ĐTĐ nhờ phương pháp cấy tế bào gốc, hoặc loại thuốc nào đó làm phục hồi số lượng tế bào bêta tụy, mặc dù điều đó còn xa vời!

Hiện nay để khống chế bệnh ĐTĐ, có 2 phương pháp: chính thống và không chính thống.

Phương pháp chính thống là: thay đổi lối sống (chế độ ăn uống, tập luyện thể lực, giảm cân thừa) và dùng thuốc tân dược hay Tây y.

Thuốc Tây y có nhiều loại khác nhau theo từng cơ chế sinh bệnh, có thể dùng riêng lẻ hoặc phối hợp. Nhưng cuối cùng, đến một lúc nào đó vẫn phải dùng đến insulin như là vũ khí trị bệnh bao trùm mọi cơ chế sinh bệnh.

Phương pháp điều trị không chính thống bao gồm: dùng thảo dược, khoáng chất, vitamin và châm cứu.

Hiện trên thế giới có khoảng 400 loại thảo dược và khoáng chất có khả năng kiểm soát đường huyết. Tùy theo vùng địa lý mà mỗi quốc gia hay khu vực có bài thuốc riêng.

Các bài thuốc này chỉ loanh quanh trong các cơ chế mà phương pháp điều trị chính thống đã biết như: tăng tiết insulin, giảm đề kháng insulin, tăng cường dự trữ đường ở gan và cơ, giảm hấp thu đường từ ruột... Và chưa có loại thảo dược nào có khả năng làm phục hồi số lượng tế bào bêta tụy, dù là dùng riêng lẻ hay phối hợp.

Những trường hợp hiểu nhầm là dứt bệnh có thể là ĐTĐ do đề kháng insulin. Trường hợp này nếu người bệnh tăng cường tập thể dục + ăn uống chế độ hợp lý + giảm cân thừa thì bệnh có thể thoái lui (đường huyết ổn định mà không cần uống thuốc).

Tuy nhiên, trường hợp này nếu người bệnh không tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện nói trên thì bệnh sẽ quay lại.

Nói tóm lại, các phương pháp điều trị không chính thống đã được áp dụng hàng ngàn năm qua và cho đến hiện nay trên thế giới chưa có trường hợp nào được báo cáo là chữa dứt điểm bệnh ĐTĐ bằng phương pháp này.

BSCK1 NGUYỄN THANH HẢI
(Khoa nội tiết Bệnh viện Trưng Vương)

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên