11/04/2013 07:33 GMT+7

H7N9 "không chờ hộ chiếu, thị thực"

HIẾU TRUNG (Từ Singapore) - HOÀNG NGỌC
HIẾU TRUNG (Từ Singapore) - HOÀNG NGỌC

TT - Dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc đã trở thành đề tài nóng bỏng nhất trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới (WHS) tại Singapore diễn ra từ ngày 8 đến 10-4.

TP.HCM sẵn sàng ứng phó H7N9Ban hành hướng dẫn phòng lây nhiễm cúm H7N9

PGO0Jkny.jpgPhóng to
Người dân Hàng Châu (Trung Quốc) mang khẩu trang đi chợ sau khi có thông tin virút cúm A/H7N9 đã xuất hiện ở thành phố này - Ảnh: Reuters

Tại WHS, bác sĩ Ko Wing Man, cục trưởng Cục Thực phẩm và y tế Hong Kong, thông báo số ca nhiễm virút A/H7N9 tại Trung Quốc đã tăng lên 28, trong đó chỉ riêng Thượng Hải có 11 ca. Tổng cộng đã có 9 người thiệt mạng. Bác sĩ Ko khẳng định hầu như chắc chắn số ca nhiễm bệnh sẽ tiếp tục gia tăng nhiều do có khả năng virút H7N9 đã lan rộng ra các tỉnh thành khác tại Trung Quốc. Trung Quốc đã đóng cửa các thị trường gia cầm sống.

"Dòng thông tin tự do cần được luân chuyển trên phạm vi toàn cầu, bởi hiện tại các căn bệnh truyền nhiễm dễ dàng vượt qua biên giới mà không cần hộ chiếu hay thị thực"

Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong

“Đánh giá chung của chúng tôi là virút A/H7N9 xuất phát từ chim hoang dã, lây lan qua gia cầm và biến đổi gen. Qua đó chúng có khả năng lây lan từ gia cầm sang người - bác sĩ Ko cho biết - Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy virút H7N9 lây từ người sang người. Điều tra cho thấy tất cả bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm”. Chính quyền các nước khu vực cần phải theo dõi biểu hiện bệnh ở các trang trại gia cầm trong nước, tiêm văcxin phòng cúm cho toàn bộ gia cầm.

Minh bạch thông tin là quan trọng nhất

Theo Bộ trưởng y tế Singapore Gan Kim Yong, vũ khí quan trọng nhất trong cuộc chiến chống virút A/H7N9 là các nước phải đảm bảo sự minh bạch thông tin. “Chúng ta cần đảm bảo các bác sĩ tuyến đầu nhận được những thông tin đầy đủ nhất, nhanh nhất để ngăn chặn mọi sự mù mờ - Bộ trưởng Gan nhấn mạnh - Dòng thông tin tự do cần được luân chuyển trên phạm vi toàn cầu, bởi hiện tại các căn bệnh truyền nhiễm dễ dàng vượt qua biên giới mà không cần hộ chiếu hay thị thực”.

Bộ trưởng Gan cũng cho rằng cơ quan quản lý khẩn cấp các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo dòng thông tin tuôn chảy tự do. “Chúng ta cần chia sẻ thông tin để cùng phân tích, nghiên cứu và tìm ra giải pháp” - Bộ trưởng Gan khẳng định.

Ngày 10-4, truyền thông Trung Quốc đã đặt câu hỏi về sự chậm trễ trong việc công bố thông tin về trường hợp đầu tiên thiệt mạng do dịch cúm H7N9.

Tờ Đô Thị Nam Phương dẫn chứng: việc một người đàn ông đầu tiên nhiễm cúm H7N9 ở Thượng Hải đã được xác định qua hai cuộc xét nghiệm vào ngày 4-3 và 10-3, nhưng chính quyền chỉ loan báo cái chết của người này vào ngày 31-3, tức chậm trễ ba tuần.

“Liệu (việc công bố sớm) có giúp giảm số trường hợp bị lây nhiễm và tử vong do H7N9 không?” - tờ báo này đặt câu hỏi và nhận định việc ém nhẹm thông tin sẽ mang lại sự hoang mang đối với người dân. Sự hoang mang này sẽ xuất hiện càng nhanh với phạm vi càng lớn hơn trước. Do vậy, để tránh tình trạng này, chỉ còn cách (chính phủ) phải công khai thông tin dịch bệnh, đây mới là cách giải quyết tốt nhất.

H7N9 biến đổi gen:nguy hiểm hơn!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ David Heymann, giáo sư bệnh truyền nhiễm thuộc Trường Vệ sinh và y tế nhiệt đới London (LSHTM), cảnh báo vụ dịch cúm heo H1N1 không nghiêm trọng có thể khiến một số quốc gia lơ là nguy cơ lây lan của virút A/H7N9.

“Khi mua một căn nhà, bạn cần mua bảo hiểm để đề phòng trường hợp nó bị cháy. Và gói bảo hiểm chống virút H7N9 là nỗ lực tăng cường giám sát tại cửa khẩu, tìm hiểu rõ những gì đang diễn ra tại Trung Quốc để xây dựng một cơ chế phòng vệ” - bác sĩ Heymann nhận định. Ông cũng cảnh báo có khả năng virút H7N9 sẽ tiếp tục biến đổi gen và trở nên nguy hiểm hơn bởi virút cúm gia cầm phát triển theo những cách rất khó dự đoán. Theo bác sĩ Heymann, nguy cơ xuất hiện của các căn bệnh truyền nhiễm là rất lớn. Bởi ngày nay con người sống quá gần với vật nuôi và gia cầm. Chất thải từ các trang trại vật nuôi và gia cầm dễ dàng xâm nhập nguồn nước của con người, khiến virút lây lan.

Chuyên gia James Rudge cũng đến từ LSHTM khuyến cáo các nước Đông Nam Á cần nâng cao năng lực đối phó với tình trạng dịch bệnh lây lan bởi trong thời gian qua, chính quyền các nước khu vực chủ yếu tập trung vào các biện pháp ngăn chặn và hạn chế dịch.

WHO: virút H7N9 không có trong heo

Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố cho đến nay vẫn chưa phát hiện virút cúm A/H7N9 trong heo nuôi ở các nông trại của Trung Quốc.

Người phát ngôn của WHO, ông Gregory Hartl, cho biết các mẫu động vật trong đó có heo, gia cầm và chim chóc đã được xét nghiệm từ khi virút A/H7N9 xuất hiện ở Thượng Hải và một số tỉnh lân cận. “Cho đến nay mọi sự tập trung về virút này đều ở các chợ bán gia cầm sống nhưng chúng tôi cũng không dám chắc 100% về nguồn lây nhiễm của virút này là từ cái gì” - ông Hartl nêu rõ.

HIẾU TRUNG (Từ Singapore) - HOÀNG NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên