15/05/2016 07:01 GMT+7

Sỏi túi mật, có biến chứng mới mổ

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TTO - Năm 2015 vừa qua, tại Bệnh viện Bình Dân 
(TP.HCM) có hơn 1.500 bệnh nhân bị sỏi túi mật có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, không phải cứ có sỏi túi mật là phải mổ mà vẫn có thể sống chung hòa bình với nó.

Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân chuẩn bị mổ cắt sỏi túi mật cho bệnh nhân - Ảnh: BV cung cấp
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân chuẩn bị mổ cắt sỏi túi mật cho bệnh nhân - Ảnh: BV cung cấp

Các giáo sư bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân cho biết như vậy tại buổi truyền thông sức khỏe cho cộng đồng “Bạn biết gì về sỏi túi mật” do bệnh viện tổ chức ngày 14-5.

Nữ giới dễ bị sỏi túi mật

Tại buổi nói chuyện này, ông Đ.P.H. (76 tuổi) cho biết ông bị sỏi túi mật. Khi đi khám ở vài nơi, bác sĩ nào cũng bảo túi mật của ông có nhiều sỏi quá cần mổ cắt túi mật. Do qua hai lần mổ vì bệnh khác nên nghe nói phải mổ nữa ông H. rất sợ.

“Chính vì sợ nên tôi mua thuốc uống. Tôi uống loại thuốc được quảng cáo trên một tờ báo là làm hết sỏi túi mật, nhưng vừa tốn tiền mà bệnh vẫn mang” - ông H. nói.

Ông H. cũng mong muốn các bác sĩ thấy quảng cáo trái khoa học, vô lý quá nên có ý kiến để bệnh nhân không bị nhầm lẫn.

Theo PGS.TS Nguyễn Cao Cương - nguyên trưởng khoa gan mật, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Bình Dân, túi mật nằm dưới gan trong bụng bên phải. Khi ta ăn, túi mật sẽ co bóp đẩy mật qua ống mật xuống ruột giúp tiêu hóa hấp thu chất béo.

Sỏi túi mật có thể nhỏ vài milimet hoặc lớn vài centimet, có hình tròn, bầu dục hoặc nhiều hình dạng khác tùy theo cấu tạo. Có khi bệnh nhân chỉ có một vài sỏi nhưng có người bị rất nhiều sỏi.

Có ba loại sỏi túi mật là sỏi cholesterol, sỏi sắc tố và sỏi hỗn hợp. Đa số bệnh nhân bị sỏi cholesterol.

Theo PGS Cao Cương, túi mật chứa sỏi hầu hết là bình thường nên bệnh nhân có thể sống chung hòa bình với nó. Hầu hết sỏi túi mật không gây triệu chứng (không đau, không nhiễm trùng...) nên nhiều người đi siêu âm tình cờ phát hiện có sỏi túi mật.

Sỏi túi mật thường gặp ở nữ, mập, trên 40 tuổi, có nhiều con. Nam giới bị sỏi túi mật ít hơn. Sau 40 tuổi tỉ lệ bị bệnh sỏi túi mật tăng dần.

Về nguyên nhân gây sỏi túi mật, PGS Cao Cương cho biết sỏi cholesterol có màu vàng sáng như tinh thể đường phèn, được tạo thành do sự bão hòa cholesterol trong mật, ứ đọng mật, sự tạo nhân. Sỏi sắc tố thường có màu nâu vàng hay đen. Ở người bệnh có bệnh về máu (vỡ hồng cầu) thường sỏi có màu đen. Khi có nhiễm trùng dịch mật, sỏi có màu nâu vàng.

Có biến chứng mới mổ

“Người bệnh có sỏi túi mật không triệu chứng: không bị đau bụng trên bên phải thì vẫn sinh hoạt làm việc bình thường, chỉ cần ăn giảm dầu mỡ. Khi sỏi túi mật không đau không cần phẫu thuật.

Trung bình một năm chỉ khoảng 2% người bệnh có sỏi túi mật bị đau do sỏi gây bít ống túi mật. Khi bị đau bụng trên bên phải bệnh nhân cần đến bệnh viện khám.

Việc uống thuốc nam, thuốc tây để tan sỏi thường không hiệu quả. Các phương pháp tán sỏi cũng hiệu quả kém” - PGS Cao Cương nói.

Các trường hợp sỏi túi mật cần mổ là khi sỏi túi mật gây triệu chứng đau quặn mật, viêm túi mật (đau bụng trên phải, sốt)... Việc mổ cắt túi mật, theo PGS Cao Cương, sẽ được thực hiện bằng phương pháp nội soi ổ bụng, hiếm khi cắt túi mật bằng phương pháp mổ mở bụng.

Ngoài ra, PGS Cao Cương cho biết sau mổ bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường vì vẫn đầy đủ mật từ gan qua ống mật đi xuống ruột giúp tiêu hóa, sinh hoạt làm việc bình thường, “quan hệ vợ chồng” không bị ảnh hưởng, không làm giảm tuổi thọ, không cần dùng thuốc hỗ trợ tiêu hóa khác.

Phòng ngừa sỏi túi mật

Giảm chế độ ăn nhiều chất béo, không để tăng cân. Người bệnh có bệnh về máu cần được theo dõi phát hiện sỏi túi mật bằng siêu âm. Khi đã bị sỏi túi mật nên ăn giảm chất béo để giảm co thắt túi mật và sỏi túi mật chậm phát triển.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên