14/01/2016 09:56 GMT+7

Suy tuyến thượng thận do “thuốc tăng cân”

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TT - Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 26 tuổi, ở Hải Phòng, bị nhiều biến chứng nguy hiểm sau khi sử dụng một loại thuốc đông y có chứa corticoid vào mục đích tăng cân.

 

Những loại thuốc đông y không nhãn mác, thương hiệu mà bệnh nhân sử dụng vào mục đích tăng cân - Ảnh do ThS.BS 
Nguyễn Hữu Trường cung cấp
Những loại thuốc đông y không nhãn mác, thương hiệu mà bệnh nhân sử dụng vào mục đích tăng cân - Ảnh do ThS.BS Nguyễn Hữu Trường cung cấp

Người này vốn có sức khỏe bình thường nhưng biếng ăn nên mua thuốc đông y ở Thái Bình về sử dụng nhằm cải thiện tình trạng trên.

Một tháng sau khi sử dụng, bắt đầu xuất hiện các biểu hiện: mặt sưng phù, nổi nhiều mụn; đau dạ dày; đau nhức xương khớp, rong kinh kéo dài...

Kết quả thăm khám tại bệnh viện xác định bệnh nhân bị ngộ độc corticoid nặng với chỉ số men gan cao hơn 4 lần cho phép, đồng thời bị viêm loét dạ dày, loãng xương, đặc biệt là bị suy tuyến thượng thận...

Trong khi đó, hồi đầu năm 2014, nhiều bà mẹ ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội vì tin theo lời quảng cáo của một phụ nữ ở Hải Phòng đã mua loại thuốc tăng cân cấp tốc để cải thiện tình trạng biếng ăn của con. Loại thuốc này không có bao bì, nhãn mác nhưng được giới thiệu là hàng xách tay của Đức, bán với giá 6.000 đồng/viên.

Ngoài ra còn có những bà mẹ mua các loại thuốc tăng cân là thuốc nam được sắc đóng trong những chai với mục đích giúp trẻ hết biếng ăn, tăng cân nhanh. Những đứa trẻ sau khi sử dụng đã lên cân nhanh chóng nhưng có các biểu hiện ngủ li bì, lúc nào cũng thèm ăn, mặt béo phị...

Những loại thuốc này sau đó được xác định chính là corticoid, hoặc có chứa corticoid!

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, corticoid là loại thuốc độc bảng B, có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm thường được dùng điều trị các bệnh miễn dịch, dị ứng... tuy nhiên lại bị lạm dụng trộn vào các loại mỹ phẩm, thuốc... với mục đích: làm trắng da, kích thích thèm ăn, giúp tăng cân...

Corticoid mà điển hình ở các dạng biệt dược là dexamethasone, prednisolone hay hydrocortisone thường được dùng để trộn vào các loại thuốc tăng cân, kích thích ăn uống, dù dùng ở liều thấp cũng có hiệu quả tức thì. Thế nhưng hiệu quả này thật ra là “ảo” bởi corticoid chỉ giúp thèm ăn trong giai đoạn đang sử dụng, ngược lại, nếu đột ngột dừng thì cảm giác thèm ăn cũng biến mất ngay tức thì. Bên cạnh đó, corticoid vốn giữ nước nên cho người ta có cảm giác tăng cân.

“Đáng nói là bệnh nhân khi sử dụng corticoid sai mục đích dẫn đến tình trạng bị lạm dụng gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp bệnh nhân trên, việc điều trị suy tuyến thượng thận và các biến chứng khác sẽ kéo dài và không biết khi nào mới có kết quả” - ông Trường nói.

Bác sĩ Trường giải thích cơ thể con người vốn tự tạo ra nguồn corticoid nội sinh - có chức năng đảm bảo mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể, nhưng khi bổ sung corticoid ngoại sinh thì cơ thể tự có cơ chế ngưng sản xuất corticoid nội sinh để cân bằng. Về lâu dài, cơ thể mất luôn khả năng sản xuất corticoid nội sinh, phải phụ thuộc hoàn toàn vào corticoid bổ sung từ bên ngoài gây ra tình trạng suy tuyến thượng thận và dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm khác.

Tăng cân sao cho an toàn?

Bác sĩ Trường cho biết ngoài corticoid có nhiều loại nội tiết, hormone, thuốc chống dị ứng, thuốc thần kinh cũng có tác dụng kích thích thèm ăn, không thường xuyên được trộn vào các loại thuốc đông dược, thuốc viên với mục đích tăng cân và ít có tác dụng phụ nguy hiểm như corticoid. Nhưng các loại này đều được khuyến cáo cần thận trọng, không nên lạm dụng...

“Có thể kể tên là: megestrol acetate và medroxyprogesterone acetate (2 loại nội tiết tố progesterones tổng hợp) có khả năng kích thích sự thèm ăn, giúp tăng cân; do ít tác dụng phụ nên được coi là công cụ hữu hiệu để điều trị chứng biếng ăn do nhiều nguyên nhân khác nhau ở người lớn; tác dụng phụ đáng kể là gây huyết khối tĩnh mạch và biểu hiện bất lực ở nam giới.

Nandrolone deconoate (một loại hormone đồng hóa) có khả năng kích thích, gây tăng cân ở những bệnh nhân chán ăn do ung thư, suy thận mãn.

Ketotifen, cyproheptadine (thuốc chống dị ứng) khá an toàn có thể điều trị phối hợp bệnh dị ứng và biếng ăn ở trẻ nhỏ; valproic acid, mirtazapine, fluoxetine (thuốc điều trị tâm thần, thần kinh); dronabinol (một thành phần của ma túy) đắt tiền và gây nhiều tác dụng phụ, như: chóng mặt, ù tai, hoang tưởng đặc biệt ở các bệnh nhân lớn tuổi...

Bên cạnh đó, rượu hay các thức uống có cồn cũng có tác dụng kích thích sự thèm ăn do có khả năng kích thích sự bài tiết của dịch vị, tuy nhiên điều này chỉ đúng đối với những người khỏe mạnh. Trong trường hợp uống nhiều, bị lạm dụng, thức uống có cồn sẽ gây hiện tượng ngược lại là chán ăn” - bác sĩ Trường cảnh báo.

Nếu ai có biểu hiện chán ăn, giảm cân đột ngột, bác sĩ Trường khuyến cáo cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và loại trừ các bệnh lý vì có nhiều bệnh làm chán ăn, giảm cân như ung thư, suy thận mãn...

Sau khi được xác định không có bệnh lý thực thể, nếu muốn cải thiện tình trạng biếng ăn, gầy còm cần đến các chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn hợp lý. Ngoài ra, nhiều người biếng ăn có thể do vấn đề tâm lý (áp lực, stress...), nếu loại trừ hết các nguyên nhân trên cần tìm đến chuyên khoa tâm lý để được tư vấn điều trị nguyên nhân gây ra các vấn đề tâm lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chán ăn, giảm cảm giác thèm ăn như là bị bệnh tiêu chảy, ho, viêm họng… hoặc ở những người bị bệnh mãn tính, người mệt mỏi, người phải điều trị hóa chất cũng mất đi cảm giác thèm ăn gây hiện tượng giảm cân, gầy còm.

Về bản chất những người gầy lâu ngày là do thiếu chất dinh dưỡng (chất béo, đạm, tinh bột…) do đó cần phải được thăm khám ở các chuyên khoa dinh dưỡng để có được thực đơn bổ sung dinh dưỡng kịp thời và hợp lý.

Trong giai đoạn cần cải thiện cân nặng có thể ăn những loại thực phẩm giàu năng lượng, giàu đạm, chất béo, ăn nhiều hơn so với nhu cầu bình thường nhưng khi đạt được cân nặng hợp lý sẽ thực hiện chế độ dinh dưỡng duy trì cân nặng đó.

Đối với người biếng ăn, có thể bổ sung một số loại enzyme tiêu hóa giúp kích thích ngon miệng. Ngoài ra, có thể cải thiện tình trạng biếng ăn, gầy còm bằng cách tập luyện và có lối sống lành mạnh cũng như suy nghĩ tích cực.

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên