14/09/2014 05:23 GMT+7

​Ngâm thơ đỡ tốn tiền thuốc

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

TT - Thầy thuốc bên Đức chứng minh rằng những người thường đọc trường ca Iliad, Odyssey của Homer sẽ ăn ngon, ngủ yên, cảm thấy lạc quan, giảm stress, hạ huyết áp...

Nhà thơ Du Nguyên đọc thơ tại Văn Miếu, Hà Nội - Ảnh: Loan BB
Nhà thơ Du Nguyên đọc thơ tại Văn Miếu, Hà Nội - Ảnh: Loan BB

Trong khi nhiều sử gia vẫn chưa thu thập đầy đủ thông tin về cuộc đời của thi sĩ Homer, nhà thơ nổi tiếng ở Hi Lạp vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, thì một số thầy thuốc lại tin chắc như đinh đóng cột là thi sĩ thành Athens phải khỏe mạnh và sống thọ. Lý do vì nếu Homer không khỏe và thọ thì đã không thể hoàn tất nhiều tập thơ dài đến thế, như Iliad với 16.000 câu thơ!

Đọc thơ như thiền

Nhiều người tuy vào tuổi trung niên có thể không cần uống thuốc nếu ngày nào cũng ngâm thơ vịnh nguyệt cho đủ liều lượng

Thầy thuốc sở dĩ quả quyết như thế vì kết quả của một công trình nghiên cứu đối chiếu kéo dài nhiều năm ở Đức cho thấy sức khỏe của người mỗi ngày đọc thơ Odyssey được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là chức năng hô hấp và tuần hoàn, nếu so sánh với người không đọc gì hết, hay nếu đọc chỉ chọn toàn bản tin giật gân. Theo suy luận của các nhà nghiên cứu, Homer ngày xưa khỏe mạnh là vì hằng ngày phải đọc đi đọc lại nhiều lần bản thảo vì không lẽ ông này viết mà không đọc!

Nói có sách chưa bằng mách có chứng. Theo phân tích của chuyên gia về bệnh đường hô hấp ở Đại học Munich, do âm vận và cú pháp nên người đọc thơ của Homer bắt buộc phải đọc với giọng trầm và kéo dài. Người đọc thơ vì thế không thể thở nhanh. Thêm vào đó “thi sĩ” bắt buộc phải hít nhanh và sâu mỗi khi đến đoạn xuống hàng để tự tiếp hơi. Tập thơ lại rất dài nên buổi ngâm nga vô tình trở thành giờ luyện tập kỹ thuật hô hấp đúng nghĩa dưỡng sinh.

Quan trọng hơn nữa là vì phải tập trung vào nội dung của bài trường thi, cho dù người đọc thuộc nằm lòng, nên giờ đọc thơ chẳng khác nào giờ thiền, qua đó tạp niệm trong não bộ được quét dọn, tàn dư của stress được trung hòa, kích ứng thần kinh được dẫn truyền đến nơi đến chốn.

Người đọc thơ của Homer, cho dù không cần đọc đến hết, nhờ đó ăn ngon ngủ yên vì các loại nội tiết tố có công năng giảm đau, an thần, tạo cảm xúc lạc quan như serotonin và endorphin được phóng thích tối đa trong khi các loại nội tiết tố “tham sân si” như dopamine và adrenaline không có cơ hội tác quái. Người đọc thơ nhờ đó có huyết áp ổn định, độ loãng máu lý tưởng, mạch máu không co thắt thái quá. Đột quỵ vì tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim vì thuyên tắc mạch vành vì thế là chuyện căng đầu của... hàng xóm!

Tụng kinh tác dụng như ngâm thơ

Tác dụng hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim qua động tác hít vào thật nhanh, thở ra thật chậm, đã được chứng minh từ lâu nhờ nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực dưỡng sinh. Dễ hiểu vì động tác hít vào cho nhanh hưng phấn hệ thần kinh phó giao cảm trong khi động tác thở ra thật chậm ức chế hệ thần kinh giao cảm. Kết quả là huyết áp, nhịp tim được điều chỉnh theo kiểu hễ cao thì giảm, hễ thấp thì tăng, hễ nhanh thì bớt, hễ chậm thì hối thúc. Nói cách khác, nhiều người tuy vào tuổi trung niên có thể không cần uống thuốc nếu ngày nào cũng ngâm thơ vịnh nguyệt cho đủ liều lượng.

Cũng không nhất thiết phải tìm cho được bài thơ dài để ngâm cho đáng tiền mới nên chuyện. Ngay cả tụng kinh cũng có tác dụng tương tự. Bằng chứng là theo một công trình thống kê kéo dài nhiều năm ở Ý, tu sĩ siêng đọc kinh ít bị bệnh tim mạch hơn người chỉ kêu trời khi có chuyện. Theo các nhà nghiên cứu ở Thái Lan, nơi chùa chiền có mặt khắp nơi, ê a tụng kinh có tác dụng giảm đau không thua thuốc đặc hiệu, tất nhiên chỉ khi “tụng sĩ” đọc kinh với cả tấm lòng. Bằng chứng là không chỉ chất giảm đau mà ngay cả kháng thể cũng tăng thấy rõ sau giờ công phu.

Nếu các nhà nghiên cứu về Homer có lý thì người đang có vấn đề với huyết áp, với mạch vành, với stress còn đợi gì mà không thủ sẵn một tập Đoạn trường tân thanh để “trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh... chắc gì ghét nhau”. Trong thời buổi củi quế gạo châu thuốc đắt hơn vàng, có sẵn phương pháp mượn hơi của chính mình để đỡ gặp thầy thuốc còn muốn gì hơn?

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên