25/11/2011 04:04 GMT+7

Để có làn da khỏe và đẹp

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Phần lớn trong hơn 400 câu hỏi của bạn đọc gửi đến buổi giao lưu trực tuyến chủ đề “Điều trị, chăm sóc da an toàn và hiệu quả” diễn ra tại tòa soạn Tuổi Trẻ sáng 24-11 đều hỏi về việc làm sao có làn da khỏe, đẹp.

Xem toàn bộ nội dung buổi giao lưu trực tuyến

WsNFS9Qc.jpgPhóng to
Các bác sĩ tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Điều trị, chăm sóc da an toàn và hiệu quả” - Ảnh: Thanh Đạm

Không chỉ người lớn, nhiều trẻ nhỏ cũng bị các bệnh lý về da khiến phụ huynh băn khoăn lo lắng.

Tham gia buổi giao lưu trực tuyến có bác sĩ CK1 Hoàng Văn Minh - giảng viên bộ môn da liễu Trường đại học Y dược TP.HCM, trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học y dược TP; ThS.BS Lê Thái Vân Thanh - giảng viên bộ môn da liễu Trường đại học Y Dược TP; bác sĩ CK1 Trần Thị Hoài Hương - phó khoa lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TP; ThS.BS Nguyễn Thị Bích Liên - khoa khám bệnh Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Phải kiên trì chữa trị

Nhiều bạn đọc bị mắc các bệnh lý về da đã được các bác sĩ khuyên phải kiên trì chữa trị mới mong khỏi bệnh hoặc hạn chế tái phát. Như chị Phạm Thị Quyên (36 tuổi) cho biết luôn mất tự tin vì bị dị ứng với tất cả, kể cả với nước, dễ ửng đỏ, da rất sần, mụn không hết... Bác sĩ Bích Liên trả lời bệnh da vẽ nổi (dermographism) là một bệnh dị ứng. Có thể dùng các thuốc chống dị ứng nhưng thời gian điều trị phải kéo dài. Ngoài ra, phải để ý để tránh các yếu tố gây dị ứng như thực phẩm, thuốc uống, đôi khi thời tiết thay đổi cũng có thể làm bệnh phát triển.

Mỹ phẩm có thể gây mụn

Có rất nhiều hoạt chất gây cồi mụn có trong các sản phẩm tẩy rửa, phấn, kem dưỡng da, kem chống nắng. Các hoạt chất này sẽ được bác sĩ chuyên khoa da liễu nhận biết khi đọc nhãn của sản phẩm. Nguyên nhân gây mụn trứng cá do tắc nghẽn cơ học thường liên quan đến kem nền pha dầu, kem nền không nước, các sản phẩm bôi có chứa các chất giống lipid bề mặt da như glycerin, petrolatum, lanolin, AHAs, urea.

Bà Trần Thị Yến (48 tuổi) cũng “mệt mỏi” vì dị ứng da từ hơn sáu tháng nay, đang uống thuốc giải độc gan nhưng ngưng thuốc thì da nổi mẩn đỏ như mề đay và ngứa cả thân thể... Bác sĩ Hoàng Văn Minh cho biết có thể đó là bệnh mề đay. Nếu uống thuốc hoặc không thì cũng có thể tự lặn rồi nổi trở lại ở bất kỳ vị trí nào. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như thức ăn, thuốc, thời tiết, kích thích da, xà bông và hóa chất tẩy rửa, giun sán... Trong một số trường hợp không rõ nguyên nhân gọi là mề đay nguyên phát. Việc điều trị chỉ cần uống thuốc kháng Histamin H1 sẽ hết triệu chứng nhưng khó tránh tái phát.

Cách nào “đuổi” mụn, nám, tàn nhang...?

Nhiều bạn đọc than phiền tình trạng da mặt rất nhờn, làm sao cải thiện. Bác sĩ Vân Thanh cho biết chế độ ăn uống để cải thiện da nhờn là ăn thực phẩm có ít muối, hạn chế ăn thức ăn ngọt như bánh, kẹo, chè... hoặc những loại trái cây ngọt nhiều như sầu riêng, xoài chín, chôm chôm, nhãn..., không nên dùng nhiều sữa tươi, hạn chế món ăn chiên xào. Trong chế độ sinh hoạt hằng ngày cần chú ý ngủ đủ và ngủ sớm, chăm sóc da nhờn đúng cách, hạn chế các hành vi có thể gây bít tắc hoặc ứ đọng chất nhờn trên bề mặt da như để tóc che phủ mặt, trang điểm thường xuyên.

Trả lời thắc mắc của nhiều phụ nữ trên dưới 40 tuổi bị nám da hai gò má, đã dùng kem, chiếu tia laser, uống thuốc làm đẹp da nhưng không hết, bác sĩ Hoài Hương nói điều trị nám có nghĩa là sử dụng các sản phẩm có tác dụng tẩy các chất melanine trong da và sử dụng các loại máy cũng có tác dụng phá hủy các chất melanine này. Nhưng các chất melanine có là do hắc tố bào (melanocyte) gây nên, nếu chỉ tẩy các chất melanine mà hắc tố bào vẫn tiếp tục sản xuất ra chất này thì nám vẫn còn. Như vậy để kiểm soát được vấn đề này, song song với điều trị tẩy nám cần phải chăm sóc da khỏe mạnh, bảo vệ da chống nắng tốt.

Để chăm sóc da khỏe mạnh, cần vệ sinh da thích hợp cho từng loại da, dưỡng ẩm da, không sử dụng những sản phẩm gây kích ứng, làm bít sự hô hấp bình thường của da; đặc biệt không sử dụng các sản phẩm tẩy da, các sản phẩm corticoid làm mỏng da, giảm sức đề kháng của da. Chống nắng tốt gồm: bảo vệ da khi đi ra nắng với mũ, khẩu trang, áo khoác, sử dụng kem chống nắng.

Nhiều trẻ mắc bệnh về da

“Con gái tôi 2 tuổi, thường bị ngứa ở lưng, sau cổ và hai cánh tay, nhất là khi cháu ăn thịt gà, bò hoặc tôm, có nổi mẩn nhỏ li ti như hạt kê khi gãi và tạo nắp màu nâu nâu. Tôi đưa cháu đi khám, bác sĩ bảo cháu bị chàm và cho kem bôi kèm thuốc uống. Cháu có đỡ nhưng khi ăn các món trên thì bị lại và ngứa ngáy làm cháu ngủ không ngon” là thắc mắc của một phụ huynh gửi đến chương trình. Bác sĩ Vân Thanh trả lời tình trạng của bé được gọi là chàm. Chàm là một bệnh da dị ứng (do cơ địa), có nhiều dạng bệnh khác nhau như chàm thể tạng, chàm tiếp xúc, chàm đồng tiền... Mục đích điều trị nhằm bình thường hóa làn da, kéo dài khoảng thời gian lành bệnh, hạn chế tái phát chứ không giải quyết triệt để nguyên nhân gốc.

Bạn đọc ntoan75@... (60 tuổi) đặt câu hỏi: “Tôi có cháu ngoại 4 tháng tuổi. Từ lúc 2 tháng cháu bị nổi mẩn ở mặt và sau tai, sau đó bong da và chảy nước vàng nhiều, phải bôi pomade Betamethazol mới đỡ. Ngừng bôi một ngày lại chảy nước. Xin hỏi có thuốc gì thay thế Steroid? Cháu bé bôi Betamethazol lâu như vậy có sợ ảnh hưởng tác dụng phụ lâu dài sau này?”. Bác sĩ Hoàng Văn Minh cho biết bé bị chàm sữa, một bệnh chàm thể tạng thường xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi. Các biểu hiện ngoài da thường là những mảng màu đỏ trên bề mặt có nhiều mụn nước, những mụn nước này khi vỡ sẽ chảy nước vàng, khi khô sẽ bong vẩy. Nếu điều trị bằng corticosteroid uống hoặc thoa thì bệnh sẽ hết nhanh nhưng dễ tái phát, dùng lâu dài sẽ có tai biến tại chỗ như: teo da, giãn mạch, mất sắc tố da, dễ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm... hoặc biến chứng toàn thân (hội chứng Cushing, chậm phát triển, nhiễm trùng...).

Cần lưu ý đối với trẻ thoa thuốc lâu ngày và trên diện rộng thì nguy cơ bị biến chứng toàn thân cao hơn là uống thuốc.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên