08/10/2015 10:08 GMT+7

Không diệt lăng quăng sẽ bị phạt tiền

DUY THANH - T.LŨY
DUY THANH - T.LŨY

TT - Đây là một trong những biện pháp mà lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu phải thực hiện quyết liệt nhằm kéo giảm số ca mắc SXH đang tăng rất nhanh ở tỉnh này.

Bệnh nhi sốt xuất huyết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Thảo Ly

Một trong những giải pháp cứng rắn mà Sở Y tế Khánh Hòa đề xuất trong phòng chống sốt xuất huyết (SXH) là áp dụng nghiêm nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân không tham gia phòng chống dịch.

Hầu hết các bệnh viện ở tỉnh Khánh Hòa gần một tháng qua đều đầy ắp bệnh nhân điều trị SXH. Khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa (thị xã Ninh Hòa) sáng 7-10 có hàng trăm bệnh nhân nằm la liệt ở hành lang.

Bác sĩ Cao Khả Anh - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa - phân trần: “Khoa nhiễm chỉ có 38 giường, chúng tôi kê thêm hơn 100 giường vẫn không đáp ứng được nên một số bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang”.

Theo bác sĩ Anh, sẽ khó khăn hơn cho việc điều trị, bởi bệnh nhân nằm thế này lại là nguy cơ lây truyền bệnh cho bệnh nhân ở khoa khác.

Báo cáo tại hội nghị đánh giá chín tháng phòng chống các loại dịch bệnh ở người tỉnh Khánh Hòa sáng 7-10, TS Trần Thị Tuyết Mai - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa - cho biết theo thống kê từ đầu năm đến hết tháng 9-2015, toàn tỉnh này ghi nhận 2.790 ca mắc SXH, tăng hơn 341% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có một ca tử vong.

TS Viên Quang Mai - viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang - cho hay: “Chỉ riêng Khánh Hòa đã chiếm gần một nửa số ca mắc SXH của cả miền Trung (2.790/6.419) và đang không ngừng tăng lên. Đáng lo là cả bốn chủng virút SXH Dengue đều xuất hiện ở tỉnh này.

Chúng tôi dự báo khả năng đến cuối năm, Khánh Hòa sẽ có khoảng 6.000 ca mắc SXH và nếu không có giải pháp căn cơ thì năm 2016 đến chu kỳ dịch số mắc sẽ tăng lên nữa” - ông Mai nói.

Còn bà Tuyết Mai cảnh báo có nguy cơ bùng dịch lớn nếu không can thiệp kịp thời.

Trong khi đó, theo Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Trăng, bệnh SXH của tỉnh này đã tăng hơn 77% so với cùng kỳ năm 2014 và theo dự báo còn tăng mạnh do là chu kỳ dịch. Hiện nay tỉnh đã huy động kinh phí cho công tác phòng chống dịch SXH trên 2 tỉ đồng.

Riêng tại thị xã Vĩnh Châu, nơi có số ca bệnh cao nhất (trên 650 ca mắc, cả tỉnh có hơn 1.100 ca), ngành y tế thị xã được sự hỗ trợ của tỉnh đã tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại 10/10 xã phường và phun hóa chất diện rộng tại 6 xã phường có số ca bệnh SXH tập trung cao nhất.

Ngành dự phòng đã tổ chức phòng chống SXH bằng cách tuyên truyền rộng rãi biện pháp phòng bệnh như diệt lăng quăng trong nhân dân, phát tờ rơi tại các trạm y tế, đồng thời xử lý từng ca bệnh, ổ dịch nhỏ, phun thuốc hóa chất trên diện rộng.

Tại Cần Thơ, chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý quyết liệt các điểm nóng tập trung nhiều ca bệnh SXH, ở các khu vực tập trung đông dân cư phải xử lý dứt điểm tình trạng vệ sinh môi trường, nước ứ đọng ẩm thấp...

UBND TP Cần Thơ cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục địa phương lồng ghép chương trình phòng chống bệnh SXH trong giờ học, huy động cả giáo viên và học sinh tham gia chương trình diệt lăng quăng và vệ sinh trường học thường xuyên.

Toàn TP Cần Thơ hiện có hơn 400 ca SXH được ghi nhận (tăng 99 ca so với cùng kỳ năm 2014).

Bác bỏ thông tin “muỗi văcxin” gây SXH

TS Viên Quang Mai cho hay dự án nhân nuôi muỗi Aedes aegypty mang Wolbachia (được ví như “văcxin” chống SXH) để thay thế quần thể muỗi tự nhiên do Bộ Y tế chủ trì đã thử nghiệm thành công trong phạm vi đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang).

“Dự án có kế hoạch sẽ mở rộng thả muỗi mang Wolbachia ra 27 xã, phường của TP Nha Trang. Tuy nhiên chúng tôi mới làm việc với các địa phương chứ chưa thả muỗi.

Do vậy, chúng tôi bác bỏ thông tin vì dự án thả muỗi mang Wolbachia nên TP Nha Trang gia tăng mạnh số ca mắc SXH” - ông Mai nói.

DUY THANH - T.LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên