25/05/2016 08:11 GMT+7

Con bị stress, cha mẹ nào có hay!

LAN ANH - THÙY DƯƠNG (lananh@tuoitre.com.vn)
LAN ANH - THÙY DƯƠNG (lananh@tuoitre.com.vn)

TTO - Nhiều trẻ bị ép học quá nhiều sẽ dẫn đến sự biến đổi tư duy, thậm chí nhân cách của trẻ khi trưởng thành. Còn trước mắt, trẻ có thể dễ bị trầm cảm, stress, nhưng đáng ngại là không phải phụ huynh nào cũng nhận ra.

Minh họa DADMới đây, một người đàn ông ở Lâm Đồng đưa con trai 11 tuổi đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM khám bệnh với lý do cậu bé này hay ngất xỉu.

Các bậc cha mẹ nên hạn chế việc áp đặt con cái, không xúc phạm con khi con gặp khó khăn, học cách lắng nghe con nói về những khó khăn và cảm xúc của mình, cùng con thảo luận để cùng đưa ra những mục tiêu phù hợp, luôn động viên và đồng hành cùng trẻ vượt qua khó khăn.

ThS.BS PHẠM MINH TRIẾT

Ngất xỉu do sợ thi trượt

Người cha kể những ngày thi cuối năm học vừa qua, con trai ông ngất xỉu 5 lần tại trường học. Khi được bác sĩ tâm lý hỏi chuyện, cậu bé tỏ ra lo lắng về việc học, sợ sẽ thi trượt, kết quả không đạt như ba mẹ mong muốn.

Bác sĩ hỏi trong lớp con đứng thứ bao nhiêu mà lại sợ thi trượt? Cậu bé kể trong lớp có 45 bạn và cậu bé đứng khoảng thứ 20. Cha của cậu bé thừa nhận vợ chồng ông kỳ vọng vào con nên đặt ra những mục tiêu học tập cho con trai.

Bác sĩ điều trị nhận định cậu bé bị áp lực học tập từ phía gia đình và đang bị rối loạn lo âu.

Một bé trai 13 tuổi, ở Đồng Tháp, được gia đình đưa đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám vì sợ đi học. Qua hỏi chuyện, bác sĩ nhận thấy bé trai này học giỏi nhưng trong đợt thi học kỳ có một môn học bị điểm thấp.

Chính điều này làm cho cậu bé luôn cảm thấy lo lắng và sợ đi học. Mỗi khi đến trường, cậu có cảm giác lo lắng, bồn chồn, khó tập trung, có cảm giác sợ bị điểm thấp nên không dám đến trường. Bệnh nhi này cũng được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn lo âu.

Hè 2015 vừa qua, khoa tâm lý lâm sàng Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 nhận một bệnh nhi ở Thanh Hóa. Em đang học lớp 10 trường chuyên và bị áp lực tâm lý nặng nề vì từ khi vào lớp 10, lớp toàn các bạn học sinh giỏi.

“Từ lớp 1 đến lớp 9 em học rất giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp, thậm chí học giỏi nhất trường. Nhưng khi lên lớp 10 em vào trường chuyên, ban đầu em xếp thứ 15, em cố gắng trong buồn chán nhưng càng cố càng tụt, dần dần xếp thứ 20, 30 rồi đứng cuối lớp”- chị Phạm Mai Lan, cán bộ của khoa, cho hay.

Nhiều kiểu áp lực

Theo chị Lan, trẻ gặp áp lực kiểu này là những bé có nhân cách cầu toàn, cái gì cũng muốn tốt, muốn hoàn hảo, trong khi cuộc đời không thể cái gì cũng tốt, cũng hoàn hảo.

Cách đây vài năm, khoa tâm lý lâm sàng đã điều trị một bé học lớp 6, rất ngoan và luôn luôn muốn điều tốt: bạn trêu chọc em cũng không dám trêu lại vì nghĩ đó là hành vi không tốt, đi học chỉ muốn điểm 9-10 mà nếu không được 9-10 thì không vui, buồn chán, cha mẹ cô giáo có trách mắng thì không dám giải thích... Dần dà, em có hành vi phản kháng là “chửi” thầm cha mẹ, cô giáo.

Một kiểu áp lực khác mà trẻ em lứa tuổi học đường gặp là sự bao bọc thái quá của cha mẹ, gia đình, một kiểu nuôi dạy “gà công nghiệp” rất phổ biến trong các gia đình có điều kiện hiện nay.

Bệnh nhân là học sinh nữ lớp 10 ở tỉnh Hải Dương. Gần đây em không nói chuyện với mẹ, luôn nói là ghét mẹ, muốn trao đổi gì với mẹ đều... viết ra giấy, trong khi vẫn nói chuyện bình thường với người xung quanh.

Qua trao đổi với em, các chuyên gia tâm lý được biết mẹ rất bao bọc em, khiến em hầu như không có kỹ năng kết bạn, chơi với bạn, đi xe đạp không vững dù đã học lớp 10. Cách bao bọc của gia đình khiến em trở nên “tồ”, không nói chuyện và kết bạn được với nhiều bạn bè, khiến em xấu hổ và trở nên tự ti.

Game online và các trò chơi đầy rẫy trên mạng có thể khiến những học sinh giỏi trở nên đờ đẫn, không kiểm soát được hành vi. H.K. thi đậu ĐH nhưng không thể học tiếp được vì luôn gặp các ám ảnh như trong các trò chơi điện tử mà cậu thường chơi trong suốt thời gian cấp III và năm đầu đại học.

K. vốn học rất giỏi, nhưng từ khi “bập” vào game, cậu luôn gặp các ảo giác như ai đó đang đe dọa sẽ đánh mình và luôn thấy hoảng sợ. Thậm chí có lần K. từng nhốt cháu của mình vào phòng vì sợ chị dâu hành hạ. Hiện giờ K. phải về quê sống để giảm bớt áp lực và chưa thể học hết được đại học.

Biết lượng sức con

Theo ThS.BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn thường tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi đến khám vì gặp khó khăn trong học tập, một trong những lý do thường gặp là do áp lực thành tích học tập từ phía gia đình.

Lúc đầu, những trẻ này có thể có biểu hiện chống lại ý muốn của cha mẹ, càng về sau trẻ càng không có hứng thú với học tập. Nếu mâu thuẫn này tiếp tục kéo dài, trẻ có thể có biểu hiện buồn, lo lắng và sợ đi học, học tập sa sút, trẻ có thể bị trầm cảm vì không chia sẻ được với ai. Một số trẻ có thể có biểu hiện đau ở vài vị trí trên cơ thể nhưng không tìm ra nguyên nhân thực thể.

Chia sẻ điều này, TS Ngô Xuân Điệp, trưởng khoa tâm lý Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng thực tế có nhiều bậc cha mẹ thúc ép con học, muốn con thực hiện thay “ước mơ” mà cha mẹ chưa thực hiện được. Việc ép trẻ học nhiều sẽ làm cho trẻ nhút nhát, khả năng ra quyết định kém vì chỉ quen nghe lời.

Theo TS Xuân Điệp, trẻ em cần có nhiều thời gian được chơi, vận động để phát triển tâm lý tốt. Trẻ được chơi với bạn sẽ biết cách tự ra quyết định, có khả năng độc lập, sáng tạo. Còn với trẻ chỉ bị ép học, không có thời gian chơi sẽ không có khả năng sáng tạo.

Nếu luôn bị “gò ép”, trẻ sẽ bị tước đi “bản chất thật của mình”, sau này trẻ hiện diện bằng các “mặt nạ”, của những trình tự do chính cha mẹ trẻ đưa ra.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ luôn nhiều cảm xúc mà ít lý trí, không như người lớn biết điều chỉnh hành động của mình.

Nếu cha mẹ đặt quá nhiều áp lực, hay so sánh trẻ với các trẻ khác, trong khi trẻ lại thiếu nghị lực thì dễ dẫn đến những tổn thương tâm lý. Nếu stress hoặc tổn thương kéo dài, các cháu có thể có hành vi tự làm tổn thương mình, thậm chí là tự tử.

Bác sĩ Tuấn khuyên các bậc cha mẹ nên lượng sức con mình. Ai cũng muốn con giỏi nhất, ngoan nhất, nhưng không phải em nào cũng có khả năng và sự chăm chỉ để đạt được mong muốn ấy.

Vì vậy cha mẹ không nên đặt nhiều kỳ vọng quá vào con mà “quan tâm song song”, bên cạnh quan tâm việc học hành, học thêm của con thì nên để con có thời gian thư giãn, luyện tập thể thao, vui chơi các trò chơi lành mạnh. Phụ huynh nên để con trẻ cùng làm các công việc nhà và không nên quá bao bọc trẻ.

Không cha mẹ nào có thể sống cùng con mãi mãi để chăm sóc cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, vậy thì tại sao cha mẹ lại tước đi quyền tự biết chăm sóc mình của trẻ?

Cần có điều tra tỉ lệ mắc bệnh

Ông Trần Quý Tường, phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết nhiều năm nay VN chưa có điều tra về tỉ lệ mắc các rối loạn liên quan tới sức khỏe tâm thần.

“Nếu có điều tra thì việc xây dựng chính sách sẽ hợp lý hơn, ví dụ mỗi tỉnh thành nên xây dựng một bệnh viện tâm thần hay chỉ cần khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa? Có chuyên gia nói rằng nếu chỉ để khoa tâm thần trong bệnh viện đa khoa thì sẽ khó phát triển, vì bệnh viện nào hiện nay cũng tự chủ mà khoa tâm thần thì viện phí hạn chế”- ông Tường cho biết.

Cũng theo ông Tường, theo ước tính gần đây có đến 20% dân số có vấn đề về rối loạn sức khỏe tâm thần, trong đó ở nhóm trẻ thì nhóm có tỉ lệ mắc khá cao là tự kỷ và trầm cảm.

Ông Tường cho rằng nếu được can thiệp từ sớm, hiệu quả điều trị các chứng bệnh liên quan đến rối loạn sức khỏe tâm thần sẽ tốt hơn.

LAN ANH - THÙY DƯƠNG (lananh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên