10/03/2011 04:03 GMT+7

Cơ hội ghép tim đang mở ra

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Từ ca ghép tim thành công đầu tiên do các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện, nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ hỏi cơ hội ghép tim ở VN hiện nay như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chiều 9-3 Tuổi Trẻ đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Cơ hội ghép tim ở VN”.

VpZklewf.jpgPhóng to
Sáng 9-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu (bìa trái) đến thăm bệnh nhân được ghép tim Trần Mậu Đức và tặng bằng khen cùng 50 triệu đồng tiền thưởng cho êkip ghép tim Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Đình Toàn

Hơn 170 câu hỏi của bạn đọc quan tâm vấn đề này đã được gửi đến Tuổi Trẻ.

Mở đầu buổi giao lưu, bạn đọc Lê Văn Thu, 32 tuổi, hỏi trường hợp nào cần ghép tim, chi phí ghép tim khoảng bao nhiêu? BS Tuấn Anh cho biết ghép tim được chỉ định cho những trường hợp suy tim không hồi phục giai đoạn cuối (giai đoạn III, IV). Thời gian hi vọng sống còn của bệnh nhân chỉ từ 12-18 tháng và không đáp ứng với điều trị. Chi phí ghép tim ở trong nước hiện chưa xác định chính xác, tùy thuộc từng trung tâm.

Điều kiện cho và nhận tim

Bạn đọc Lâm Thanh Hùng, 24 tuổi, đang bị bệnh suy tim độ III, hỏi GS Vạn Phước: “Tôi thấy VN hiện nay ghép tim được là do có người hiến tặng bị chết não. Người hiến tặng đó có cần là người thân hay bất cứ ai cũng được?”. GS Phước trả lời: ghép tim chủ yếu dành cho người bị bệnh cơ tim và bệnh lý của mạch vành mà các biện pháp điều trị hiện nay chưa thể giải quyết được. Mức độ suy tim thường là giai đoạn cuối cùng và không còn đáp ứng với các biện pháp điều trị tối ưu hiện có.

Về nguyên tắc, việc ghép tạng (tim, gan, thận) của người thân hay cùng huyết thống bao giờ cũng thuận lợi và tốt nhất. Tuy nhiên, mỗi người chỉ có một quả tim, do đó không thể nào cho quả tim khi mình đang sống. Do nguồn tạng hiến để ghép tim chủ yếu là từ người chết não nên điều kiện quan trọng nhất là hòa hợp về miễn dịch giữa người cho và nhận tạng ghép.

Sau khi ghép tim, người được ghép có thể sống thêm bao lâu? Trả lời câu hỏi này của bạn Lê Thành Tới, 34 tuổi, GS Phước cho biết kết quả của các trường hợp ghép tim trên thế giới cho thấy trung bình người được ghép tim sống được khoảng 85% sau một năm, khoảng 75% sau 2-3 năm và có trường hợp sống được trên 18 năm.

Tham dự buổi giao lưu trực tuyến có GS.TS Đặng Vạn Phước - chủ tịch Hội Tim mạch TP.HCM, phó chủ tịch Hội Tim mạch VN; GS.TS Bùi Đức Phú - giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (chủ trì êkip, phẫu thuật viên chính của ca ghép tim ngày 1-3 tại Bệnh viện Trung ương Huế);

GS.TS Huỳnh Văn Minh - phó chủ tịch Hội Tim mạch VN; ThS. BS Đoàn Đức Hoằng - thư ký chương trình ghép tim Bệnh viện Trung ương Huế; BS Đặng Thế Uyên - trưởng khoa gây mê hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế và BS Phạm Thọ Tuấn Anh - trưởng khoa hồi sức phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Trong hàng trăm câu hỏi bạn đọc gửi về, có bạn đọc rất quan tâm đến việc người cho tim phải có tiêu chuẩn gì. Bạn đọc Hoàng Anh, 34 tuổi, hỏi: “Thế nào gọi là chết não? Tiêu chuẩn nào xác định và cách thức xác định? Sau khi cho tim, gia đình và người thân có được quyền lợi gì không?”.

GS Huỳnh Văn Minh cho biết “chết não là sự chấm dứt không hồi phục chức năng của não và thân não”. Muốn hiến tim, người hiến phải dưới 55 tuổi, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể lớn tuổi hơn; phù hợp cân nặng; có sự tương hợp về miễn dịch, huyết động; không đang bị bệnh nhiễm trùng; không có các bệnh lý ác tính, trừ ung thư não nguyên phát.

Người hiến tim sẽ được bệnh viện phối hợp với gia đình người hiến tặng tim cùng thực hiện vấn đề hậu sự theo hướng tích cực nhất về vật chất và tinh thần. Bệnh viện có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe gia đình, người thân của người hiến tạng (bố, mẹ, anh, chị, vợ, chồng, con cái) bằng cách mua thẻ bảo hiểm cho họ nếu chưa có và sẽ có sự quan tâm chăm sóc y tế đặc biệt nếu cần phải nhập viện điều trị.

Phụ thuộc nguồn tạng hiến

Một câu hỏi khá hóc búa của bạn đọc Hoàng Thắng, 42 tuổi, gửi đến GS Vạn Phước là vì sao các bệnh viện ở TP.HCM vẫn chưa thực hiện được ghép tim cho bệnh nhân? GS Phước cho biết đây là một kỹ thuật cao trong chuyên ngành tim mạch, đòi hỏi có một tổ chức rất hoàn thiện dựa trên cơ sở của những trung tâm có tiềm lực về trang thiết bị, đội ngũ chuyên gia giỏi...

Tại TP.HCM, một số trung tâm có thể đáp ứng được các điều kiện này nhưng đây là một chương trình có sự chỉ đạo và kiểm soát của Chính phủ, Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Y tế. Hiện Hội đồng khoa học kỹ thuật của Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Y tế bước đầu mới chấp nhận dự án ghép tim tại hai trung tâm là Học viện Quân y 103 và Bệnh viện T.Ư Huế.

Tại TP.HCM có hai trung tâm đã làm dự án ghép tim là Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Tim TP.HCM. Hi vọng những dự án này sớm được thẩm định và thông qua để có thêm những cơ sở y tế thực hiện ghép tim phục vụ nhu cầu của người bệnh. Trả lời bạn đọc Đông Kháng, 33 tuổi, về khả năng ghép tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy sắp tới như thế nào, BS Tuấn Anh cho hay bệnh viện đã xây dựng đề án phát triển kỹ thuật ghép tim trên người lấy từ người cho chết não tại Bệnh viện Chợ Rẫy và đang chờ sự chấp thuận của Bộ Y tế.

Về tình hình và cơ hội ghép tim trên thế giới cũng như tại VN, GS Vạn Phước cho biết việc hạn chế số lượng ghép tim không chỉ phụ thuộc trình độ, trang bị và chi phí, mà chủ yếu phụ thuộc nguồn tạng có thể ghép được cho bệnh nhân.

GS Bùi Đức Phú nói: “Luật ghép tạng ở một số nước Bắc Mỹ, châu Âu... có quy định ít khắt khe, phức tạp hơn luật ghép tạng của VN. Ví dụ họ chỉ cần 1-2 bác sĩ để xác định người hiến tạng chết não theo các tiêu chí, trong khi ở VN phải có đến bốn bác sĩ xác nhận. Ngoài ra, ở một số nước trên thế giới, các trung tâm ghép tạng có quyền lấy tạng của người chết não, ngoại trừ người đó khi còn sống có văn bản không cho lấy tạng của mình sau khi chết. Ở VN, ngoài các tiêu chuẩn khác,việc hiến tạng phải được gia đình người hiến tạng đồng ý nên rất khó khăn để tìm được nguồn tạng hiến, nhất là khi hiện nay công tác truyền thông của chúng ta về hiến tạng chưa được phổ biến”.

GS Huỳnh Văn Minh khẳng định thành công của hai trường hợp ghép tim tại VN (năm 2010 đã có một ca ghép tim thành công tại Học viện Quân y 103 có sự hỗ trợ của bác sĩ nước ngoài-PV) là động cơ thôi thúc đội ngũ các bác sĩ VN quan tâm nhiều hơn đến chỉ định ghép tim cho các trường hợp suy tim không đáp ứng điều trị. Sắp tới Hội Tim mạch VN sẽ mạnh dạn đề cập chỉ định ghép tim trong khuyến cáo điều trị suy tim của VN. Ngoài ra, khi VN đã có tên trên “bản đồ ghép tim” của thế giới, chắc chắn sẽ thuận lợi hơn khi tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức chuyên môn, chuyên ngành ghép tim quốc tế.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên