16/03/2012 04:37 GMT+7

Tăng giá, chất lượng khám chữa bệnh có tăng?

LAN ANH
LAN ANH

TT - “Kiên quyết chống quá tải bệnh viện. Không nơi nào 2-3 người/giường bệnh như chúng ta. Khi khám chữa bệnh, không nơi nào đi từ 4g đến 11g vẫn chưa khám được như chúng ta”.

cdEagF67.jpgPhóng to
Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, được Bộ Y tế tổ chức hôm 15-3 ở Hà Nội. Bà Tiến cũng nhấn mạnh hình ảnh này sẽ không bao giờ giải quyết được nếu không có những biện pháp đột phá, nhất là của các giám đốc bệnh viện.

Ngoài chống quá tải, tại hội nghị này Bộ Y tế còn công bố viện phí tăng, kèm theo là tăng chi cho thầy thuốc làm thủ thuật, phẫu thuật, trực bệnh viện, tăng hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo...

Tăng số giường bệnh

Dự kiến có thêm 45.000 giường bệnh

Theo tính toán của Bộ Y tế, thực hiện đề án chống quá tải bệnh viện đến năm 2015 sẽ có thêm 45.000 giường bệnh, đạt 25-27 giường/vạn dân. Tuy nhiên tiền đâu để thực hiện đề án này thì hoàn toàn không phải câu trả lời dễ dàng. Trong số các phần việc đã được đặt ra trong đề án, mới có 40% công việc ở khâu đang xây dựng, hoàn thiện, còn lại mới ở dạng dự án khả thi hoặc chưa có bất kỳ hoạt động nào.

Chống quá tải bệnh viện là điều mà bà Tiến đã dành nhiều tâm sức thời gian qua. Và kết quả là lần đầu tiên, Bộ Y tế có một đề án chống quá tải bệnh viện công bố rộng rãi trước khi trình Chính phủ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tiến cho hay tình trạng quá tải bệnh viện hiện nay có phần do bệnh nhân ảo, nhưng có cả quá tải thật, vì những bệnh nặng như ung thư, tim mạch thì chỉ có bệnh viện tuyến cuối điều trị được và rõ ràng các bệnh viện này đang quá tải. “Các bệnh viện chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình... ở Hà Nội và TP.HCM thì hai thành phố phải có phương án chống quá tải riêng, do UBND thành phố chủ trì” - bà Tiến nói.

Theo đề án chống quá tải bệnh viện được Bộ Y tế công bố lần này, bảy bệnh viện T.Ư đầu ngành gồm Bạch Mai, Việt Đức, T.Ư Huế, Chợ Rẫy, K, Phụ sản T.Ư, Nhi T.Ư, hai sở y tế Hà Nội và TP.HCM sẽ tham gia đề án, với các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tổ chức xét nghiệm một cửa, thành lập bộ phận đón tiếp bệnh nhân, giảm người nhà ra vào viện trong thời gian cao điểm.

Quá tải do thiếu giường bệnh nên đến năm 2015, Bộ Y tế đặt mục tiêu đảm bảo 25-27 giường bệnh công lập/vạn dân (hiện nay mới đạt 20,5 giường/vạn dân), đặc biệt ưu tiên cho các bệnh viện đang quá tải trầm trọng như K, Nhi T.Ư, Bạch Mai, Chợ Rẫy...

Các bệnh viện “xây dần” gần 10 năm chưa xong như Bệnh viện K cơ sở 2 thì năm 2012 này phải xong khối nhà kỹ thuật, nghiệp vụ, 50% khối nhà điều trị để có thể đưa 300-500 giường bệnh vào phục vụ.

Với cách làm này, năm 2012 Bạch Mai có thêm 110 giường cho trung tâm ung bướu và tim mạch, đến năm 2020 có thêm 3.500 giường; Phụ sản T.Ư có thêm 500 giường trong năm 2012; Bệnh viện Chợ Rẫy đưa trung tâm truyền máu khu vực vào phục vụ ngay trong năm 2012, tháng 8-2012 sẽ khởi công xây dựng trung tâm ung bướu 12 tầng. Bệnh viện T.Ư Huế ngay trong năm nay sẽ đưa vào hoạt động bệnh viện quốc tế quy mô 300 giường bệnh trực thuộc Bệnh viện T.Ư Huế, năm 2013 có thêm 300 giường điều trị ung bướu.

Với phần việc của Sở Y tế TP.HCM, về lâu dài sẽ xây dựng cụm y tế cửa ngõ phía nam (khu vực Nhà Bè, Cần Giờ) quy mô 5.800 giường, cụm y tế cửa ngõ phía tây (khu vực Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú) quy mô 5.600 giường, cụm y tế cửa ngõ phía bắc (khu vực Củ Chi) quy mô 7.400 giường, xây dựng bệnh viện đa khoa hiện đại 200 giường tại khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị cảng Hiệp Phước...

Tại Hà Nội sẽ xây mới các Bệnh viện Đa khoa Hà Nội 1.000 giường, Bệnh viện Nhi Hà Nội 500 giường, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm 200 giường, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh 200 giường...

Nhưng... khó tăng chất lượng?

Theo ông Nguyễn Nam Liên - phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế, bảng viện phí mới áp dụng với 447 dịch vụ y tế. Để cải thiện chất lượng dịch vụ cho phù hợp viện phí mới, Bộ Y tế đã tính mức phí tại bệnh viện hạng 1/hạng đặc biệt là 20.000 đồng/lượt với yêu cầu một bàn khám chỉ khám 35 lượt/ngày, không phải một bác sĩ khám 100-120 bệnh nhân/ngày như hiện nay.

Mức phí mới cũng gồm chi phí cho bệnh viện mua sắm thiết bị như máy cấp số tự động, máy tính để thực hiện bệnh án điện tử..., tránh lộn xộn sắp xếp bệnh nhân.

Theo ông Nguyễn Hữu Lộc - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, quyết định mới của Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở y tế công lập sẽ giúp tăng thu nhập cho cán bộ y tế. Quy định mới khiến phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật tăng gấp 3-4 lần so với hiện hành, bác sĩ mổ chính ca mổ đặc biệt trước được 70.000 đồng, nay phụ cấp tăng gấp 4, lên 280.000 đồng/ca. Với mức phụ cấp này, một bác sĩ gây mê ở bệnh viện tỉnh sẽ được tăng phụ cấp lên 10-12 triệu đồng/tháng.

Đủ thứ tăng, liệu chất lượng khám chữa bệnh có tăng? Theo nhiều đại diện bệnh viện, với cơ sở vật chất và số lượng bệnh nhân hiện tại, rất khó để bệnh viện có thể thực hiện đúng... lý thuyết này.

Ông Mai Trọng Khoa, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Tháng 5 trung tâm ung bướu và y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai sẽ có thêm 55 giường bệnh, tương đương 18% số giường hiện có”. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết giường bệnh ở đây đang ghép từ 2-3 bệnh nhân, cần bổ sung ngay từ 300 giường bệnh trở lên, bổ sung 55 giường tình trạng quá tải có giảm nhưng chưa triệt để và chất lượng khám chữa bệnh chắc chắn không tăng nhiều.

Nhiều hỗ trợ cho người nghèo

Ông Nguyễn Hoàng Long, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế, cho biết cùng thời hạn áp dụng với quyết định tăng viện phí, có quyết định sửa đổi bổ sung hỗ trợ người nghèo khám chữa bệnh.

Theo đó, hiện 13,5 triệu người nghèo có thẻ bảo hiểm y tế, Chính phủ cũng hỗ trợ người cận nghèo 70% phí tham gia bảo hiểm y tế (tăng gấp rưỡi so với trước đây), bước đầu chuyển từ chính sách bao cấp cho cơ sở khám chữa bệnh sang bao cấp thẳng cho người thụ hưởng dịch vụ.

Với quyết định hỗ trợ này, người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sống tại các xã khó khăn, người sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác chi phí cao thuộc diện được hỗ trợ.

__________

Tin bài liên quan:

Tăng viện phí không làm tăng chất lượng điều trịTăng viện phí: Làm gì để giúp bệnh nhân nghèo?Sẽ tăng viện phíDự thảo viện phí mới: Đề nghị điều chỉnh giá gần 400 dịch vụ y tế15-4: Chính thức tăng viện phí

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên