07/10/2013 07:46 GMT+7

Vì sao con tôi bị điếc?

HOÀI THU (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
HOÀI THU (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

TT - Ngay khi phát hiện bệnh quai bị ở con, tôi đã đưa con đến bệnh viện kịp thời, vậy mà bây giờ cháu phải bị điếc một tai. Tôi không biết vì sao cháu lại bị như vậy?

RhZvv9x9.jpgPhóng to

Sáng 13-6-2013, con trai tôi (5 tuổi) nói: “Má ơi con đau ở đây” và chỉ ngay mang tai. Tôi nhìn và nghĩ con bị quai bị nên lập tức chở cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM). Bác sĩ khám và nói bệnh này không có thuốc chữa, về theo dõi có gì thì đưa lên lại rồi kê toa paracetamol 325 và vitamin C 100mg, hẹn ngày 16-6 tái khám. Ngày 15-6 cháu vẫn sốt, tôi đưa cháu đến bệnh viện khám lại. Bác sĩ cho lysozim 90mg và soluped 20mg, hẹn ba ngày tái khám.

Sáng 16-6 con ói hoài, tôi lại đưa cháu đến bệnh viện. Bác sĩ cho bé nhập viện khoa nhiễm. Lúc này cháu mệt nằm rũ, nhưng khi lên phòng thì không còn giường nằm, chỉ được nằm ghế bố ngoài hành lang gió thổi lồng lộng, mưa hắt... Tôi phải căng mùng, lấy áo mưa cột vào mùng che cho đỡ gió và mưa hắt vào chỗ con nằm. Con tôi cứ sốt li bì và kêu đau đầu chóng mặt, nhưng tôi chỉ nhận được 1/2 viên thuốc chống ói và ba viên paracetamol cho con. Gần 9g hôm sau mới có bác sĩ khám, lúc này cháu chóng mặt không thể ngồi dậy được. Đến chiều cháu khóc, kêu đau đầu, chóng mặt quá, tôi bế con xuống phòng trực thì được bảo chuyển xuống phòng cấp cứu để thử tủy vì nghi bị viêm màng não. Đến 23g bác sĩ bảo cháu bị viêm màng não.

Đêm đó thật khủng khiếp với vợ chồng tôi, cháu kêu khóc suốt đêm. Đến gần 10g sáng hôm sau vẫn chẳng có ai khám hỏi, tôi quá sốt ruột vào gọi bác sĩ. Ông bác sĩ vừa khám cho cháu vừa nhăn nhó: “Ai cũng muốn khám trước làm sao tôi làm kịp, con chị vào nằm đây rồi còn lo gì nữa...”. Sau đó bác sĩ cho truyền nước. Đêm 18-6 cháu ngủ mê và cứ khóc, cô bác sĩ bảo thằng bé nhõng nhẽo và nói vợ chồng tôi bế cháu vào phòng hồi sức cách ly. Thấy cháu nằm một mình, khóc lịm cả người, tôi đau lòng quá năn nỉ bác sĩ mãi họ mới cho tôi bế con ra. Chỉ thương thằng bé ôm riết lấy mẹ nấc nghẹn!

Đến ngày 20-6, cháu được về phòng nhưng phải tiếp tục nằm ngoài hành lang dù vẫn chưa thể ngồi dậy được. Từ sáng 20-6 đến sáng hôm sau, tôi không thấy ai đến thăm bệnh cho cháu, trong khi cháu cứ ói hoài, mặt xanh lét, không thể ngồi dậy... Đến khoảng 15g ngày 21-6 cháu ngồi dậy được, vợ chồng tôi vô cùng hạnh phúc, ngỡ rằng con đã thoát bệnh và sắp được về nhà. Thế nhưng đến khoảng 18g, khi ba cháu điện thoại vào hỏi thăm, tôi cho cháu nghe thì thấy cháu cứ alô hoài. Tôi hoảng hốt kiểm tra mới phát hiện tai bên trái cháu không nghe được. Tôi bế con chạy như bay xuống phòng trực báo bác sĩ. Bác sĩ khám cho con tôi rồi nói bệnh này do thần kinh, cứ để từ từ coi sao. Đến chiều, bác sĩ cho cháu đi kiểm tra nội soi tai, ông bác sĩ nội soi cũng trả lời: “Màng nhĩ bình thường, đâu có sao, từ từ coi sao”. Đưa cháu về phòng, vợ chồng tôi như ngồi trên lửa.

Trưa 23-6, tôi tìm hiểu và được biết điếc đột ngột như thế cấp cứu ngay thì tỉ lệ thành công rất cao. Tôi vội đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM thì họ bảo đưa cháu đến liền. Tôi quay về Bệnh viện Nhi Đồng 2 và xin bác sĩ trực cho cháu đi khám bệnh. Bác sĩ nói chủ nhật phòng đo tai nghỉ, phải chờ đến ngày mai mới khám được. Tôi khóc, năn nỉ là cháu cần đi khám tai ngay, sợ chậm trễ sẽ bị điếc luôn. Lúc này bác sĩ nói: “Bệnh quai bị và viêm màng não của bé đã ổn định rồi, tôi cho bé xuất viện, chị đưa qua Bệnh viện Tai mũi họng thành phố khám tốt hơn”. Sau khi làm xong thủ tục xuất viện, tôi đưa con đến Bệnh viện Tai mũi họng ngay nhưng bác sĩ ở đây nói cháu đến trễ quá, tuy nhiên “còn nước còn tát” nên cháu được nhập viện. Sau 10 ngày nằm viện, cháu xuất viện với kết quả “điếc vĩnh viễn tai trái”.

Con tôi là đứa trẻ nhanh nhẹn, mới vừa lĩnh giải khuyến khích thi vẽ cấp thành phố của lớp chồi. Ngay khi phát hiện bệnh ở con, tôi đã đưa con đến bệnh viện kịp thời, vậy mà bây giờ cháu phải bị điếc một tai. Lỗi của ai? Nhìn con thơ, vợ chồng cứ khóc, có lúc hối hận là đã đưa con đi trị bệnh sai chỗ để con phải chịu hậu quả cả đời. Vợ chồng tôi đã đưa con đi nhiều nơi tìm cách chạy chữa nhưng không thấy hi vọng. Bây giờ chúng tôi phải làm sao?

* Bác sĩ PHẠM MAI ĐẰNG (phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM) trả lời:

Hỗ trợ bệnh nhi phục hồi thính lực

Bệnh nhi L.D.H.N., 5 tuổi, đã điều trị tại khoa nhiễm từ ngày 16-6 đến 23-6-2013 với chẩn đoán viêm màng não do quai bị. Bệnh nhân đã được xử trí đúng phác đồ và xuất viện trong tình trạng ổn định của bệnh viêm màng não do quai bị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi có biến chứng giảm thính lực cấp tính.

Giảm thính lực do quai bị là biến chứng rất ít gặp, theo y văn chiếm tỉ lệ 0,5-5/100.000 ca quai bị. Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với gia đình bệnh nhi vào ngày 27-8-2013. Theo chuyên gia tai mũi họng, việc khám và điều trị trường hợp này tại Bệnh viện Tai mũi họng là không trễ. Xử trí trong trường hợp này là điều trị bảo tồn và nâng đỡ (có đặt máy trợ thính), theo thời gian có thể phục hồi dần. Cũng theo chuyên gia tai mũi họng, bệnh nhi cần phải theo dõi tại Bệnh viện Tai mũi họng để điều chỉnh máy trợ thính phù hợp và ngăn ngừa những biến chứng lan qua tai còn lại.

Những đóng góp của thân nhân về giao tiếp, giải thích tình trạng bệnh cũng như không đủ giường cho bệnh nhân nằm, bệnh viện đã tìm hiểu và nhận thấy có trách nhiệm trong vấn đề này và chấn chỉnh ngay. Qua trường hợp này, bệnh viện đã rút được kinh nghiệm xử trí biến chứng bệnh quai bị, sắp tới sẽ cải tiến quy trình chăm sóc và nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhi tốt hơn. Đối với bệnh nhi L.D.H.N., bệnh viện sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình trong việc phục hồi thính lực của bệnh nhi trong khả năng của bệnh viện.

Thùy Dương ghi

HOÀI THU (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên