15/08/2016 17:39 GMT+7

Đề xuất "châm chước" điểm chuẩn ngành y để thêm bác sĩ

CHÍ QUỐC - THÙY TRANG
CHÍ QUỐC - THÙY TRANG

TTO - Thiếu bác sĩ, bác sĩ bỏ việc lại là câu chuyện “nóng” tại hội nghị về đào tạo nhân lực y tế vùng ĐBSCL năm 2016 do Trường đại học Y dược Cần Thơ tổ chức ngày 15-8.

Ông Từ Quốc Tuấn, giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết dù tỉnh đã dùng biện pháp trì hoãn nhưng  nhiều bác sĩ vẫn “dứt áo ra đi” khỏi bệnh viện công - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Từ Quốc Tuấn, giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết dù tỉnh đã dùng biện pháp trì hoãn nhưng nhiều bác sĩ vẫn “dứt áo ra đi” khỏi bệnh viện công - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý không vì câu chuyện thiếu bác sĩ mà chạy theo chỉ tiêu đào tạo, bỏ qua chất lượng đào tạo.

Ngành hiếm: đã thiếu, còn sắp… nghỉ hưu

Thạc sĩ Nguyễn Minh Phương, trưởng phòng đào tạo đại học Trường đại học Y dược Cần Thơ, nêu thực trạng qua khảo sát của trường tại 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cho thấy có 152 bác sĩ đang làm việc tại 5 chuyên ngành hiếm (giải phẫu bệnh, lao, phong, pháp y, tâm thần), nhưng điều “bi kịch” là trong khoảng bốn năm nữa thì có đến 50% số bác sĩ này sẽ nghỉ hưu.

Đáng nói hơn, toàn vùng có 13 trung tâm pháp y nhưng chỉ có... 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y (Bến Tre 1 bác sĩ, Cà Mau 2 bác sĩ, Tiền Giang 1 bác sĩ), có 8 bệnh viện lao và bệnh viện phổi nhưng số bác sĩ chuyên ngành cũng rất ít, nhiều tỉnh chỉ có từ 1 - 5 bác sĩ.

Tỉnh Kiên Giang không có bác sĩ chuyên ngành lao, có 5 tỉnh không có bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh phục vụ cho khoa ung bướu của bệnh viện tuyến tỉnh.

Bà Phương nói từ thực trạng trên trong năm 2015 và 2016 Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Trường đại học Y dược Cần Thơ làm việc với Bộ Giáo dục - đào tạo, Bộ Y tế để được giao chỉ tiêu đào tạo năm chuyên ngành hiếm và được giao 150 chỉ tiêu cho năm 2015.

Ông Nguyễn Minh Tùng, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho biết đầu năm 2017 tỉnh đưa vào hoạt động hai bệnh viện chuyên lao và tâm thần nhưng nhân lực cho hai bệnh viện này thì không đáp ứng.

Cụ thể, Bệnh viện Lao có quy mô 100 giường, cần 115 bác sĩ, trong đó bác sĩ chuyên khoa lao từ 25-30 bác sĩ. Còn Bệnh viện Tâm thần quy mô 80 giường, cần 20 bác sĩ nhưng hiện tại toàn tỉnh mới có hai bác sĩ, trong đó năm tới nghỉ một bác sĩ trong số này.

Bà Cao Mỹ Phượng, giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, nêu thực tế các thí sinh không mặn mà học các chuyên ngành hiếm, thậm chí “chấp nhận thi lại một năm” để học chuyên ngành khác. Năm rồi do chỉ tiêu bác sĩ ngành hiếm không đạt, sở “kêu lên kêu xuống” mấy lần các em cũng nhất quyết không chịu học.

Bà Phượng nêu giải pháp ngoài việc hạ điểm chuẩn thấp hơn một chút so với hiện tại để các thí sinh dễ lựa chọn hơn, riêng Sở Y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh Trà Vinh có chính sách hỗ trợ học phí để khuyến khích các em theo học.

Ông Trương Hoài Phong, giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, đồng tình khi cho rằng nếu bác sĩ đa khoa lấy điểm chuẩn 22 điểm thì nên châm chước hạ khoảng 20,5 - 21 điểm cho các em theo học.

Nhiều vấn đề tồn tại của ngành y tế ĐBSCL đã được mổ xẻ tại hội nghị ngày 15-8 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Nhiều vấn đề tồn tại của ngành y tế ĐBSCL đã được mổ xẻ tại hội nghị ngày 15-8 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Lo “chảy máu” bệnh viên công sang tư

Bác sĩ đã thiếu, câu chuyện bác sĩ bỏ bệnh viện công sang làm ở các bệnh viện tư cũng là vấn đề khiến nhiều lãnh đạo ngành y tế ĐBSCL tỏ ra “đau đầu” tại hội nghị.

Ông Vương Phương Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết hiện tỉnh có 14 - 15 bác sĩ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư đã tạo áp lực lớn cho các bệnh viện công trong thời gian gần đây. Và theo ông, vấn đề khám chữa bệnh và thủ tục bảo hiểm y tế trung ương chuyển về chậm đã làm “các bệnh viện gặp nhiều khó khăn”.

Ông Từ Quốc Tuấn, giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cũng nêu thực trạng thu nhập ở bệnh viện công nếu tính chính sách thu hút luôn chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng, trong khi ra bệnh viện tư thì thu nhập hấp dẫn hơn nhiều nên một số bác sĩ sẵn sàng rời khỏi bệnh viện công.

Ông Tuấn cũng thừa nhận có một số trường hợp bác sĩ xin nghỉ, tỉnh đã trì hoãn nhưng họ vẫn nhất quyết ra đi, thậm chí tại tỉnh có ba trường hợp sẵn sàng bồi thường kinh phí đào tạo để ra đi.

Ông Tuấn cũng nêu thực trạng sinh viên tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM có năm về tỉnh 1 - 2 trường hợp, có năm không có trường hợp nào. Còn sinh viên tốt nghiệp Đại học Y dược Cần Thơ cũng về rất ít. Nếu có chịu về tỉnh thì cũng chỉ chọn các bệnh viện “hot” như Tim mạch, Đa khoa trung tâm…, không chịu về tuyến huyện.

Vì vậy, theo ông Tuấn, giải pháp trước mắt vẫn là “bấu víu” vào việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng mà ông cho rằng cần tiếp tục duy trì hình thức đào tạo này thêm một thời gian nữa.

Ông Lê Hùng Dũng, phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng thiếu bác sĩ là câu chuyện “hết sức bức xúc” của vùng ĐBSCL, phải chăm lo công tác đào tạo nhưng không vì thế mà “thả nổi” chất lượng đào tạo, vì theo ông “ngành này khác ngành khác, nó liên quan tới sức khỏe và sinh mạng con người”.

Về việc thu hút bác sĩ, ông Dũng cho rằng phải chú ý cả môi trường, điều kiện làm việc của họ khi về nơi công tác, “chứ đào tạo ra trường rồi mà về bệnh viện chỉ có một máy huyết áp thì cũng không phát huy được. Đó là chưa nói tới môi trường “mềm”. Cái này rất quan trọng, phải hết sức chú ý”.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết toàn tỉnh hiện còn khoảng 70 xã không có bác sĩ nên việc thực hiện chỉ đạo về bác sĩ gia đình của Bộ Y tế là rất khó.

Theo Sở Y tế Kiên Giang, từ trước đến nay chưa có sinh viên nào tốt nghiệp bác sĩ hệ chính quy về làm ở tuyến xã, trong khi chương trình đào tạo theo địa chỉ cũng chỉ phân bác sĩ tới tuyến huyện mà thôi.

“Một xã mà không có một bác sĩ nữa thì làm sao thực hiện bác sĩ gia đình. Nếu đào tạo theo địa chỉ phân tới tuyến xã mà thực hiện bác sĩ gia đình thì tốt”, đại diện Sở Y tế Kiên Giang nói.

 

CHÍ QUỐC - THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên