07/07/2016 09:19 GMT+7

Gần hết cả nhà bị ung thư gan

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TTO - Khi hỏi kỹ tiền sử gia đình, bác sĩ phát hiện cả gia đình bệnh nhân đều bị viêm gan B.

Bác sĩ Trần Công Duy Long khám cho ông H.T.T. bị ung thư gan sáng 6-7 - Ảnh: L.TH.H.
Bác sĩ Trần Công Duy Long khám cho ông H.T.T. bị ung thư gan sáng 6-7 - Ảnh: L.TH.H.

 

Đó là tình trạng xảy ra cho một gia đình ở tỉnh Khánh Hòa. Theo các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, đây không phải là trường hợp cá biệt trong một gia đình có nhiều người bị ung thư gan và người thân lần lượt tử vong vì bệnh này.

Cả nhà ung thư

Ngày 1-7, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận điều trị ông H.T.T. (40 tuổi, Khánh Hòa) đến khám vì sốt kéo dài mấy ngày, mặt nổi sẩn. Sau khi được làm các xét nghiệm, siêu âm... bác sĩ phát hiện ông T. bị ung thư gan với khối u đã 4,5cm.

Được bác sĩ tư vấn, vợ và hai con của ông T. đi xét nghiệm tầm soát viêm gan B nhưng rất may không ai bị bệnh nên cả nhà đi chích ngừa viêm gan B.

Do khối u đã lớn nên bác sĩ sẽ cắt bỏ khối u cho ông T. và điều trị ung thư gan theo phác đồ.

Ông T. kể ba ông mất vì đột quỵ đã lâu. Cách đây ba năm, mẹ ông mất vì ung thư gan. Một năm sau khi mẹ mất, em trai ông qua đời vì ung thư gan khi mới 37 tuổi. Anh trai của ông T. cũng bị viêm gan B và từng điều trị bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Riêng ông T. biết mình mắc viêm gan B gần 10 năm. Cách đây hai năm, ông T. đến Bệnh viện Đại học Y dược TP khám bệnh, các bác sĩ cho xét nghiệm định lượng virút viêm gan B, chẩn đoán hình ảnh nhưng sau lần khám này ông T. không quay lại tái khám.

Cuối tháng 6-2016 thấy người sốt cao, nổi sẩn nhiều trên mặt, ông T. mới quay lại tái khám và được bác sĩ phát hiện mắc ung thư gan.

Theo PGS.TS Bùi Hữu Hoàng - trưởng khoa tiêu hóa và bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương - phó khoa chẩn đoán hình ảnh, trường hợp gần hết cả nhà bị ung thư gan như gia đình bệnh nhân T. không phải hiếm. Tại bệnh viện từng gặp những trường hợp thương tâm khi gia đình có 5-10 người thì tất cả đều bị ung thư gan và nhiều người trong gia đình bị mất vì bệnh này sau thời gian ngắn được phát hiện do bệnh đã quá nặng.

Đau lòng là nhiều bệnh nhân, trong đó có cả nhân viên y tế, dù biết mình bị viêm gan B nhưng vẫn chủ quan, thờ ơ với sức khỏe không khám, theo dõi bệnh định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần nên khi phát hiện thì cơ hội điều trị tốt nhất đã lỡ mất.

Trong khi nếu biết cách phòng ngừa, tầm soát bệnh sớm thì sẽ ngăn chặn hoặc hạn chế được tiến triển của viêm gan B, không chuyển qua xơ gan hoặc ung thư gan.

Nguyên nhân cả gia đình bị ung thư gan, theo các bác sĩ, là do việc tiêm ngừa viêm gan B trước đây chưa tốt nên khi người mẹ bị viêm gan B không được điều trị, sinh con ra cũng không tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ thì sẽ lây bệnh sang cho con.

Chú ý yếu tố gia đình

PGS Hoàng cho biết ung thư gan có hai loại nguyên phát (phát triển đầu tiên từ gan) và thứ phát (ung thư từ cơ quan khác di căn sang). Ung thư gan nguyên phát thường gặp nhất ở VN và 80-90% trường hợp ung thư nguyên phát do viêm gan B gây ra.

Ngoài ra, viêm gan C, xơ gan do rượu, gan nhiễm mỡ lâu ngày bị xơ hóa, đái tháo đường, ứ sắt trong máu kéo dài nếu không được theo dõi, điều trị cũng có nguy cơ diễn tiến đến ung thư gan (tỉ lệ thấp).

ThS.BS Trần Công Duy Long, phó khoa gan - mật - tụy, cho biết thêm mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khám, điều trị cho khoảng 1.000 ca ung thư gan. Hầu hết bệnh nhân khi được hỏi bệnh sử đều có bệnh viêm gan B hoặc C. Điều đó cho thấy nguyên nhân chính của ung thư gan là viêm gan. Trong khi bệnh này có thể phòng ngừa rất tốt bằng văcxin, với hiệu quả phòng bệnh hơn 90%.

Theo các bác sĩ, viêm gan B lây truyền rất cao qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con với nguy cơ lây nhiễm lên tới 30%, viêm gan C là 3%. Đặc biệt nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con cực kỳ cao (90%) khi mẹ trong lúc mang thai có HbeAg trong máu dương tính và trẻ sau sinh không được tiêm ngừa văcxin viêm gan B.

Lý giải ung thư gan dưới góc độ yếu tố gia đình, bác sĩ Thái Dương cho biết việc cả gia đình ông T. bị viêm gan B, trong đó có ba người bị ung thư gan không phải là hiện tượng đơn lẻ. Đó là những yếu tố giống nhau về type viêm gan B (mẹ nhiễm type nào con cũng bị lây type đó), môi trường lớn lên giống nhau và sức đề kháng theo gen di truyền của cha mẹ thế nào thì con cũng được thừa hưởng gen thế đó.

Theo bác sĩ Thái Dương, với những gia đình có nhiều người bị viêm gan B, đã có người bị ung thư gan thì nên đi khám thường xuyên và kiểm tra gan qua siêu âm để phát hiện sớm bệnh. Khi phát hiện sớm thì việc điều trị đơn giản và ít xâm lấn hơn.

Viêm gan B lây qua đường mẹ sang con, tình dục, đường máu nên cần hạn chế tiếp xúc qua đường máu với người bệnh; không nên sử dụng chung các dụng cụ có thể làm da bị trầy xước như kim chích, dụng cụ cắt móng tay, đồ cạo gió, dao cạo râu, bàn chải đánh răng.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên