28/02/2015 10:26 GMT+7

​Chậm cảnh báo lây nhiễm bệnh

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT -  Máy nội soi dùng trong thủ thuật can thiệp đường mật - tụy có thể gây lây nhiễm “siêu” vi khuẩn kháng thuốc dù được khử trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Vi khuẩn gây bệnh CRE đặc biệt nguy hiểm do không đáp ứng các oại kháng sinh thông thường

Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa đưa ra cảnh báo này.

Theo CDC, vi khuẩn gây bệnh CRE (gồm nhiều chủng như Klebsiella, E.Coli...) đặc biệt nguy hiểm do không đáp ứng bất cứ loại kháng sinh thông thường nào hiện nay, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 50% một khi đã đi vào máu.

CBS News nói các trường hợp do dụng cụ nội soi đã xuất hiện tại nhiều thành phố lớn của Mỹ như Chicago, Pittsburgh, Philadelphia, Seattle... từ năm 2012.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng lỗ hổng an toàn này đã bị cơ quan quản lý bỏ qua trong một thời gian dài hơn thế.

Cảnh báo trễ

Bác sĩ John Allen, chủ tịch Hội Tiêu hóa Mỹ, đã phải đóng vai một thám tử bất đắc dĩ khi 10 bệnh nhân của ông cùng nhiễm một loại vi khuẩn hiếm gặp.

Ông và các đồng nghiệp rất thắc mắc cũng như cảnh giác trước điều lạ thường này. Họ tìm hiểu và cuối cùng phát hiện thủ phạm không ở đâu xa mà chính là dụng cụ nội soi ngay trong phòng khám. “Người ta đã biết đến sự cố dạng này ít nhất từ năm 1987. Điều đáng lo ngại là tại sao để nó kéo dài lâu như thế” - ông Allen bức xúc.

Ngày 19-2, FDA chính thức khuyến cáo các bệnh viện nên lau chùi tỉ mỉ bằng tay một bộ phận của máy nội soi ống mật được cho là ổ chứa vi khuẩn, bên cạnh quy trình hướng dẫn bởi nhà sản xuất. Người phát ngôn của FDA Leslie Wooldridge nói đây là lần đầu tiên FDA đưa ra cảnh báo liên quan đến thiết bị này.

Hiện các bác sĩ và thậm chí nghị sĩ Mỹ bắt đầu lên tiếng bức xúc vì mãi bây giờ mới được thông báo. Đầu tuần này ông Ted Lieu - nghị sĩ bang California - đã kêu gọi FDA có buổi điều trần trước quốc hội. “Tôi không hiểu tại sao FDA mãi đến giờ mới đưa ra cảnh báo. Tôi muốn biết FDA biết những gì và họ biết từ khi nào” - ông tuyên bố.

Trong cuộc phỏng vấn với báo giới, ông Lieu lưu ý Tổng thống Obama đã ban hành một sắc lệnh hồi tháng 9-2014, trong đó đặt cuộc chiến chống “siêu” vi khuẩn là ưu tiên của an ninh quốc gia. Ông cho rằng cảnh báo an toàn của FDA đưa ra trong tuần vừa qua sau vụ lây nhiễm đông người ở Bệnh viện UCLA không đảm bảo sẽ ngăn chặn những vụ lây nhiễm tương tự.

Cần thiết kế mới

Bác sĩ William Maisel, phó giám đốc Trung tâm Thiết bị và chiếu xạ y tế thuộc FDA, trong khi đó biện hộ mãi đến năm 2013 họ mới có trong tay “bằng chứng thuyết phục” rằng thiết bị nội soi ống mật có thể chứa “siêu” vi khuẩn kể cả khi được khử trùng đúng cách. Ông Maisel nói cảnh báo của FDA được đưa ra khi họ đã có một hiểu biết đầy đủ.

Theo số liệu chính thức của FDA, tính trong hai năm 2013 và 2014 cơ quan này nhận được 75 báo cáo liên quan đến khoảng 135 bệnh nhân có khả năng bị nhiễm khuẩn qua thiết bị nội soi. FDA cũng nhìn nhận có thể còn nhiều trường hợp chưa được thống kê đầy đủ.

Trên thực tế, thậm chí trước thời điểm FDA bắt đầu ghi nhận số liệu, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo thiết bị nội soi ống mật rất khó để vệ sinh toàn bộ, đặc biệt một bộ phận gọi là “dây thang máy”.

Năm 2010, chuyên gia Lawrence Muscarella đăng một bài nghiên cứu trên tạp chí Endoscopy kêu gọi chú ý đặc biệt đến bộ phận này. Còn năm 2011, một tổ chức y tế cảnh báo quy trình khử trùng tự động không hiệu quả đối với thiết bị nội soi ống mật và kiến nghị nên thêm công đoạn xử lý bằng tay.

Các bác sĩ hi vọng các nhà sản xuất sẽ sớm nghĩ ra giải pháp cho vấn đề này. “Tôi cho rằng thiết kế lại ống nội soi mới giải quyết được vấn đề, hoặc một kỹ thuật khử trùng mới” - bác sĩ Bret Peterson, giáo sư y khoa tại Mayo Clinic, góp ý.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên