12/01/2016 12:32 GMT+7

Em bé bị thông liên nhĩ lỗ thứ hai có thể chữa khỏi

BSCK2. NGÔ QUANG THI - Giảng viện bộ mộn Nội, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
BSCK2. NGÔ QUANG THI - Giảng viện bộ mộn Nội, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

TTO -  Một bạn đọc trao đổi: Tôi vừa sinh con được 2 tháng thì phát hiện cháu bị tim bẩm sinh, qua thăm khám ở bệnh viện nhi thì cháu bị Thông liên nhĩ lỗ thứ 2, kt 5.8mm,shuntT->P, không tăng áp phổi.

Cháu khi sinh 2.5kg tới lúc 2 tháng 4.5kg, xin hỏi bác sĩ bệnh của cháu, lỗ thông như thế là có lớn không, có khả năng tự lành được không, nếu không tự lành mà sử dụng bít lỗ thông bằng phương pháp qua da thì cháu khoảng mấy tháng là có thể phẫu thuật được và chi phí bao nhiêu?

Bác sĩ NGÔ QUANG THI - Phòng mạch online tư vấn:

Đầu tiên, xin được đồng cảm với anh vì tình trạng bệnh của cháu, tuy nhiên mong anh đừng quá lo lắng. Vì với tình trạng bệnh của cháu và những tiến bộ của y học hiện nay, cháu hoàn toàn có thể chữa khỏi và rất khỏe mạnh. Để trả lời câu hỏi của anh, chúng tôi xin trình bày chi tiết như sau

1. Thông liên nhĩ là gì: 

Thông liên nhĩ (hay còn được gọi là khiếm khuyết vách liên nhĩ) là một bệnh tim bẩm sinh khá thường gặp, thường gặp ở nữ với tỷ lệ nữ/nam = 2, chiếm khoảng 7 -15% trong các bệnh tim bẩm sinh và được xếp vào nhóm tim bẩm sinh không tím.

Biểu hiện là tình trạng khiếm khuyết ở vách liên nhĩ, tạo thành lỗ thông giữa 2 nhĩ sau khi sinh. Một số trường hợp khác vị trí khiếm khuyết nằm ở xoang tĩnh mạch hay xoang vành nhưng cũng được xếp vào thông liên nhĩ.

Những lỗ thông có đường kính < 3 mm, hầu hết có thể đóng tự nhiên, với các lỗ thông > 8 mm rất ít đóng tự nhiên.

Hình ảnh thông liên nhĩ lỗ tiên phát và thứ phát
Hình ảnh thông liên nhĩ lỗ tiên phát và thứ phát

2. Cơ chế bệnh sinh

Bình thường, áp lực ở buồng nhĩ trái cao hơn so với nhĩ phải, nên khi có lỗ thông giữa 2 buồng, máu sẽ chảy từ nhĩ trái qua nhĩ phải hay còn được gọi là shunt T -> P (hình 2). Dòng chảy nhiều hay ít phụ thuộc vào đường kính lỗ thông và áp lực của các buồng tim.

Máu ở nhĩ phải sẽ nhiều hơn bình thường do nhận thêm máu từ nhĩ trái chảy qua, dần dần đưa đến dãn nhĩ phải, lớn thất phải, tăng áp phổi và suy tim phải. Khi áp lực ở nhĩ phải tăng cao, máu sẽ đi từ nhĩ phải qua trái hay còn gọi là tình trạng đảo shunt. Hậu quả là máu ít oxy ở nhĩ phải đi vào nhĩ trái gây ra tình trạng thiếu oxy cung cấp cho các cơ quan. Khi đó bệnh nhân sẽ có biểu hiện tím.

Chiều dòng máu từ trái -> phải
Chiều dòng máu từ trái -> phải

3. Phân loại:

Có thể chia thành 4 loại như sau

Thông liên nhĩ lỗ tiên phát (lỗ thứ nhất) chiếm 15%, vị trí lỗ thông nằm thấp ở 1/3 dưới vách liên nhĩ, gần với các van nhĩ thất (van 2 lá, van 3 lá) và vách liên thất nên có thể đi kèm với các cơ quan này. (Xem hình 1)

Thông liên nhĩ lỗ thứ phát (lỗ thứ hai): chiếm 75%, tần suất ở 7% trong các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em và lên đến 30-40% bệnh tim bẩm sinh ở người lớn. Vị trí lỗ thông ở cao, gần lỗ bầu dục, kích thước thường gặp từ 10 – 30mm.

Thông liên nhĩ kiểu xoang tĩnh mạch: chiếm (# 10%),

Thông liên nhĩ kiểu xoang vành: rất hiếm gặp.

4. Triệu chứng:

Đa số, biểu hiện triệu chứng của thông liên nhĩ rất nhẹ nhàng, không giống với các bệnh tim bẩm sinh khác vì hầu hết không có biểu hiện gì khi nhỏ hay còn trẻ. Triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường gặp ở lứa tuổi 30 - 40.

Một số rất ít trẻ em có thể biểu hiện với các dấu hiệu chậm lớn, không tăng cân, suy dinh dưỡng, giảm khả năng gắng sức, lồng ngực gồ lên.. khi lỗ thông lớn, tăng áp lực động mạch phổi.

Ở người lớn, các triệu chứng có thể xuất hiện là khó thở khi gắng sức, ho, hồi hộp, loạn nhịp tim…khi có suy tim, tăng áp phổi, loạn nhịp tim hay các triệu chứng yếu, liệt…do tai biến mạch máu não.

5. Xét nghiệm cận lâm sàng:

Các xét nghiệm được dùng để chẩn đoán, xác định phương pháp điều trị bao gồm: ECG, X quang ngực thẳng, siêu âm tim, ảnh cộng hưởng từ và trắc nghiệm gắng sức khi cần thiết.

6. Biến chứng:

Biến chứng của thông liên nhĩ chưa phẫu thuật bao gồm:

Tăng áp động mạch phổi (ĐMP)

Suy tim phải

Loạn nhịp tim: rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ

Tai biến mạch máu não.

7. Điều trị:

Các phương pháp điều trị bao gồm: nội khoa, ngoại khoa và thông tim can thiệp (đóng lỗ thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da – ví dụ: dụng cụ Amplatzer)

Điều trị nội khoa

Theo dõi triệu chứng lâm sàng, siêu âm tim mỗi 6 – 12 tháng.

Điều trị các biến chứng của thông liên nhĩ như: suy tim, loạn nhịp tim, tăng áp phổi, tai biến mạch máu não. Hay điều trị hỗ trợ như nâng đỡ tổng trạng khi có suy dinh dưỡng, điều trị nhiễm trùng…ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi trong thời gian chờ phẫu thuật hay thông tim can thiệp.

Điều trị phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng khi cần thiết (có bệnh tim bẩm sinh tím khác phối hợp, 6 tháng sau khi bít lỗ thông bằng dụng cụ…). Không cần phòng ngừa viêm nội mạc nhiễm trùng trong trường hợp thông liên nhĩ đơn thuần.

Điều trị phẫu thuật vá lỗ thông bằng phương pháp mổ hở

Thông liên nhĩ lỗ nhỏ với dòng chảy thông ít không cần phẫu thuật.

Nên phẫu thuật TLN trước 25 tuổi và trước khi áp lực ĐMP tâm thu trên 40 mmHg.

Không nên phẫu thuật trước 2 tuổi nếu không có các biểu hiện suy dinh dưỡng nặng, tím, viêm phổi thường xuyên, khó thở… vì khả năng lỗ thông có thể tự bít

7.3. Thông tim can thiệp đóng lỗ thông liên nhĩ

Thường sử dụng nhất hiện nay là đóng lỗ thông thứ phát bằng dụng cụ Amplatzer (có hình dù) khi thông tim phải (hình 3). Tuy nhiên chỉ áp dụng khi lỗ thông không quá lớn và phần gờ xung quanh lỗ thông còn đủ rộng. Để xác định các thông số này cần dựa vào siêu âm tim qua thực quản. 

Hình ảnh đóng lỗ thông bằng dù
Hình ảnh đóng lỗ thông bằng dù

8. Tiến triển:

Với lỗ thông nhỏ và dòng chảy ít, người bệnh hoàn toàn sống như người bình thường

Nếu đóng lỗ TLN sớm thì thường trẻ nhỏ sẽ khỏi hẳn.

Đóng lỗ càng muộn thì các thay đổi về cấu trúc và huyết động càng chậm hồi phục.

Đi sâu vào các câu hỏi của anh, chúng tôi thấy cháu 2 tháng tuổi, đã được siêu âm với kết quả là thông liên nhĩ thứ phát đơn thuần với đường kính 5,8 mm và không có tăng áp phổi. Chẩn đoán của cháu rất rõ ràng. Vì vậy những điều anh cần quan tâm ở đây là:

Dinh dưỡng: cháu tăng 2kg/ 2 tháng là rất tốt.

Không cần điều trị nội khoa cho bệnh thông liên nhĩ trong giai đoạn này. Cũng như không cần điều trị phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.

Lỗ thông có đường kính không quá lớn, vì vậy vẫn có khả năng tự đóng theo thời gian.

Theo dõi các triệu chứng của cháu, khám bệnh và siêu âm tim định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng.

Hiện tại anh chưa cần suy nghĩ đến việc can thiệp ít nhất cho đến khi cháu đủ 2 tuổi hay khi bác sỹ khám bệnh phát hiện các dấu hiệu nặng hơn.

Nếu lỗ thông không tự đóng, tổn thương của cháu hoàn toàn có thể đóng bằng dù nếu  siêu âm tim thấy phần gờ xung quanh lỗ thông đủ rộng. Chi phí phụ thuộc vào tùy bệnh viện và thời gian thực hiện.

Vì vậy anh cần tư vấn trực tiếp từ bệnh viện anh muốn tiến hành can thiệp. Tuy nhiên cháu được bảo hiểm y tế chi trả một phần và chi phí còn lại không quá lớn. Nếu khó khăn, anh hoàn toàn có thể xin tài trợ chi phí từ các tổ chức từ thiện đang tài trợ cho phẫu thuật tim bẩm sinh.

Mong là anh đã nắm được nhựng thông tin cần thiết và yên tâm với bệnh của cháu. Chúc gia đình anh bình an và hạnh phúc.

 

BSCK2. NGÔ QUANG THI - Giảng viện bộ mộn Nội, Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên