26/07/2016 14:39 GMT+7

​Khi nào thực sự mổ... nhầm?

Bác sĩ TĂNG HÀ NAM ANH
Bác sĩ TĂNG HÀ NAM ANH

TTO - Dư luận lại xôn xao với hai câu chuyện mổ nhầm tại hai bệnh viện ở hai đầu đất nước. Tuy cả hai đều mổ nhầm nhưng một ca không phải sai sót y khoa. Tại sao như vậy?

Trước hết chúng ta cần hiểu một số nguyên tắc của ngành y. Có hai nguyên tắc cơ bản, một là khi bệnh nhân lâm nguy về tính mạng, bác sĩ phải cứu bệnh nhân trên tinh thần còn nước còn tát.

Hai là khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ bệnh nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng, thì dù chưa chắc chắn, các bác sĩ cần chẩn đoán và điều trị như thể bệnh nhân đang mắc bệnh nặng, đến khi có bằng chứng người bệnh không mắc bệnh này.

Hai nguyên tắc này nhằm giúp bác sĩ cứu được mạng sống của bệnh nhân. Chính nguyên tắc số 2 gián tiếp cho phép bác sĩ chẩn đoán nhầm để kịp thời cứu sống bệnh nhân vì nếu chần chờ có thể bệnh nhân sẽ tử vong.

Khi nào cho phép?

Quay lại câu chuyện mổ từ chẩn đoán viêm ruột thừa thành nang buồng trứng xuất huyết ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cả hai bệnh đều nguy hiểm và có nguy cơ tử vong nếu không được mổ kịp thời.

Trong ổ bụng có rất nhiều cơ quan chen chúc bên nhau, nên khi tổn thương đều có thể biểu hiện thành các triệu chứng giống nhau. Việc chẩn đoán đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm, có các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng thì mới chính xác.

Nhưng dù có đầy đủ điều kiện như trên thì sai sót vẫn xảy ra. Chỉ định mổ trong trường hợp này là đúng và cần thiết vì nếu không mổ, bệnh nhân sẽ tử vong.

Các bác sĩ xử lý tốt thương tổn xuất huyết ổ bụng của nang buồng trứng và cứu sống bệnh nhân. Tường trình phẫu thuật luôn có phần chẩn đoán trước mổ và chẩn đoán sau mổ, cho thấy người ta đã biết giữa chẩn đoán trước và sau mổ có thể khác nhau.

Trong y khoa còn một chỉ định mổ nữa đó là mổ thám sát. Khi các bác sĩ không thể chẩn đoán là bệnh gì thì có thể mổ để chẩn đoán và xử lý luôn. Như vậy, có một số trường hợp cho phép bác sĩ chẩn đoán nhầm nhưng chỉ định mổ đúng và xử lý đúng thương tổn khi gặp.

Và khi không được phép

Con người có những cơ quan gấp đôi, nghĩa là hai bên như nhau ví dụ tay trái và tay phải... Đây là nguồn cơn của các sai sót chẩn đoán và xử lý nhầm bên. Để tránh nhầm lẫn, cần áp dụng các quy trình kiểm tra và đối chiếu.

Trong quy trình này, điều dưỡng và các bác sĩ sẽ kiểm tra chẩn đoán bệnh, vị trí phẫu thuật đúng hay chưa. Êkíp mổ có đúng hay không. Êkíp mổ có xác nhận đã biết rõ bệnh và vị trí mổ, các dụng cụ mổ cần thiết được chuẩn bị sẵn sàng chưa.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình có thể qua loa và hậu quả là việc mổ nhầm vẫn có thể xảy ra. Để giảm thiểu nguy cơ, cần có quy trình đơn giản, được kiểm tra độc lập giữa bác sĩ phẫu thuật, điều dưỡng chuẩn bị bệnh nhân, bác sĩ gây mê.

Đây là quy trình giúp an toàn cho người bệnh nên không cho phép bất kỳ người nào bỏ qua. Song, vì con người bản chất là không hoàn hảo, nên việc mổ nhầm bên tiếp tục xảy ra trên toàn thế giới.

Những thống kê về tỉ lệ mổ nhầm bên ở các nước có nền y khoa tiên tiến khiến nhiều người phải giật mình: lẽ ra với các quy trình an toàn bệnh nhân chặt chẽ như vậy, loại sai sót y khoa này không còn đất sống...

Bác sĩ TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên