01/03/2015 10:12 GMT+7

​Bị tắc tia sữa

THÙY DƯƠNG ghi
THÙY DƯƠNG ghi

TT - Cháu tôi 32 tuổi, đã sinh bé thứ hai được hai tháng rưỡi. Sau khi sinh gần một tháng, cháu đau một bên vú, nhất là mỗi khi sữa xuống, có lúc phát sốt.

Người mẹ cần nghỉ ngơi và ăn uống bồi dưỡng, uống nhiều nước (3-4 lít/ngày) trong thời gian cho con bú

Cháu tôi cứ ngỡ tắc tia sữa nên uống một số loại rau (đinh lăng, lá lốt, dâu...) để chống tắc sữa nhưng vẫn không bớt. Cháu đã đi khám vài lần tại bệnh viện. Cháu vắt sữa (để bỏ đi) thì thấy có sợi trắng dài ra theo và có cả những miếng nhỏ lợn cợn. Xin hỏi cháu tôi bị sao vậy? 

NGUYỄN THỊ HẠNH

- TS.Bs Lê Thị Thu Hà (BV Từ Dũ, TP.HCM) trả lời:

Theo các dấu hiệu bà mô tả nghĩ nhiều đến tình trạng viêm tắc tia sữa. Đó là tình trạng tắc nghẽn ống dẫn sữa gây ứ đọng sữa và nhiễm trùng.

Một số nguyên nhân thường gặp gây viêm tắc tia sữa như không day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh. Không vắt bỏ sữa thừa khi con bú không hết. Sữa đóng lại lâu ngày gây tắc, nhiễm trùng.

Tinh thần người mẹ căng thẳng, lo âu ảnh hưởng đến lưu thông của sữa. Ăn uống thất thường, cơ thể suy yếu sau sinh nở. Sau khi cho bú không vệ sinh đầu vú.

Khi bị tắc tia sữa, nếu chỉ uống các loại rau như đinh lăng, lá lốt, dâu như bạn đã kể thì không thể giải quyết được tình trạng bệnh. Thay vào đó, người mẹ cần áp dụng một số cách sau đây:

Vẫn tiếp tục cho bé bú và cho bú đúng cách. Nếu người mẹ không thể cho bé bú được (do tụt đầu vú chẳng hạn) thì vắt sữa ra ly hoặc bình và cho bé uống bằng thìa. Vắt sữa nhiều lần trong ngày nếu thấy cần thiết nhằm tránh ứ đọng sữa.

Lưu ý cách vắt sữa bằng tay: người mẹ rửa tay sạch, ngồi tư thế thoải mái, giữ bình đựng gần vú.

Đặt ngón cái lên phía trên vú, núm vú và quầng vú, ngón trỏ ở phía dưới vú, quầng vú, đối diện với ngón cái, đỡ vú bằng các ngón tay khác. Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng về phía trong và vào thành ngực.

Ấn vào rồi bỏ ra, lặp lại nhiều lần. Lúc đầu sữa có thể chưa xuống nhưng sau khi ấn vài lần, sữa đã bắt đầu xuống và chảy ra. Tránh xoa bóp hoặc trượt các ngón tay theo da. Tránh ép vào đầu núm vú. Việc ấn hoặc kéo núm vú không làm sữa chảy ra.

Đắp khăn ấm lên bầu vú, xoa nhẹ xung quanh bầu vú. Mẹ có thể bị sốt nhẹ khi căng tức sữa nhiều nhưng thường khỏi nhanh sau khi sữa được lưu thông nhờ đắp ấm, xoa bóp, cho bú và vắt sữa. Xoa bóp nhẹ nhàng từ trong phần vú bị cứng đi xuống phía núm vú để sữa được thông.

Người mẹ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất. Nếu viêm tắc tuyến sữa lâu ngày không khỏi có thể gây viêm tuyến vú, tạo khối ápxe có mủ. Khi đó cần đến cơ sở y tế để được rạch ápxe và dẫn lưu mủ.

Để tránh tình trạng tắc tia sữa lặp lại, người mẹ cần cho bé bú thường xuyên, day đều bầu vú, vắt sữa ra bình khi bé bú không hết.

Người mẹ cần nghỉ ngơi và ăn uống bồi dưỡng, uống nhiều nước (3-4 lít/ngày), giữ tinh thần thoải mái, lau rửa sạch đầu vú bằng nước ấm trước và sau khi cho bé bú, rơ lưỡi cho bé mỗi ngày để giữ miệng và lưỡi bé sạch sẽ.

THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên