07/07/2015 11:35 GMT+7

Tấm lòng bác sĩ cứu sống chàng trai 19 tuổi

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Nhiều lần gia đình xin bác sĩ cho em Bi về quê chờ chết vì không đủ tiền điều trị. Nhưng các bác sĩ thuyết phục cho em Bi ở lại và hỗ trợ chi phí điều trị.

Bi cùng cha mẹ sau khi được xuất viện (bó hoa do các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tặng Bi trong ngày xuất viện)  - Ảnh: Thùy Dương
Bi cùng cha mẹ sau khi được xuất viện (bó hoa do các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tặng Bi trong ngày xuất viện) - Ảnh: Thùy Dương

Sáng 5-7, chúng tôi tìm đến dãy phòng trọ nằm trong một con hẻm trên đường Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, nơi em Lê Văn Bi, 19 tuổi, mới được Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cứu sống.

Căn phòng trọ, nơi Bi ở nhờ người cậu ruột, ngột ngạt, nằm cuối cùng ở dãy nhà trọ. Đang ở lứa tuổi trẻ nhưng Bi gầy gò, hốc hác, khác hẳn sáu năm trước khi Bi tạm biệt cha mẹ vào TP kiếm sống với mong muốn kiếm tiền phụ giúp cha mẹ.

Nghe tin dữ

Cuộc sống lam lũ, vất vả, nghèo khó bao năm qua in hằn trên gương mặt bà Võ Thị Cam, ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những đêm mất ngủ lo lắng cho sức khỏe con trai đi làm xa nhà bỗng nhiên phát bệnh nặng làm đôi mắt bà Cam trũng sâu hơn.

Bà lặng lẽ ngồi bên con, thỉnh thoảng lại áp bàn tay mình vào vai con, vào tay con đầy trìu mến. Kể về con vài câu là bà Cam mím môi, bật khóc. Gia đình bà khó khăn nên 13 tuổi Bi rời quê nhà vào TP kiếm sống. Mới đầu Bi đi cắt chỉ thuê, sau là làm may thuê tại các hộ gia đình.

Ngày 21-6, vợ chồng bà nhận được tin Bi bị bệnh nặng, nhập viện Bệnh viện Thống Nhất không biết có thể cứu sống được không. Nghe tin dữ này, vợ chồng bà vay mượn tiền cho chồng bà bay gấp vào với con, còn bà đón xe khách vào sau.

Khi ông Lê Văn Dũng, ba của Bi, đến bệnh viện, ông thấy con trai nằm mê man, người phù to, bên cạnh có nhiều loại máy. Mới đầu gia đình ông đóng 10 triệu đồng. Sau đó, cô y tá nói ông đóng tiếp 20 triệu đồng để truyền máu cho con ông.

Đối với gia đình ông, 20 triệu đồng là một khoản tiền rất lớn. Lúc tìm gặp bác sĩ hỏi về tình trạng con trai, ông được bác sĩ trả lời bệnh con trai ông rất nặng, chưa biết có cứu được không.

Nếu bác sĩ khẳng định cứu được con ông, ông sẵn sàng bán nhà ở quê được khoảng 20 triệu, nhưng nhìn con ông lại sợ cảnh "con mất mà nhà cũng mất”. Còn hai đứa nhỏ ở nhà nữa thì sao?

Nghĩ vậy nên ông xin bác sĩ cho con về nhà. Tuy nhiên bác sĩ nói bệnh của con ông rất nặng, song “còn nước còn tát”. Đưa Bi về sợ cũng không qua khỏi nên cứ để ở bệnh viện cho bác sĩ điều trị, toàn bộ chi phí điều trị còn lại bệnh viện sẽ lo cho con ông.

Vẫn dốc lòng dù rất ít hi vọng

TS.BS Hoàng Văn Quang, trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Thống Nhất, cho biết khoảng 0g khuya 21-6, bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Hóc Môn đến với chẩn đoán bị sốt xuất huyết nặng ngày thứ 7.

Bệnh ngày càng nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Bi nhập viện Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng nhiễm trùng huyết rất nặng, sốt 420C, bị suy hô hấp có khả năng phải thở máy.

Các kết quả xét nghiệm cho thấy Bi bị suy đa cơ quan (suy thận cấp, suy gan cấp, suy hô hấp và suy cơ quan tạo máu).

Các bác sĩ hội chẩn và thống nhất cần những phương pháp điều trị tích cực cho Bi như lọc máu liên tục, điều trị thuốc kháng sinh, truyền 2 lít máu mỗi ngày (tiểu cầu, bạch cầu)… vì Bi có tình trạng rối loạn đông máu và xuất huyết ồ ạt rất nhiều.

Tuy hoàn cảnh Bi khó khăn nhưng các bác sĩ thấy vẫn có thể cứu được nên đề xuất ban giám đốc bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân và được ban giám đốc bệnh viện đồng ý ngay.

Sau 5 ngày điều trị, Bi có cải thiện, tiến triển ngày càng tốt. Đến ngày thứ 10 Bi bình phục, không phải thở máy; các xét nghiệm sinh hóa, huyết học, các tạng suy đã bình thường trở lại và đến ngày thứ 12 Bi được xuất viện. Chi phí điều trị cho Bi gần 150 triệu đồng được bệnh viện lo toàn bộ.

TS Quang nhận xét đây là trường hợp bệnh nặng, tỉ lệ tử vong lên đến 80%. Khi bệnh nhân nhập viện có rất ít hi vọng được cứu sống, nhưng chỉ cần còn một chút hi vọng các bác sĩ cũng tìm mọi cách để điều trị cho bệnh nhân.

Khi nghe bác sĩ nói về điều này, cha Bi vì hoàn cảnh khó khăn nên 3 - 4 lần xin đưa con về, tuy nhiên các bác sĩ thuyết phục ông cho con ở lại để Bi có cơ may được cứu sống.

Các bác sĩ thông báo để gia đình Bi yên tâm dù chi phí điều trị cao nhưng ban giám đốc bệnh viện đồng ý hỗ trợ toàn bộ chi phí còn lại.

Không chỉ Bi, hằng năm khoa hồi sức tích cực và chống độc vẫn gặp một số bệnh nhân nghèo, không có BHYT. Tùy từng hoàn cảnh người bệnh, bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần chi phí điều trị.

Giờ đây, bà Cam vẫn còn vẹn nguyên niềm xúc động: “Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất như sinh con chúng tôi lần thứ hai. Đây là niềm vui quá lớn đối với gia đình. Cả đời chúng tôi không thể quên được công lao to lớn này của các y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất”.

Làm việc tại khoa hồi sức tích cực và chống độc suốt 25 năm nay, TS.BS Hoàng Văn Quang kể không riêng em Bi mà nhiều trường hợp khác tưởng chừng đã bó tay nhưng các bác sĩ vẫn tích cực điều trị. Sau đó bệnh nhân đã khá lên từng ngày, khỏi bệnh.

“Niềm vui của gia đình bệnh nhân cũng là niềm vui của chúng tôi”, TS Quang chia sẻ.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên