05/10/2015 10:19 GMT+7

Những lý do gây khó thở thường gặp

ThS.BS MAI VĂN BÔN
ThS.BS MAI VĂN BÔN

TT - Nhiều nguyên nhân gây khó thở gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em như hen (suyễn), dị vật đường thở, tràn khí ngực - phổi, tăng thông khí phổi, viêm phổi, suy hô hấp, thiếu máu nặng, bệnh tim - phổi mãn tính.

Hình ảnh chen chúc trong phòng bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vào đầu tháng 10-2015 do các bệnh hô hấp, tay chân miệng... đang tăng cao - Ảnh: Thuận Thắng
Hình ảnh chen chúc trong phòng bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vào đầu tháng 10-2015 do các bệnh hô hấp, tay chân miệng... đang tăng cao - Ảnh: Thuận Thắng

Trong đó suy tim ở người lớn thường do cao huyết áp, thiểu năng động mạch vành, nhồi máu cơ tim, phù phổi cấp, nhồi máu hoặc huyết khối ở phổi; trẻ em do tim bẩm sinh nặng.

Ngoài ra, béo phì cũng là nguyên nhân phổ biến. Đặc biệt, trẻ em khó thở thường gặp do viêm thành sau họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, hen.

Sau đây là những dấu hiệu thường đi kèm tùy theo nguyên nhân gây khó thở (phổ biến) và cách xử trí:

1 Hen: cơn khò khè tái phát, ho, thở nhanh, co lõm ngực, liên sườn, có thể xuất hiện sau yếu tố làm dễ gây bệnh như hoạt động mạnh, cười, nói, khóc quá nhiều, hít khói bụi, nước hoa, lông chó mèo...

Cần cho bệnh nhân được khám và chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời. Một số thuốc đặc trị và phun khí dung giúp bệnh nhân giảm khó thở và cắt cơn hen, nhất là khi phát hiện sớm.

Ở những trường hợp hen trung bình và nặng (khò khè, khó thở tái phát nhiều lần trong ngày, trong tuần) cần xịt thuốc chống viêm và giãn phế quản dự phòng theo chỉ định của thầy thuốc và không nên tự ý ngưng thuốc. Cần giữ ấm cơ thể (chú ý vùng cổ, ngực, nhất là vào lúc sáng sớm và khuya).

Cài đặt máy điều hòa phải phù hợp với từng đối tượng. Nhiều phụ huynh sợ bé lạnh nên giữ nhiệt độ phòng quá nóng (28 - 30OC) làm trẻ tiết mồ hôi nhiều càng dễ nhiễm lạnh.

Không nên vừa dùng quạt cùng lúc với máy điều hòa nhiệt độ. Không cần thiết dùng thau nước đặt trong phòng để tăng độ ẩm.

Tuy nhiên, cần uống nước ngay sau khi ngủ dậy để bù lượng nước tiêu hao làm niêm mạc hơi khô, họng khó chịu.

2 Viêm thanh quản cấp tính: do nhiễm trùng, ho nặng tiếng, khò khè, sốt, thường xảy ra sau khi bị cảm cúm và gặp ở lứa tuổi 6 tháng đến 3 tuổi.

Bệnh nhân cần đến khám và điều trị sớm tại cơ sở y tế chuyên khoa để phun khí dung, giúp giảm cơn khó thở nguy kịch vì bệnh tiến triển nặng rất nhanh.

Nên phòng cảm cúm bằng cách chủng ngừa cho các bé khi đủ 6 tháng tuổi, tiêm đủ hai liều cách nhau một tháng và tiêm nhắc lại sau mỗi năm.

3 Viêm tiểu thiệt (phần nắp sau thành họng): do nhiễm trùng, biểu hiện giọng rung, “rè” khi thở, đau họng, khó nuốt, sốt, thường xảy ra ở trẻ 3 - 7 tuổi. Xử trí bằng kháng sinh, giảm viêm, phun khí dung khi cần thiết.

4 Viêm phổi: do nhiễm trùng phổi, triệu chứng gồm sốt, ho, đau ngực, khó thở, thở nhanh (người lớn nhịp thở trung bình 18 - 25 lần/phút, trẻ em 25 - 30 lần/phút, càng nhỏ tuổi nhịp thở càng nhanh).

Khi nhịp thở tăng quá nhanh hơn nhịp bình thường là biểu hiện tình trạng bệnh lý hô hấp. Có thể khạc đàm trong, vàng hoặc xanh ở người lớn hoặc trẻ lớn (thường trên 5 - 6 tuổi).

Cần đến khám sớm ở những cơ sở y tế để có thể chẩn đoán chính xác bệnh qua thăm khám kỹ lưỡng, chụp X-quang tim, phổi và điều trị kịp thời bằng kháng sinh thích hợp.

Nhiều người tự ý mua thuốc điều trị. Điều này hoàn toàn không đúng, rất nguy hiểm vì không thể dựa vào duy nhất triệu chứng ho để bắt bệnh.

5 Thiếu máu: da xanh, gầy, dễ mệt, hoa mắt, công thức máu biểu hiện mức hemoglobin thấp, dung tích hồng cầu giảm, số lượng hồng cầu giảm.

Cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng thích hợp như tăng thành phần rau quả, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa trong khẩu phần hằng ngày, kèm theo một số thuốc sẽ được các thầy thuốc ghi toa giúp tăng tổng hợp hồng cầu, nâng cao thể trạng. Kết hợp điều trị nguyên nhân gây thiếu máu.

6 Béo phì: tăng cân quá mức, cân nặng càng cao, khó thở càng nhiều, nhất là khi vận động hoặc tư thế gập bụng. Cần ăn uống phù hợp như tăng ăn rau, giảm thức ăn béo, ngọt kết hợp tăng cường vận động.

7 Suy tim: thường kèm theo phù, gan lớn (gây đau tức dưới sườn phải), khó thở khi vận động, đi lại. Xử trí thông thường bằng thở oxy, thuốc trợ tim, lợi tiểu nhưng phải được theo dõi cẩn thận, phòng biến chứng và tác dụng phụ do thuốc. Cần kết hợp điều trị các nguyên nhân gây suy tim.

8 Tắc nghẽn phổi mãn tính: ho, khạc đàm, thường khó thở sau khi thức giấc, phổ biến ở người hút thuốc lá nhiều và tiếp xúc với bụi công nghiệp. Cần trang bị phương tiện an toàn vệ sinh lao động tốt, nên bỏ hút thuốc lá.

Theo dõi kỹ mùa siêu vi

Hiện nay, những bệnh do siêu vi đang hoành hành với tần suất khá cao như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu và rải rác ở miền Bắc là các ca bệnh viêm não Nhật Bản. Đáng lưu ý là các triệu chứng ban đầu không điển hình dễ nhầm lẫn với viêm hô hấp, cảm cúm... nhất là triệu chứng sốt, ho, chảy nước mũi, đau họng. Do vậy, nếu bệnh nhân sốt không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt tạm thời trong sáu giờ đầu hoặc xuất hiện các chấm đỏ, bóng nước trên da toàn thân (nghi do sốt xuất huyết và thủy đậu), hoặc chấm đỏ vùng bàn tay, khuỷu tay, bàn chân, đầu gối, lưng, mông (nghi do bệnh tay chân miệng) nên khám ngay để được tư vấn và xử trí đúng.

Phụ huynh nên cho trẻ ăn uống khoa học, đủ dưỡng chất, bổ sung các vitamin cần thiết (qua thực phẩm và các thuốc xirô tổng hợp có chứa vitamin A, D, E, K, C... cùng các yếu tố vi lượng như sắt, kẽm, canxi, magiê...), uống đủ nước trong ngày, không nên thức khuya sẽ làm giảm đề kháng của cơ thể.

ThS.BS MAI VĂN BÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên