22/08/2016 09:10 GMT+7

Luyện mắt có chữa được cận thị?

 THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Nhiều trang web, Facebook đang quảng cáo “bỏ kính không cần phẫu thuật”, “chữa các tật về mắt chỉ bằng tập luyện”, “tự chữa cận thị và loạn thị”... Liệu những lời quảng cáo này có đáng 
tin cậy?

Nhân viên Hà Vy tư vấn luyện tập mắt - Ảnh: T.DƯƠNG
Nhân viên Hà Vy tư vấn luyện tập mắt - Ảnh: T.DƯƠNG

Tôi và con gái có mặt ở một “trung tâm” tập luyện mắt. Gọi là “trung tâm” nhưng thực ra chỉ là một căn hộ trên tầng 15 của một tòa nhà trên đường Tôn Đản, Q.4, TP.HCM. Bên ngoài “trung tâm” chỉ có một biển hiệu “Mắt sáng học đường”.

13 độ cũng hết cận?

Tại trung tâm có vài nhân viên đang làm việc trên máy vi tính. Khi biết chúng tôi đến để được tư vấn tập luyện mắt, một nam nhân viên hỏi mắt con gái tôi cận bao nhiêu độ, sau đó bảo con gái tôi đứng trước bảng vòng tròn hở để kiểm tra thị lực. Kiểm tra xong, nam thanh niên này dẫn con tôi vào một phòng bên trong để được tư vấn.

Cô nhân viên tư vấn tự giới thiệu tên Hà Vy. Cô cầm kết quả mới đo thị lực của con gái tôi và thông báo thị lực con tôi bị lệch, một mắt kém đi rất nhiều.

Thị lực lệch làm vai của con tôi bị lệch, nặng hơn sẽ bị hiếng và lác. Cô này khoe ở ngoài Hà Nội, bằng cách luyện tập mắt, trung tâm giúp một bạn 12 tuổi cận loạn 13 độ nhưng nay không cần phải đeo kính nữa.

Cô này còn nói có nhiều người bị cận 6, 7, 8 độ nhờ tập luyện nên có đôi mắt sáng lại bình thường. Cô kể trước đây cô cũng bị cận 1,75 độ nhưng nhờ tập luyện mà giờ đứng ở 5m nhìn được 12/10, trong khi một đôi mắt khỏe mạnh chỉ nhìn được 10/10.

Khi chúng tôi hỏi phương pháp này là phương pháp gì thì cô Vy cho biết đây là phương pháp kết hợp thiền, yoga và khí công y đạo. Chỉ sau 15 phút tập luyện sẽ thấy rõ mắt sẽ được cải thiện như thế nào. Cô Vy khẳng định nếu con gái tôi quyết tâm về nhà tập luyện, tỉ lệ bỏ kính sẽ rất cao.

Cô nhấn mạnh từ 6-18 tuổi là độ tuổi cải thiện thị lực nhanh nhất cũng như suy giảm nhanh nhất.

Sau đó, cô Vy trực tiếp hướng dẫn con tôi tập, đầu tiên là để tay trên rốn, hóp bụng vào, nở bụng ra, khi nở bụng ra thì hít một hơi vào, thở ra hóp bụng vào... Bài tập này được cho là cải thiện lưng xương sống, đào thải độc tố ra ngoài và chỉ thở thôi cũng làm cho mắt mình sáng.

Bài tập tiếp theo đưa hai tay về phía trước, xoa hai lòng bàn tay, đưa lên mắt để cảm nhận hơi ấm của lòng bàn tay lên mắt của mình. Hít vào thì mắt nhìn lên trần nhà, thở ra mắt nhìn xuống dưới sàn nhà, đầu giữ nguyên chỉ liếc mắt. Đưa ngón cái để lên đầu mũi, tay di chuyển về phía trước, mắt nhìn lên đầu ngón tay...

Tập xong, con gái tôi được đo lại thị lực mắt như lúc mới đến. Cô thông báo sau 15 phút luyện tập thị lực hai mắt tốt lên rất nhiều. “Lúc đầu chỉ nhìn xa được 2m, giờ là 3m. Nếu tập luyện chăm chỉ để nhìn xa được 5m là có thể bỏ kính” - cô Vy hồ hởi nói.

Theo cô Vy, hiện “trung tâm” có các khóa học kéo dài 200 buổi, 100 buổi, 50 buổi, 25 buổi, ngắn nhất là 12 buổi. Với tình trạng thị lực của con gái tôi, cô Vy tư vấn nên học khóa 50 buổi. Khóa học có giá hơn 18 triệu đồng, nhưng nếu đăng ký luôn trong ngày sẽ được giảm còn 15 triệu đồng.

Chưa được chấp nhận để điều trị

Bác sĩ Phạm Nguyên Huân, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào đăng tải hoặc chấp nhận phương pháp luyện tập cơ (vận nhãn) để điều trị tật khúc xạ ở mắt.

Vậy tại sao sau khi tập luyện bằng một số động tác như nhìn từ mũi lên trần nhà, nhìn vào ngón tay cái di chuyển theo 90 độ thì mắt của trẻ có cải thiện hơn khi nhìn vào bảng vòng tròn hở?

Theo bác sĩ Huân, bảng chữ C khuyết gọi là bảng thị lực Landolt C (bảng vòng tròn hở). Bài tập luyện mắt như mô tả nêu trên có thể là một hình thức xác định biên độ điều tiết (phương pháp Donders).

Một trong những cách đó là điều tiết đơn thị, khi làm động tác này nhiều thì điều tiết nhiều, làm co đồng tử, dẫn đến làm gia tăng khoảng nhìn rõ trên võng mạc mắt. Một số trường hợp cận thị thoáng qua do nhìn gần hoặc rối loạn điều tiết có thể có lợi khi sử dụng phương pháp này.

Bác sĩ Huân khuyên bệnh nhân bị tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) nên được khám và theo dõi ở cơ sở chuyên khoa mắt, theo dõi mỗi 6 tháng.

Trong công việc, học hành cũng phải có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Phụ huynh nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, trong điều kiện áng sáng tự nhiên để có thể hạn chế tiến triển của tật khúc xạ.

Đọc trên Facebook, đưa con đi tập thử

Sáng 6-8, tại lớp học “Mắt sáng học đường” có một buổi tập luyện cho khoảng 7 bé có tật khúc xạ mắt - cận thị. Hầu hết các bé từ 9-11 tuổi.

Có bé tập luyện trên 5 buổi, có bé mới tập luyện ngày đầu tiên. Sau khi kết thúc buổi học, phụ huynh và các bé dường như rất trông chờ được thấy sự thay đổi.

Chị Nga, có hai con (một bé học lớp 5, một bé học lớp 7) đều bị cận thị từ 2 - 3 độ. Chị mới đăng ký cho hai bé học buổi đầu tiên. Chị chia sẻ: “Bé muốn đi học để đá banh không đeo kính, học xong nhìn thấy rõ hơn chút thì mừng lắm.”

Thấy thông tin về phương pháp này trên Facebook, chị đăng ký tư vấn ngay. Chị muốn dành những gì tốt nhất cho con nên cũng thử chứ không biết có hiệu quả thật không.

Chị T. (huyện Bình Chánh) kể ngày 6-8 là ngày đầu tiên chị đưa bé 5 tuổi đi nghe tư vấn. Khi thấy thông tin trên Facebook, chị điện thoại đăng ký đặt lịch chứ cũng không biết rõ thế nào.

Nhìn những tấm ảnh trên tường treo tại “trung tâm”, chị thấy “những động tác này giống động tác yoga chị thường tập, nhưng sợ mấy bé còn nhỏ quá không tập đúng”. Còn chuyện mắt tốt hơn hay không thì chị “cũng không biết được”.

Anh Nhiên

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên