06/03/2015 10:04 GMT+7

​Giúp người bệnh tim sinh con an toàn

Hà Linh
Hà Linh

TT - Kỹ thuật phát hiện và điều trị tiên tiến hiện nay đã giúp phụ nữ bị bệnh tim, đặc biệt là các bệnh van tim, có thể sinh con mà không ảnh hưởng tới tính mạng.

Nong van hai lá cho phụ nữ mang thai tại Viện Tim mạch quốc gia - Ảnh: Hà Linh

Cả những phụ nữ bị bệnh tim mang thai gặp biến chứng phù phổi, suy thất phải, ngất... cũng có thể sinh con an toàn nhờ kỹ thuật và điều trị mới. Việt Nam là nước nong van thành công cho sản phụ mang thai với số ca thuộc loại lớn nhất trên thế giới.

Gần 5 tháng mang thai chưa một đêm ngon giấc

Bệnh nhân Nguyễn Thị L. (28 tuổi, Nam Định) có thai gần 5 tháng được chuyển cấp cứu lên Viện Tim mạch quốc gia trong tình trạng đã bị ngất, khó thở dữ dội. Các bác sĩ thăm khám phát hiện bệnh nhân bị phù phổi cấp, suy thất phải...do biến chứng hẹp van hai lá khi mang thai.

Bệnh nhân được nong van hai lá cấp cứu và thấy dễ thở ngay trên bàn phẫu thuật. Bệnh nhân cho biết đây là đêm đầu tiên từ khi mang thai bệnh nhân có thể nằm thẳng và ngủ ngon giấc, trước đó bệnh nhân luôn khó thở, toàn phải ngủ kiểu nửa nằm nửa ngồi.

Sau can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và gần tháng thứ chín đã sinh “mẹ tròn con vuông”.

Tương tự, chị Đỗ Thị H. (26 tuổi, Hà Nội) có thai tháng thứ ba đi khám sản trong tình trạng khó thở, tức ngực và được kết luận: thông liên nhĩ lỗ lớn áp lực tăng. Bác sĩ khuyên chị nên bỏ thai vì dễ bị nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con.

Chị đã tìm đến PGS.TS Lê Ngọc Thành, giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện E, vì nghe nói bác sĩ đã giúp người bị bệnh tim sinh con thành công. Chị đã được nhập viện điều trị và theo dõi sát giữa khoa tim mạch và sản khoa. Kết quả chị đã sinh con bình thường.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, trưởng khoa can thiệp mạch Viện Tim mạch quốc gia, cho biết phụ nữ bị bệnh tim sinh con là một thách thức lớn với các bác sĩ (cả bác sĩ tim mạch và sản khoa) và bệnh nhân. Niềm hạnh phúc làm mẹ của họ rất dễ bị từ chối vì nguyên nhân tử vong ở sản phụ liên quan đến tim mạch chiếm tới 32%.

Trước đây đã có quan điểm: phụ nữ bị bệnh tim thì không nên lấy chồng, nếu lấy chồng thì không nên mang thai, nếu có thai thì không nên sinh, nếu sinh thì không nên cho con bú... Nhưng những kỹ thuật phát hiện và điều trị tiên tiến hiện nay đã cho phép họ có quyền làm vợ, làm mẹ mà không ảnh hưởng tới tính mạng.

Điều quan trọng là các bệnh nhân này cần được đi khám ở các chuyên khoa tim mạch sâu để có những hướng giải quyết đúng đắn nhất.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, bằng các kỹ thuật ít xâm lấn: thay van, nong van... Viện Tim mạch quốc gia đã chữa trị thành công cho hàng trăm phụ nữ bị bệnh tim sinh con. Riêng bệnh hẹp van hai lá phải can thiệp cấp cứu nong van cho sản phụ trong thai kỳ, viện đã thực hiện trên 130 ca, thuộc loại lớn nhất thế giới trong nong van cho phụ nữ mang thai.

Đó là chưa kể những thai phụ bị thông liên nhĩ, tăng áp lực tĩnh mạch phổi... có biến chứng nặng khi mang thai, tính mạng của cả mẹ và con “ngàn cân treo sợi tóc” cũng được cứu sống. Thậm chí, không ít trường hợp sau hai lần mổ thay van tim, nong van tim... vẫn sinh hai con khỏe mạnh.

60% không biết mình bị bệnh

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cảnh báo có tới 60% phụ nữ mang thai khi đi cấp cứu không biết mình bị hẹp van tim từ trước, 40% còn lại biết bị bệnh nhưng thấy sức khỏe bình thường nên mang thai. Nhiều người bị biến chứng nặng nề.

Họ không biết rằng bệnh tim mạch nói chung và van tim nói riêng là những bệnh lý rất nguy hiểm, đặc biệt ở phụ nữ mang thai nguy cơ tử vong, sẩy thai cao ở giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ. Bởi khi phụ nữ có thai sẽ xuất hiện các biến đổi về giải phẫu, nội tiết, tuần hoàn... đặc biệt là tim và mạch máu.

Các biến đổi đó bao gồm: tăng thể tích máu: trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ, thể tích máu tuần hoàn sẽ tăng lên 40-50% và duy trì ở mức này trong suốt quá trình mang thai; tăng cung lượng tim: cung lượng tim sẽ tăng lên 30-40%, tương ứng với mức tăng thể tích máu; tăng nhịp tim: thông thường khi mang thai, nhịp tim sẽ tăng hơn lên 10-15 nhịp/phút...

Ở những người khỏe mạnh thì hệ thống tim mạch có thể thích ứng được với những thay đổi này, nhưng những người bị bệnh tim thì thai nghén trở thành một gánh nặng có thể gây ra những biến chứng cho cả mẹ và con.

PGS.TS Lê Ngọc Thành khuyên phụ nữ nếu có sẵn bệnh lý tim mạch cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai.

Việc thăm khám trước và trong khi có thai rất có ý nghĩa trong sự sống của mẹ và thai nhi. Bác sĩ giúp đánh giá và giải thích tình trạng bệnh, mức độ an toàn khi mang thai, nguy cơ đối với mẹ và thai nhi, có cần điều trị bệnh ổn trước khi có thai không, có cần dùng thuốc hoặc cách thức điều trị nào trong thai kỳ...

Thậm chí, một số tình trạng bệnh lý quá nặng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ khi mang thai như: tăng áp động mạch phổi nặng, bệnh cơ tim giãn nở có suy tim, hội chứng Marfan có giãn động mạch chủ, bệnh tim bẩm sinh tím, hẹp khít van hai lá, hẹp van động mạch chủ nặng... bác sĩ vẫn có thể khuyến cáo bệnh nhân tránh có thai hoặc gián đoạn thai kỳ.

Khám thai cùng với khám tim

“Những nguy cơ có thể gặp phải khi mang thai đối với bệnh nhân có bệnh tim là: rối loạn nhịp tim, huyết khối, tai biến mạch não, suy tim, phù phổi cấp, mất máu sau sinh.

Ngoài ra, các thuốc đang dùng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đứa trẻ cũng có thể bị suy dinh dưỡng, bị tim bẩm sinh do di truyền hoặc do tình trạng thiếu oxy trong máu của mẹ, hoặc giảm lượng máu tới thai do tình trạng suy tim của mẹ.

Trong quá trình mang thai, thai phụ có bệnh tim cần lưu ý tới chế độ ăn có lợi cho hệ tim mạch, tập thể dục đều đặn theo lời khuyên của bác sĩ tim mạch, bỏ thuốc lá. Bên cạnh việc khám thai định kỳ, cần đều đặn đến khám bác sĩ tim mạch để phát hiện, xử trí kịp thời các triệu chứng và biến chứng” - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng khuyên.

 

Hà Linh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên